Ôi, bóng đá châu Phi...!

Thứ Tư, 02/07/2014, 11:31
Như vậy Đức và Pháp đã cùng tiễn hai đại diện cuối cùng của châu Phi rời sân chơi World Cup. Cách tiễn của mỗi người mỗi khác, đơn giản vì bản thân họ và đối thủ của họ cũng có những điểm khác nhau. Nhưng tất cả đều khiến chúng ta nhớ đến lời “tiên đoán” của Pele trước đây rằng: “Sẽ có một đội bóng châu Phi lên ngôi vô địch”.

Pele tất nhiên chỉ là người luôn dự đoán sai và chính ông cũng ngày một nổi tiếng hơn vì các nhận định “quái quái” kiểu ấy của mình. Song, đằng sau chuyện bóng đá châu Phi trở nên bết bát là gì? Bản chất của vấn đề phải chăng chỉ nằm ở chất lượng cầu thủ hay cách làm bóng đá?

Trước World Cup, cựu danh thủ Nigeria Sunday Oliseh trả lời phỏng vấn Tạp chí FIFA rằng: “Bóng đá Nigeria cần một nền tảng tốt hơn” và nhiều người nghĩ rằng tiềm năng của lục địa đen sẽ phát huy tốt nhất nếu các LĐBĐ khu vực này có cách làm bóng đá hiện đại hơn, cập nhật hơn và tiên tiến hơn. Song, cả một hệ thống như thế (nếu có) có thể phát huy được 23 con người đến tham dự World Cup hay không khi mà kết quả ở sân chơi World Cup vẫn do chính 23 con người đó quyết định?

Vấn đề của lục địa đen nằm ở chính văn hóa - xã hội của họ chứ không đơn thuần nằm ở cách họ làm bóng đá. Châu Phi, trừ khu vực Bắc Phi tiếp giáp với châu Âu, đa số là những quốc gia non trẻ, với bề dày lịch sử không lớn. Họ vốn dĩ là xã hội bộ tộc, bộ lạc và chỉ được khai sáng để bắt đầu các thể chế quốc gia từ những gì họ học được của người châu Âu, những kẻ từng đến chinh phục họ. Chính vì lẽ đó, tình cảm ái quốc của người châu Phi không đậm đầy bằng tình cảm mà họ dành cho bộ lạc, thị tộc của mình.

Điều đó dẫn tới việc ở mỗi kỳ World Cup, đều xảy ra tình trạng các đội châu Phi ngả bài mặc cả với LĐBĐ quốc gia của họ về tiền thưởng theo cái kiểu rất “chợ” là: Đưa tiền thì đá, không tiền nghỉ tập. Nói cho cùng, cái cách tiền trao cháo múc ấy khó có thể giúp một đội châu Phi có được thành tích tốt nhất dù con người của họ không hề kém cỏi chút nào.

Pha ghi bàn bằng đầu của Pogba phút 79 cho đội tuyển Pháp.

Vấn đề thứ hai mà chúng ta cũng cần phải thấy rõ là nhiều tuyển thủ châu Phi đều thuộc diện “sinh ra, lớn lên, chơi bóng ở châu Âu” và họ chỉ quay lại khoác áo ĐTQG gốc gác tổ tiên khi không thể cạnh tranh vị trí với những tuyển thủ khác ở các ĐTQG hàng đầu châu Âu. Sự toan tính mang tính vị kỷ đó càng cho thấy tương quan về trình độ, ý thức của cầu thủ châu Phi và cầu thủ châu Âu khác nhau một vực một trời như thế nào. Thế nên, thất bại của họ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Bóng đá chỉ là cuộc chơi đơn thuần trên sân cỏ của 22 con người nhưng thực ra nó phải dựa vào các nền tảng thực tế của xã hội. Và với nền tảng như thế, châu Phi có mặt ở World Cup, có một vài đại diện vào vòng 1/8 là vui rồi.

Còn đi xa hơn nữa ư? Cái đó còn phải đợi chính những biến chuyển từ trong lòng mỗi quốc gia lục địa đen...


(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả).
NS Hà Quang Minh
.
.
.