Bán kết SEA Games 24:

Olympic Việt Nam - Myanmar: Một trận knock-out, không dành chỗ cho sự sai lầm

Thứ Ba, 11/12/2007, 09:45
Chiều nay (11/12), HLV A.Riedl và các học trò sẽ ra sân sống mái với Olympic Myanmar để tìm chiếc vé của trận đấu cuối cùng SEA Games 24. Một trận knock-out, không dành chỗ cho sự sai lầm hay những thời khắc yếu lòng...

12 năm trước, ở trận bán kết SEA Games 18 tại Chiangmai-Thái Lan, bàn thắng vàng từ cái chân bó băng trắng xóa nơi gối phải của Trần Minh Chiến, đã đưa đội tuyển Việt Nam vượt qua người Myanmar trong một trận chiến kéo dài 120 phút. Để rồi sau đó, bóng đá Việt tạo được cột mốc đáng nhớ trên đấu trường khu vực bằng chiếc HCB SEA Games năm đó.

12 năm đã qua với thêm 4 cuộc đụng độ nữa ở Tiger Cup 1996, SEA Games 1999, Tiger Cup 2002, SEA Games 23, chúng ta đều giành phần thắng trước bóng đá Myanmar.

Trong đó có những chiến thắng thuyết phục như trận thắng 4-1 tại vòng bảng Tiger Cup 1996, nhưng cũng có những chiến thắng tủi hổ và tai tiếng như trận thắng "chỉ một bàn" tại SEA Games trước-trận thắng mà về sau đã khiến 7 trụ cột của đội phải ra toà chịu án hình vì "vụ án bán độ". Giờ thì chúng ta tại ngộ người Myanmar tại bán kết SEA Games 24.

Cái tính chất sinh tử của cuộc đối đầu với đối thủ này làm người ta âu lo cho "đoàn quân" của HLV A.Riedl. Bởi khi nhìn lại những gì họ đã thể hiện ở vòng bảng, thì dường như những điểm yếu và thiếu của Olympic Việt Nam lại là điểm mạnh của đối phương.

Rõ ràng, ở cả ba trận đấu vòng bảng vừa qua, các học trò của ông thầy người áo đều không thể vào cuộc với tư thế và tâm thế của kẻ đi chinh phục. Yếu tố tinh thần, thứ vũ khí được coi là có tính truyền thống và tối thượng của bóng đá Việt, bị hủy hoại khi các cầu thủ luôn ra sân với trạng thái tâm lý căng cứng và sợ thua.

Trước một đối thủ dưới cơ như Olympic Lào mà họ đã có khá nhiều thời điểm đá trong sợ hãi, thì thử hỏi khi đối đầu với dàn cầu thủ trẻ giàu khát vọng và quyết tâm của Myanmar, sẽ ra sao? Thế nên, nếu không làm tốt "công tác tư tưởng", rũ bỏ trạng thái tâm lý khá u ám hiện tại để trở lại với chính mình, Olympic Việt Nam sẽ thêm một lần đối diện với nguy cơ tự sát tại quan ải bán kết.

Dẫu vậy, nếu nhìn sự việc dưới góc độ tích cực, thì việc vượt qua được một vòng đấu bảng nhọc mệt, lại tránh được Thái Lan ở bán kết, cũng đem tới những cú hích nhỏ nhỏ đối với tâm lý của các cầu thủ. Hy vọng rằng, điều này sẽ kéo tinh thần toàn đội đi lên để thể hiện một diện mạo khởi sắc hơn khi bước vào trận đánh chiều nay.

Còn về mặt chuyên môn, khả năng đề kháng cực kém của hàng thủ trong những tình huống chống bóng bổng thực sự tạo ra một cảm giác bất an. Bởi người Myanmar sở hữu những tiền đạo có chiều cao và chơi đầu tương đối tốt, đặc biệt là chân sút chủ lực Sl Thu Win với chiều cao 1m 81.

Chưa hết, nên nhớ rằng, ở vòng bảng, hiệu suất ghi bàn của các học trò HLV Faloha cũng khá cao, thậm chí là cao hơn cả Olympic Việt Nam (8 bàn so với 7 bàn). Bên cạnh đó, lối chơi giàu thể lực, không ngại va chạm của Olympic Myanmar cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho thầy trò A.Riedl, nhất là khi họ được nghỉ nhiều hơn chúng ta một ngày.

Trong khi đó, ngay chính ông Riedl thừa nhận, cả ba tuyến của đội đều vận hành một cách trục trặc. Thế nhưng, quỹ thời gian vọn vẹn 48 tiếng chuẩn bị cho trận bán kết, có lẽ là không đủ để nhà cầm quân người áo khắc phục toàn bộ những vấn đề của đội.

Vậy nên, người ta không có nhiều cơ sở để chờ đợi một sự đột biến trong cách bày binh, bố trận của Olympic Việt Nam trong cuộc đối đầu chiều nay. Thay vào đó, có lẽ tính ổn định sẽ được đặt lên hàng đầu. Nhiều khả năng, bộ khung nhân sự ở trận đấu cuối cùng vòng đấu bảng sẽ được duy trì.

Theo đó, bảo vệ khung thành là Tô Vĩnh Lợi. Bộ tứ hàng thủ vẫn là những gương mặt từng xuất trận ở cuộc đối đấu với Olympic Lào gồm Việt Cường (phải), Long Giang, Xuân Hợp, Nhật Tân (trái). Hàng tiền vệ đón nhận sự trở lại của Tấn Tài bên cánh phải sau án treo giò.

Với sự xuất hiện của Tài, thì Vũ Phong được trả về vị trí tiền vệ trái quen thuộc. Trong khi đó, ở trung tâm tuyến giữa, chấn thương của Minh Chuyên mở ra cơ hội đá chính cho Công Minh sánh vai Duy Nam. Còn trên mặt trận tấn công, ông A.Riedl chẳng có lựa chọn nào khác ngoài bộ đôi quen thuộc Công Vinh - Thanh Bình.

Olympic Việt Nam đang đứng trước một trận đấu khó và đối thủ không hề yếu. Đây chính là thời điểm mà thầy trò A.Riedl cần phải chứng minh được bản lĩnh và khả năng thực sự của mình để vững tay chèo, vượt qua cửa ải bán kết được dự báo là gian khó này.

Vậy thì hãy để những gì đã xảy ra ở vòng bảng vào ngăn kéo của quá khứ; hãy vót nhọn sự thất vọng của ngày hôm qua thành mũi tên sắc bén của ngày hôm nay để thắp lên ngọn lửa chiến thắng nơi bán kết, Việt Nam ơi!

Bảo Hân
.
.
.