Quân tử không đọc sách

Thứ Hai, 16/06/2014, 14:46
Đội tuyển Anh là đội bóng mà tôi rất yêu thích. Thế nhưng, cái cách mà đội tuyển Anh thi đấu, lại khiến tôi nhớ đến câu nói rất cũ của người Trung Hoa: “Quân tử ba ngày không đọc sách, lời nói đã nhạt. Quân tử ba ngày không soi gương, mặt mũi đáng ghét”.

Anh không thời nào thiếu danh thủ, nhưng người Anh lại hữu dũng vô mưu. Họ giữ banh, họ chạy, họ chuyền, họ sút, họ phối hợp, họ tấn công, họ phòng thủ… bao nhiêu năm rồi vẫn vậy.

Họ, cứ như Lỗ Trí Thâm, như Lý Quỳ, như Trương Phi, như Lã Bố… Họ lấy một thân nhiệt huyết tiêu xài hoang phí, họ không nghĩ quá nhiều đến thời thế, đến đối thủ. Họ hùng hục trên sân bóng, họ như người nông phu không suy tính thời tiết, họ băm bổ trên cánh đồng, họ cày bừa, họ gieo, họ tháo nước, họ đắp đập… Họ làm rất nhiều thứ, nhưng kết quả cuối cùng là sự hiệu quả thì họ lại không có được.

Sự hồn nhiên không phải lúc nào cũng cần thiết trong đời sống. Sự hồn nhiên lại càng không có chỗ trong những trận cầu mà người ta tính toán chi li đến từng chi tiết nhỏ.

Người Anh, kể từ kỳ World Cup 1966 đoạt chức vô địch trên sân nhà đã không còn được coi trọng. Bởi vì sao? Vì họ không chịu lớn.

Họ loay hoay, họ gầm gừ trong cái mỹ hiệu “Những chú sư tử” nhưng đáng tiếc là họ không biết cách nào để có thể biến thành vua của rừng xanh.

Quân tử không đọc sách, quân tử không soi gương. Tự lâu lắm rồi, người Anh đã không đọc sách, người Anh cũng không soi gương.

Nhìn cái cách mà người Anh bị Italia bỡn cợt trong trận đấu rạng sáng qua  mới thấy hết sự ngờ nghệch của những chú sư tử mãi mãi chỉ đang ở giai đoạn tập săn mồi.

Còn Uruguay, còn Costa Rica để người Anh gieo mầm hy vọng. Chỉ mong, người Anh kịp hiểu rằng, không có trận đánh nào lại thu được kết quả chỉ bằng sức mạnh mà thiếu đi sự khôn ngoan.

Muốn nhận được sự tôn trọng, không còn cách nào khác, người Anh phải... đọc sách đi!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.