Man City sang Việt Nam: Vé cao, gói quảng cáo cũng cao

Thứ Sáu, 10/07/2015, 09:03
Khi thông tin với báo giới về chuyến du đấu của Man City tại Việt Nam, ông chủ ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển - đạo diễn chính của phi vụ này cho biết, ông không đặt nặng vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, thực tế bước đầu cho thấy chuyện kinh tế trong sự kiện này còn cao hơn và "gây sốt" hơn cả sự kiện Arsenal tới Việt Nam hai năm về trước.

Khác biệt đầu tiên, dễ thấy nhất nằm ở giá vé đến sân. Hai năm trước, để được xem những cầu thủ Arsenal bằng xương bằng thịt người hâm mộ chỉ phải trả các mức giá 400.000, 700.000, 1.000.000 và 1.500.000 đồng, còn bây giờ, các mức giá xem Man City lần lượt được đẩy lên 600.000, 1.000.000, 1.500.000, 1.800.000 đồng. Hai năm trước, tổng số tiền nhà tổ chức thu lại sau khi bán gần 40.000 vé trên SVĐ QG Mỹ Đình vào khoảng 30 tỷ đồng, còn năm nay, sau khi trừ đi một lượng không dưới 30% vé cho các đối tác của VFF, của ngân hàng SHB và Man City, dự kiến kinh phí thu lại  không dưới 35 tỷ đồng.

Nhưng không chỉ lãi hơn ở khoản tiền bán vé, lần này nhà tổ chức dự kiến cũng lãi hơn ở tiền bán các gói quảng bá hình ảnh. Theo một thành viên đang tham gia đàm phán với các nhà tài trợ thì một gói quảng bá hình ảnh, trong đó bao gồm các quyền lợi như được đặt biển quảng cáo trên sân, được xuất hiện thương hiệu trong các buổi tập của ĐTVN chuẩn bị cho trận đấu, rồi trong trận đấu Việt Nam - Man City trên truyền hình có giá vào khoảng 20.000 USD. Mà ngay cả số lượng biển quảng cáo trong trận đấu Việt Nam - Man City cũng lên tới 96 chiếc, nghĩa là cao gấp đôi so với trận Việt Nam - Arsenal (48 chiếc).

Điều đáng chú ý là trận Việt Nam - Man City, tất cả các biển quảng cáo  đều của ngân hàng Eximbank - đối tác ngân hàng do ông PCT tài chính VFF Lê Hùng Dũng thời điểm ấy làm Chủ tịch và Hoàng Anh Gia Lai - doanh nghiệp của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, và ai cũng biết ông Dũng - ông Đức là người đứng ra đưa Arsenal sang Việt Nam, còn lần này, ngoại trừ khoảng 40 biển quảng cáo được "book" sẵn cho các đối tác của VFF và SHB, sẽ có một lượng biển không nhỏ được bán ra ngoài cho các doanh nghiệp, các nhà tài trợ khác nhau.

Hoá ra, giá xem Man xanh còn "khét" hơn cả giá xem Arsenal...

Bên cạnh nguồn thu từ tiền bán vé, tiền bán các gói quảng cáo, các nhà tổ chức cũng sẽ thu được một khoản nho nhỏ nữa từ tiền bản quyền truyền hình trận đấu. Hiện tại, VTV - đơn vị truyền hình trực tiếp trận đấu đang lên các phương án phối hợp khác nhau với VFF, trong đó nổi bật hai phương án: sẽ trả vài trăm triệu tiền mặt hoặc sẽ trả bằng những gói quảng cáo trước trận đấu - điều vẫn đang diễn ra với các trận đấu tại V.League hai năm gần đây. Nhưng bất luận với phương án nào thì nhà tổ chức trận đấu cũng sẽ nhận được thêm một khoản lợi nhuận nữa. Và theo những chuyên gia sành sỏi trong lĩnh vực thương mại thể thao, nếu cân lại tổng lợi nhuận, từ tiền bán vé, bán các gói quảng cáo rồi tiền bản quyền truyền hình, dự kiến tổng số tiền thu lại cũng sẽ dao động trong khoảng 45 đến 50 tỷ đồng.

Ngược lại, những nhà tổ chức phải bỏ ra khoảng 1 triệu bảng để trả phí ra sân cho Man City. Khoản kinh phí khổng lồ này cộng thêm kinh phí thuê sân Mỹ Đình (khoảng 800 triệu đồng), kinh phí ăn ở tại khách sạn 5 sao và chăm sóc công tác an ninh, bảo vệ  cho hàng chục thành viên của Man City (khoảng 1 tỷ đồng) sẽ khiến nhà tổ chức mất một khoản dự kiến gần 50 tỷ đồng. Như vậy có nghĩa tổng chi phí cho sự xuất hiện vài ngày của Man City ở Việt Nam cũng tương đương với tổng chi phí cho vài ngày của Arsenal ở Việt Nam, nhưng nguồn thu đến từ tiền bán vé và bán các gói quảng cáo lần này lại cao hơn hẳn.

Vậy thì chưa chắc những nhà tổ chức đã lỗ như những gì nhiều người lầm tưởng (trong vụ đưa Arsenal sang Việt Nam, những nhà tổ chức kêu lỗ 10 tỷ đồng), và cũng chưa chắc là "vấn đề kinh tế không phải vấn đề chính" như những gì mà người trong cuộc từng tuyên bố!

Không chỉ là chuyện tiền nong

Với một nền bóng đá nhược tiểu như Việt Nam, việc một ai đó bỗng đứng lên mời được một đội bóng hùng mạnh nào đó sang thi đấu chắc chắn không chỉ liên quan đến những lợi nhuận tiền nong đơn thuần.

Nên nhớ hai năm trước, không lâu sau khi cùng hợp tác với nhau để đưa Arsenal sang Việt Nam, ông Lê Hùng Dũng đã trúng cử chức Chủ tịch VFF khoá VII, còn ông Đoàn Nguyên Đức đã trúng ghế PCT tài chính, đúng như cái nguyện vọng mình tuyên bố: "Tôi chỉ làm phó nếu anh Dũng làm Chủ tịch". Phải nói, việc đưa Arsenal sang Việt Nam khiến cho hình ảnh và tầm ảnh hưởng của ông Dũng - ông Đức được nâng cao rất nhiều, và theo nhận định của những người thạo tin thì nó giống như một "cú đấm quyết định" giúp cho một doanh nhân - một ông chủ ngân hàng, chứ không phải một quan chức ngành thể thao lần đầu ngồi lên ghế chủ tịch VFF.

Lần này, đạo diễn chính trong vụ Man City sang Việt Nam là ông Đỗ Quang Hiển - người mà về danh nghĩa đã rút mọi sự ảnh hưởng của mình khỏi hai CLB Hà Nội T&T và SHB. Đà Nẵng, nhưng thực tế vẫn thường xuyên xuất hiện trên ghế VIP sân Hàng Đẫy, và vẫn được cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc gọi là "bầu" Hiển. Vậy thì chờ xem, sau khi Man City đến Việt Nam, "bầu" Hiển có đi một bước đột phá nào, ít nhất là trong lĩnh vực bóng đá đơn thuần hay không?

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.