"Sếp" Sông Lam Nghệ An khen Công Vinh

Thứ Ba, 30/12/2008, 12:17
Giám đốc điều hành CLB Sông Lam Nghệ An Hồ Xuân Chiêm và HLV Nguyễn Văn Thịnh như chưa bao giờ vui hơn thế khi nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi hiểu, đó là niềm xúc động thiêng liêng không chỉ của hai ông, với tư cách là những người dẫn dắt Công Vinh và Hồng Sơn, mà đó còn là niềm tự hào của tất cả hơn 80 triệu con tim Việt Nam.

"Đó là sự tập hợp tinh hoa của bóng đá xứ Nghệ" - ông Thịnh đã dành những lời như thế cho hai học trò của mình.

Nhìn vào sự thành công của Công Vinh, cầu thủ có giá chục tỷ và "người nhện" Hồng Sơn, chúng ta không khó tìm lời giải, bởi họ được đào tạo từ môi trường Sông Lam Nghệ An - một môi trường mơ ước của bất cứ cầu thủ nào, không phải bởi sự màu mỡ mà bởi chính những khát vọng vươn lên mãnh liệt của con người xứ Nghệ, vốn không được thiên nhiên ưu ái cho một khí hậu tươi tốt.

Vì thế, Hồng Sơn cũng như Công Vinh và giống như bất cứ con người nào sinh ra trên mảnh đất cằn cỗi này, ý thức vươn lên luôn luôn được đánh thức trong họ, một cách mãnh liệt nhất.

Lê Công Vinh từ khi sinh ra đã kém những đứa trẻ khác về sức khoẻ. Cậu bé bị bệnh đẻn ngay khi lọt lòng mẹ. Người ta phải dốc ngược người Vinh lên, vỗ nhiều cái thật mạnh vào mông mới chịu khóc ré lên. Mẹ Công Vinh lo đến phát sốt vì sợ nó yếu ớt, chẳng bằng chúng bạn và bà chẳng thể nào nghĩ đến một ngày như cái ngày 28/12/2008 vừa qua, con trai bà đã mang về chiếc cúp vô địch cho đội tuyển bóng đá Việt Nam một cách ngoạn mục như thế.

Tuổi thơ của Vinh gắn liền với trái bóng, đến nỗi đi ngủ cậu bé cũng cắp theo quả bóng nhựa. Lớn một chút, vừa làm nhiệm vụ trông hàng cho mẹ, Vinh vừa chơi bóng với một người bạn khiếm thính gần nhà.

Năm 1999, một bước ngoặt ghi dấu ấn trong sự nghiệp bóng đá của Lê Công Vinh khi em được Trung tâm VHTT thể thao huyện Quỳnh Lưu phát hiện ra tố chất cầu thủ của Công Vinh từ một giải bóng đá thiếu niên. Ngay lập tức, em được đề nghị thi vào Đội trẻ U14 Sông Lam. Năm đầu tiên làm quen với sự nghiệp cầu thủ, Vinh thậm chí còn tỏ ra kém những bạn cùng trang lứa.

Bị coi là "học trò dốt" ở cái tuổi chưa đủ lớn ấy khiến Vinh chẳng thiết tha gì với bóng đá, em nhất nhất xin về nhà, nhưng cũng thật may mắn cho Vinh, HLV Hà Thìn khi đó đào tạo em đã phát hiện thấy tài năng tiềm ẩn trong đôi chân cậu bé tuổi teen ấy và quyết tâm giữ em lại. Năm đó, Vinh cũng được tham gia giải U14 Quốc gia nhưng ngồi ở hàng ghế… dự bị. Cho đến trận cuối cùng, Vinh cũng được vào sân nhưng chưa kịp chạm chân vào trái bóng thì còi thổi hết giờ.

Sự nghiệp bóng đá tuổi teen của Vinh vẫn lận đận cho đến năm 2001, Vinh mới trở thành tiền đạo chính thức của U18 Sông Lam tham gia giải vô địch Quốc gia tại Khánh Hoà. Giải đó, Sông Lam vô địch nhưng Công Vinh lại không ghi được bàn thắng nào. Khi đã chính thức nằm trong đội hình của U21 Sông Lam, liên tục tham gia thi đấu nhưng không mấy thành công.

Và Công Vinh quyết định bắt khán giả phải nhớ tới mình bằng những nỗ lực rèn luyện không mệt mỏi. Cái tên Công Vinh sau này được báo chí nhắc tới nhiều hơn, cho đến khi Vinh trở thành cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất Việt Nam thì Công Vinh đã chính thức gắn cho mình một thương hiệu "hàng Việt Nam chất lượng cao".

Thương hiệu ấy đã tỏa sáng diệu kỳ bằng cú đánh đầu "không thể tường thuật lại" và làm nên chiến thắng lịch sử cho đội tuyển Việt Nam

Tô Lan - Đình Lam
.
.
.