Ông Graechen và ông Muira

Thứ Ba, 02/09/2014, 10:05
Ngày mai (3/9), ông Graechen sẽ đưa U.19 Việt Nam từ Phố Núi để lần đầu tiên đến Thủ đô đá giải U.19 Đông Nam Á. Chỉ cách cái nơi mà U.19 đá giải vài chục bước chân (sân Mỹ Đình), ông Miura lại đang bền bỉ luyện binh cùng ĐTVN và ĐT Olympic Việt Nam.

Ông Graechen và ông Miurangười đến từ nước Pháp, người đến từ nước Nhật. Là một thành viên của Học viện bóng đá Arsenal trên toàn cầu nên ông Graechen theo đúng trường phái kĩ thuật, đá nhỏ, đá nhuyễn của Arsenal. Ông Miura lại được đào tạo bài bản ở Đức nên rất khoái kiểu đá nhanh và tinh thần chiến đấu của người Đức điển hình. Có xem U.19 Việt Nam đá một loạt các giải đấu quốc tế từ năm ngoái tới nay mới thấy ông Graechen trung thành viết triết lý Arsenal như thế nào. Mới đây, ngay cả khi ĐT của ông mới được bổ sung một trung vệ cao, to (Anh Thi) thì chắc chắn cũng không vì thế mà ông cho quân đá phòng ngự số đông trước gôn nhà.

Ngược lại, theo dõi những buổi tập đầu tiên của ông Miura với ĐTVN và ĐT Olympic Việt Nam mới thấy ông tôn thờ tuyệt đối kiểu đá ít chạm, di chuyển nhiều của bóng đá châu Âu. Đơn cử như ông rất thích cái chân trái dẻo kẹo của Thành Lương, và rất muốn xây dựng Lương là trung tâm điểm của các đợt tấn công, nhưng ông lại rất dị ứng với thứ tốc độ chậm chạm khởi đi từ cái chân ấy.

Cầu thủ ĐTVN cũng cần nhìn các đàn em U.19 với trạng thái "cay mũi" tích cực. Ảnh: H.M.

Ở một thời điểm mà cả U.19 lẫn ĐTVN và ĐT Olympic Việt Nam cùng tập trung ở Hà Nội thì dư luận Thủ đô lại đang đổ xô vào ĐT thứ nhất mà có phần lãng quên hai ĐT sau. Bằng chứng là người ta ùn ùn xếp hàng cố mua cho được tấm vé xem U.19 thi đấu, và thông tin về U.19 cũng luôn là những thông tin nóng nhất, đậm đặc nhất trên các trang báo, khác hẳn kiểu "thông tin nhỏ giọt" về hai ĐT của ông Miura.

Trước đây đã từng có chuyện một tuyển thủ QG lên facebook cá nhân để "chọc ghẹo" đàn em U.19 khi thấy các cầu thủ "đàn em" được dư luận quan tâm, để ý hơn mình. Đại loại, tuyển thủ này bảo những thành viên U.19 được đào tạo trong một môi trường mơ ước, với một nguồn kinh phí đầu tư kỷ lục, khác hẳn với kiểu đào tạo mang nặng tính nghiệp dư, thiếu thốn của thế hệ mình ngày xưa. Điều này có phần đúng nhưng chưa phải là tất cả, bởi mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: xem U.19 đá người hâm mộ luôn có niềm tin vững chắc là U.19 đang đá thật, đá trong sáng, đá bằng tất cả sức lực vốn có của mình, và lúc này, trong hệ thống bóng đá Việt Nam thì xem ra U.19 là đội bóng duy nhất tạo được niềm tin như vậy.

Những ngày tới đây thì chắc chắn là người Hà Nội còn sốt với việc lần đầu tiên được xem những nhân tài tuổi 19 bằng xương bằng thịt, và cái sốt ấy có thể sẽ tiếp tục tỷ lệ thuận với sự hờ hững với hai đội bóng dưới trướng thầy Miura. Và đấy chắc chắn là lần đầu tiên kể từ thời U.16 Việt Nam vào bán kết U.16 châu Á (năm 2000) mà một ĐT trẻ QG lại được quan tâm chú ý hơn cả ĐTQG.

Mong là sự tương phản này sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho cả hai ĐT. Với U.19 thì đấy sẽ là một dịp để họ tiếp tục hiểu rõ những thứ giá trị lớn lao mình đang có, và biết phải làm gì để nuôi dưỡng một thứ giá trị không dễ gì xác lập. Còn với ĐTQG và ĐT Olympic QG thì đấy sẽ là dịp để họ thấy mình càng phải cố gắng và hoàn thiện nhiều hơn.

Còn với riêng những người làm công tác huấn luyện như ông Graechen và ông Miura, hãy tin rằng đứng trước  bất luận hoàn cảnh nào thì chắc chắn là các ông cũng luôn biết phân tích và vận dụng nó một cách có lợi nhất cho đội bóng của mình

Diệp Xưa
.
.
.