Ông Tanabe về Nhật

Thứ Ba, 25/06/2013, 10:46
Cái tin chuyên gia bóng đá Nhật Bản Tanabe - trợ lý đặc biệt của TGĐ VPF Võ Quốc Thắng đột ngột về nước mà… không hẹn ngày trở lại không khiến nhiều người chú ý. Ở một bối cảnh mà nghi án “trọng tài ăn tiền bẩn” rồi vụ “ép giá trận cầu lịch sử” luôn nóng từng ngày, từng giờ thì đúng là những câu chuyện về ông Tanabe đã bị lãng quên…

Một ngày cuối tháng 5, ông Tanabe nhận được hung tin cha mất. Và theo TGĐ Võ Quốc Thắng thì cái tin ấy đã khiến ông “Bê” sốc tới mức phải vào viện cấp cứu. Thế là ông xin phép về Nhật chịu tang cha, nhưng vẫn theo ông Võ Quốc Thắng thì về tới Nhật bệnh tình ông “Bê” mỗi lúc một trầm trọng hơn.

Nghe đâu ông “Bê” hẹn khi nào khỏi bệnh sẽ sớm trở lại Việt Nam, để tiếp tục những công việc dang dở của mình. Lại nghe, trong trường hợp ông “Bê” không thể quay lại, VPF có thể sẽ được những nhà tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản giới thiệu một chuyên gia đầu ngành khác trong lĩnh vực quản lý, điều hành bóng đá.

Nhưng ở thời điểm này, trước khi nghĩ tới chuyên ông “Bê” quay lại, hay chuyện một ông C, D, E… nào đó sẽ sang đây, làm tiếp công việc mà ông “Bê” đang làm, cần phải trả lời cho thấu đáo: Ở Việt Nam, ông “Bê” thực sự đã kỳ vọng gì và đã thu hoạch được những gì?

Cách đây vài tháng, khi ông “Bê” chuẩn bị sang Việt Nam với công việc dự kiến là TGĐ VPF (sau lại được điều chuyển thành trợ lý cho Chủ tịch VPF), thông tin từ VPF cho hay, ông là một chuyên gia tài năng, giàu kinh nghiệm, đã thành công từ cả môi trường bóng đá Nhật đến môi trường bóng đá Pháp.

Và khi ông “Bê” chính thức bước chân đến Việt Nam, rồi chứng kiến lễ ra mắt của Ban Tư vấn Đạo đức VPF tại TP HCM thì bầu Thắng đã tạo điều kiện để ông đối thoại với cả một rừng phóng viên đang hết sức quan tâm, chú ý đến những động thái của mình. Hôm ấy, ông “Bê” lịch lãm với bộ quần âu – áo sơ mi trắng, rồi lịch lãm trả lời từng câu hỏi.

Và khi người ta hỏi: “Ông mơ mộng điều gì ở Việt Nam?” thì ông “Bê” không ngại ngần tuyên bố: “Ở đây, tôi sẽ làm việc hết sức mình. Và tôi hy vọng là đến khoảng 10 năm nữa thì ĐTVN có thể chiến thắng cả ĐT Nhật Bản quê tôi”. Ngay lập tức cả khán phòng vỗ tay rào rào…

Những ngày đầu tiên ở Việt Nam, ông “Bê” hào hứng đi thị sát từng trận đấu và tìm hiểu mô hình hoạt động của từng CLB Việt Nam. Ông đã ngồi trên sân Chi Lăng xem trận siêu cúp QG giữa chủ nhà SHB – Đà Nẵng và Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn (XM.XT.SG) rồi nhận xét: “Đấy là một trận đấu thật sự chất lượng”. Chưa đầy 24 giờ sau, thì ông lại nhận ra mình đã bị việt vị rất nặng, vì đấy là trận đấu mà trước khi bóng lăn đã có những “tin nhắn tiêu cực” gửi đến các thành viên Ban Tư vấn Đạo đức VPF.

Sau đó thì ông “Bê” tới sân Thống Nhất, xem trận khai mạc V.League giữa chủ nhà XM.XT.SG với đội khách Bình Dương – cái trận mà ông không phát biểu nhiều, nhưng trong thâm tâm có lẽ ông không khỏi ức chế với một trận đấu mà hai bên tung vào sân cả chục ông Tây nhưng lại là trận đấu, nhạt hơn nước ốc.

Sau đó nữa thì ông “Bê” vi hành sân Đồng Nai – cái sân mà ông không được ngồi ở ghế VIP đàng hoàng như ở sân Chi Lăng hay sân Thống Nhất, mà phải ngồi trên ghế nhựa, dưới một khán đài lợp tôn nóng hầm hập, và phải chứng kiến cái cảnh các cầu thủ vừa đá vừa lo trời tối, vì sân không có dàn đèn…

Rồi ông “Bê” cũng mau chóng thấy rằng ở Việt Nam, số phận mỗi đội bóng thường được định đoạt bởi một ông bầu, và vì thế chuyển giao bán, chuyển nhượng các đội bóng, đôi khi chẳng khác chuyện người ta mua bán mớ rau ngoài chợ. Nói như chính một chuyên gia bóng đá Việt Nam vốn gần gũi với ông “Bê” thì cái thực tế V.League nói riêng và thực tiễn BĐVN nói chung khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những gì ông tưởng tượng.

Có lần ngồi uống rượu với ông “Bê”, thấy ông khá vui vẻ, cởi mở trong những câu chuyện đời sống, nhưng cứ hễ đụng tới chuyện bóng đá thì ông lại “chối khéo” bằng những câu đại loại: “Tôi mới chỉ tiếp xúc, nên chưa thể nhận định nhiều”. Bây giờ lại hay tin ông “Bê” về nước chịu tang cha, và về nước rồi thì ông lại đổ  bệnh ngày một nặng.

Cầu mong ông “Bê” sớm bình phục và sớm quay lại Việt Nam (dù ai cũng biết đấy là khả năng rất nhỏ) để vừa thực hiện tiếp những phần việc còn dang dở, vừa để đập tái cái dư luận: “Sống với BĐVN rồi, hiểu BĐVN rồi, chẳng riêng gì ông ấy, mà ai ở vào tình cảnh của ông ấy cũng phải… bỏ của chạy lấy người mà thôi”

Diệp Xưa
.
.
.