Nỗi đau người xứ Thanh

Thứ Tư, 29/10/2008, 10:53
Người Thanh Hóa lên tuyển U.22 vừa rồi lên tới con số 4. Cả 4 con người ấy đều có mặt trong trận chung kết Merdeka Cup và góp công không nhỏ đưa U.22 Việt Nam lấy Cúp vàng. Thế nhưng, "người Thanh Hóa" lên tuyển - câu chuyện ấy còn gợi ra một nỗi đau mà không dễ gì một sớm, một chiều tan biến.

Người Thanh Hóa ở tuyển U.22 có Công Huy, chàng tiền vệ trụ đá điềm đạm nhưng rất tinh và rất lỉnh. HLV trưởng Mai Đức Chung nhìn Huy chơi bóng đã phải trầm trồ thốt lên: "Cậu ấy xứng đáng có mặt ở ĐTQG". Huy là người Thanh Hóa nhưng Huy lại không trưởng thành với bóng đá Thanh Hóa.

Ít ai biết rằng, hồi còn là một câu thủ năng khiếu, Huy đã bị đoàn bóng đá Thanh Hóa loại thẳng với lý do: "Không có khả năng chơi bóng". Ngày ấy, nhận quyết định bị loại, cả nhà Huy đau, nhưng họ vẫn quyết tâm cho đứa con nhỏ yêu bóng banh theo nghiệp cầu thủ. Thế là một dịp, nghe tin lò Thể Công tuyển sinh, Huy đã lặn lội từ Thanh Hóa lên Hà Nội thi tuyển, và không ngờ đã… trúng. Bây giờ thì Huy đã trở thành một tiền vệ trụ cứng cựa của Thể Công, và hơn thế, còn là "lá phổi" đưa U.22 Việt Nam đoạt cúp vàng.

Nhưng người Thanh Hóa ở tuyển U.22 không chỉ có Công Huy, mà còn có Tăng Tuấn. Cũng giống hệt Công Huy, thời còn là một cầu thủ năng khiếu, Tuấn đã khóc những giọt nước mắt uất ức của một đứa trò bị loại khỏi cuộc tuyển sinh. Con bị loại, bố Tuấn sợ mê banh bóng quá, Tuấn không chịu học hành nên quyết định gửi cậu vào Kon Tum với mục đích "cách ly bong bánh, cách ly bạn bè". Thế nhưng vào Kon Tum, tình yêu bóng đá vẫn âm thầm chảy trong lòng đứa bé 14 tuổi. Kết quả, Tuấn đã lặn lội vào đội trẻ Pleiku thử việc để rồi cứ thế đi lên từng nấc.

Người Thanh Hóa ở tuyển U.22 còn có Mai Tiến Thành - người sút quả Penalty quyết định trong trận chung kết Merdeka giữa Việt Nam - Malaysia, giúp Việt Nam hiên ngang lấy Cúp.

Mai Tiến Thành khác với Công Huy và khác cả Tăng Tuấn ở chỗ anh đã được bóng đá Thanh Hóa tuyển chọn, nuôi dưỡng thành tài. Cho đến V.League 2007, Thành vẫn là một cái trụ thuộc vào dạng "đầu đinh" trong đội hình Thanh Hoá, cái "trụ" mà nói như HLV trưởng Trần Văn Phúc hồi ấy thì "đặt đâu cũng tốt và đặt chỗ nào cũng phát huy tài năng".

Thế nhưng Mai Tiến Thành hết hợp đồng. Cái đích mà anh nhắm tới không còn là Thanh Hóa mà là Vinakansai Ninh Bình, cái đội bóng nhà giàu, mới nổi, chỉ cách Thanh Hóa duy nhất một ngọn đèo Tam Điệp. Thời điểm ấy, sự tranh chấp Thanh Hóa - Ninh Bình quanh trường hợp Mai Tiến Thành đã làm cho cả làng rúng động. Nó rúng động vì ai cũng muốn làm to chuyện và ai cũng tin là mình thắng.

Nhưng tất nhiên, rốt cuộc chỉ có một người thắng, và đau cho bóng đá Thanh Hóa khi người ấy lại là Ninh Bình. Lúc này thì Mai Tiến Thành đã là trụ cột ở Ninh Bình, và khi đứng trước câu hỏi: "Bao giờ về xứ Thanh" thì cái "trụ" ấy vẫn chỉ… cười cười.

Người Thanh Hóa ở tuyển U.22 còn có Hoàng Đình Tùng - tài năng trẻ 19 tuổi. So với Công Huy, Tăng Tuấn, Tiến Thành thì Đình Tùng là cầu thủ Thanh Hóa duy nhất còn sống cùng bóng đá Thanh Hóa. Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo, khi tài năng của mình vào độ "chín" Đình Tùng rồi sẽ tiếp bước đàn anh để bỏ bóng đá Thanh Hóa ra đi.

Mà chuyện các cầu thủ Thanh Hóa bỏ bóng đá Thanh Hóa ra đi là một câu chuyện dài. Thời bóng đá bao cấp ngày xưa, đã có lần nhiều chuyên gia nhìn vào đội Công an Hà Nội mà thốt lên: "Đây là đội bóng của người Hà Nội hay người Thanh Hóa?". Người ta phải thốt lên như vậy là vì ở Đội Công an Hà Nội, nhìn trên, nhìn dưới, toàn người Thanh Hóa cả. Từ Trung Phong, Quang Minh, Thanh Châu, đến Tuấn Thành…, tất cả đều là những nhân vật từ bóng đá Thanh Hóa mà đi lên.

Hóa ra, sau bao năm, bóng đá Thanh Hóa vẫn không giải quyết nổi bài toán "giữ người". Và hóa ra, khi người Thanh Hóa thành công ở tuyển U.22 QG thì người Thanh Hóa ở bóng đá Thanh Hóa lại phải đau cái nỗi đau của riêng mình

Diệp Xưa
.
.
.