Nội hóa cầu thủ ngoại

Thứ Năm, 25/09/2008, 09:08
Tám năm trước, bóng đá Việt bước vào mùa giải chuyên nghiệp thử nghiệm đầu tiên, nhưng sự háo hức và tò mò của các CĐV chẳng phải nằm ở chữ "chuyên nghiệp" hay cái tên V.League khoác lên mình giải VĐQG, mà chính ở những cầu thủ Tây đến đá bóng cho ta. Để rồi dặm dài năm tháng, sau 8 mùa bóng, yếu tố ngoại binh đã trở thành một phần không thể thiếu ở các đội bóng Việt…

Giờ đây, chẳng ở đội bóng nào là không có bóng dáng cầu thủ ngoại. Chuyện thành hay bại của một CLB cũng phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng của những đôi chân ngoại trong đội hình.

Hãy thử tưởng tượng xem Đồng Tâm.LA nếu thiếu Santos, Antonio Carlosl, HAGL vắng Thonglao, Sakda, Agostinho, Bình Dương không có Kesley, Philani, Đà Nẵng chẳng sở hữu Almeida, thì sức mạnh và oai phong của "tứ đại gia" trong làng bóng Việt sẽ giảm thiểu đến mức nào.

Chẳng nói đâu xa, ngay mùa bóng rồi, tân binh Xi măng Hải Phòng sẽ chẳng thể trở thành một hiện tượng gây sốc của làng bóng Việt nếu như trong đội hình của họ thiếu hai ngoại binh người Brazil có chất lượng là De Jesus và Leandro.

Hoặc giả Thể Công đó, nơi được coi là một trong số những trung tâm hàng đầu của làng bóng về đào tạo trẻ, nhưng cũng phải cậy nhờ ngoại binh để tìm đường trở lại V.League và chơi khá tưng bừng ở mùa bóng vừa qua với ít nhiều những dấu ấn của Endene và Sihavy.

Vai trò của ngoại binh ngày càng quan trọng đối với đội bóng, có vẻ như khiến cho cái "hạn ngạch" mỗi đội chỉ được "sở hữu" 5 cầu thủ ngoại, trong đó chỉ có 3 được phép thi đấu cùng lúc trên sân mà LĐBĐVN quy định, trở nên "chật hẹp" với các đội có nhu cầu và cả tiềm lực tài chính.

Để rồi, bắt đầu từ mùa bóng vừa qua, người ta thấy xuất hiện một xu hướng sử dụng cầu thủ ngoại mới: nội địa hoá ngoại binh. Nghĩa là các đội tiến hành nhập tịch Việt Nam cho cầu thủ nước ngoài để rồi họ ra sân với tư cách một cầu thủ nội.

Trường hợp thủ môn Santos của Gạch là bước khai phá đầu tiên và mang đến một lợi thế không nhỏ về nhân sự cho đội bóng vùng Long An ở V.League mùa rồi. Nó khiến cho không ít lãnh đội phải theo chủ nghĩa "AQ" mà tự trào: "Thôi thì coi như mình chấp họ một ngoại binh"! Chuyện cầu thủ Brazil mang quốc tịch Việt ở Đồng Tâm.LA, cũng ít nhiều tạo ra một cú hích cho các đội bóng khác học tập.

Giờ đây, chuẩn bị cho V.League 2009, bên cạnh những động thái của các đội trên thị trường chuyển nhượng, người ta lại thấy không ít các CLB rục rịch nhập tịch cho cầu thủ ngoại của mình.

HAGL lên kế hoạch tìm cầu thủ nội từ những ngoại binh cũ của mình thông qua con đường nhập quốc tịch Việt Nam cho Sakda và Nirut.

Nghe đâu Thanh Hoá, Bình Dương cũng đang tính giải bài toán ngoại bằng con đường này với những cầu thủ Mykola, Kesley.

Xu hướng nội địa hoá ngoại binh này của các đội bóng Việt, thực ra cũng chẳng phải là quá mới. Thậm chí có thể nói đó là sự "copy" cách làm của bóng đá Singapore nói riêng và thể thao đảo quốc Sư tử biển nói chung.

Thế nhưng, cũng có không ít người làm chuyên môn, đã lên tiếng cảnh báo, làn sóng nhập tịch này là một cách làm "ăn xổi", thiển cận và chạy theo thành tích trước mắt mà bỏ qua việc xây dựng tuyến trẻ.

Bởi cầu thủ ngoại nhiều lên, đồng nghĩa với nội binh càng hiếm có đất dụng võ, nói chi đến cầu thủ trẻ. Chưa kể việc nội địa hóa ngoại binh này còn khiến các đội ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào cầu thủ ngoại.

Lập luận này ít nhiều có lý khi nhìn lại 8 năm làm bóng đá chuyên nghiệp bằng những đôi chân ngoại, dường như tài năng trẻ của bóng đá Việt cứ hiếm dần đi, nguồn cầu thủ kế cận cạn kiệt. Hệ quả là giá cầu thủ nội giờ leo thang phi mã, trong khi chất lượng lại đi xuống

Bảo Hân
.
.
.