Bóng đá Việt Nam thời khủng hoảng – thực trạng và lối thoát:

Ông phó chuyên môn, ông hội đồng hay... ông giám đốc?

Thứ Tư, 26/12/2012, 11:37
Phần lớn các chuyên gia bóng đá Việt Nam đều cho biết, ở thời điểm hiện tại một GĐKT người nước ngoài sẽ phù hợp hơn ai hết, không hẳn vì vấn vấn đề trình độ, mà còn vì các chuyên gia nước ngoài khi làm việc với BĐVN thường duy trì được tính độc lập cao, thay vì bị tác động hay dao động bởi những mối quan hệ chồng chéo của những người đã “bám rễ” quá sau ở nền bóng đá này.

Sau bài “Bóng đá Việt Nam và câu chuyện “đẽo cày giữa đường” nói về việc BĐVN không có định hướng phát triển lâu dài, đúng đắn nên cứ thay đổi xoành xoạch theo từng chu kỳ ngắn, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, trong đó phần lớn đều tập trung vào câu hỏi: Vậy phải làm gì để “giải cứu” cả một nền bóng đá trong cơn khủng hoảng? Để trả lời câu hỏi này, Báo CAND thực hiện loạt bài nhiều kỳ: “Bóng đá Việt Nam thời khủng hoảng: thực trạng và giải pháp”, đăng tải ý kiến của nhiều nhà báo, nhiều chuyên gia bóng đá với mong mỏi được nhìn thấy hình ảnh một nền bóng đá lành mạnh, khoẻ khoắn hơn trong tương lai.

VFF hiện tại có ông Phạm Ngọc Viễn làm PCT chuyên môn, và lẽ thường ông Viễn sẽ là người định hướng chuyên môn cho cả một nền bóng đá. Nhưng những người thạo việc nói rằng thời ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn còn tại vị thì nhiều phần việc chuyên môn của ông Viễn vẫn hay bị ông Tuấn “lấn sân”, và do đó khi được VPF mời sang làm TGĐ thì ông Viễn đã… vui vẻ nhận lời ngay. Bây giờ, như thừa nhận của chính PCT VFF Lê Hùng Dũng thì với cả một núi công việc ở VPF, ông Viễn không có đủ thời gian để ngó ngàng tới cái gọi là “mảng chuyên môn” ở VFF nữa.

Điểm lại những “ông phó chuyên môn” tiền nhiệm của ông Viễn như các ông Lê Thế Thọ, Dương Vũ Lâm thấy một điều rất lạ là người thứ nhất thì không nhận được sự ủng hộ của bộ máy điều hành, nên đã từng bị qui kết là làm hại ĐT (vụ các tuyển thủ U.23 bán độ tại SEA Games 25), còn người thứ hai thì được dựng lên như cách người ta dựng một cái “hình nộm” - thành thử khi “hình nộm” kết thúc “vai trò lịch sử của mình, dân trong nghề thấy thương nhiều hơn thấy giận. Và như thế, dễ thấy rằng cái ghế phó chuyên môn ở VFF xưa nay chưa bao giờ phát huy tác dụng như những gì mà nó từng được vẽ vời.

Về mặt lý thuyết, một khi không thể trông cậy (hoặc không muốn trông cậy) vào những ông… phó chuyên môn, VFF có thể trông cậy vào Hội đồng HLV QG - nơi qui tụ toàn những cựu cầu thủ danh giá của nền bóng đá này. Song kỳ thực VFF thường chỉ cậy nhờ Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia (HĐ HLV QG) trong vấn đề thuê HLV và sa thải HLV rồi… chấm hết. Mà ngay cả trong vấn đề này thì cách “cậy nhờ” của VFF cũng khiến người ta có cảm giác rằng họ muốn đẩy quả bóng trách nhiệm về phía những con người này thì đúng hơn.

Vì sao PCT chuyên môn Phạm Ngọc Viễn không thể “toả sáng” trong ngôi nhà VFF? Ảnh: Quang Minh.

Chẳng hạn như sau thất bại của ĐT U.23 Việt Nam tại SEA Games 24, VFF mời các thành viên HĐ HLV QG mổ xẻ thất bại với hàm ý sâu xa là chỉ ra một loạt “điểm chết” của HLV trưởng Alfred Riedl – người đã bị VFF ép từ chức ở thời điểm ấy, và thế là họ bị PCT Hội đồng Trần Văn Phúc “đập” lại thẳng tưng: “Khi ĐT đá ở Thái Lan, các anh không mua nổi cho chúng tôi 1 cái vé đi xem, bây giờ lại bảo chúng tôi mổ xẻ thì thử hỏi phải mổ xẻ cái gì?”.

Chuyện tương tự cũng xảy ra sau thất bại của ĐT U.23 tại SEA Games 26 – thời điểm VFF muốn HĐ HLV QG chỉ ra những cái dở của thuyền trưởng Falko Goetz thì thành viên HĐ HLV QG Dương Ngọc Hùng cũng “phản công” sắc sảo: “Tôi chỉ nhìn thấy Falko Goetz trên ti vi, chứ đã được VFF tạo điều kiện để gặp mặt một lần nào đâu. Vậy nên giờ lại bảo tôi mổ xẻ về Falko Goetz thì… buồn cười quá”.

Những gì diễn ra sau thất bại của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup vừa rồi cũng vậy, trong khi ông Chủ tịch HĐ HLV QG Nguyễn Sĩ Hiển ra sức phân tích, mổ xẻ về những vấn đề chuyên môn ĐT thì một thành viên khác của Hội đồng - cựu danh thủ Lê Thế Thọ lại cho biết: “Anh Hiển biết kế hoạch tập luyện thi đấu của ĐT thì đi mà mổ xẻ. Tôi không được thông báo những điều như thế nên không dại dột mổ xẻ làm gì”.

Rõ ràng là trong khi không thể (hoặc không muốn?) tận dụng chất xám của những ông “phó chuyên môn” thì VFF cũng không tận dụng được vai trò chuyên môn của HĐ HLV QG. Và chính vì việc không có được một cái nhìn chuyên môn lớp lang khoa học nên nay ĐTVN học Thái Lan, mai học Malaysia, rồi có thể ngày kia lại học Singapore… là một điều tất yếu. Vấn đề chỉ thực sự có lối ra khi chúng ta chính thức có được một GĐKT tầm vóc – một người có đủ chuyên môn và uy tín để trông nom các ĐTQG và vạch ra các kế hoạch phát triển căn cơ cho cả một hệ thống bóng đá nói chung.

Trong rất nhiều trao đổi với chúng tôi, phần lớn các chuyên gia bóng đá Việt Nam đều cho biết, ở thời điểm hiện tại một GĐKT người nước ngoài sẽ phù hợp hơn ai hết, không hẳn vì vấn vấn đề trình độ, mà còn vì các chuyên gia nước ngoài khi làm việc với BĐVN thường duy trì được tính độc lập cao, thay vì bị tác động hay dao động bởi những mối quan hệ chồng chéo của những người đã “bám rễ” quá sau ở nền bóng đá này.

HLV tạm quyền dẫn dắt ĐTVN

Cuộc họp giữa Tổng cục TDTT, VFF và Hội đồng HLV QG ngày hôm qua đi tới kết luận ĐTVN sẽ được dẫn dắt bởi một HLV tạm quyền trong 2 trận đấu đầu tiên tại vòng loại Asian Cup 2015 diễn ra vào đầu năm tới.

TTK VFF Ngô Lê Bằng nói: “Hiện tại chúng tôi đã có danh sách khoảng 10 HLV tạm quyền, và sẽ tiếp xúc với từng người để sớm tìm ra một gương mặt tốt nhất”.Theo ông Bằng, HLV tạm quyền chắc chắn là HLV nội, vì thời gian không còn đủ để kịp thuê HLV ngoại cho 2 trận đấu vào đầu năm tới.

Ông Bằng cũng nói thêm rằng VFF sẽ tổ chức hội thảo đánh giá lại tất cả những ưu – nhược của HLV ngoại trong suốt quá trình hội nhập của BĐVN kéo dài gần 20 năm qua, sau đó mới đi đến kết luận rốt cuộc có chính thức trở lại với phương án thầy ngoại hay không.

Tuấn Thành

Phan Đăng
.
.
.