Những dấu hỏi cho VPF?

Thứ Sáu, 06/01/2012, 11:28
VPF liệu đã cầm cân nảy mực một cách công bằng đúng như những gì mình tuyên bố hay chưa?

Timothy của CLB Hà Nội sau khi đánh nhau với cầu thủ Ninh Bình đã bị “treo” 2 trận, nhưng chỉ là treo ở trận địa Cup QG vốn không phải là trận địa chính của các CLB. Timothy là thành viên của CLB Hà Nội - đội bóng của ông Nguyễn Đức Kiên, PCT VPF - đang điều hành tất cả các giải đấu cấp CLB của BĐVN. Hai dữ kiện trên có thể chẳng liên quan gì tới nhau, nhưng vì những lợn cợn trong bản chất câu chuyện mà người ta cứ phải đặt nó cạnh nhau, để qua đó đặt ra những dấu hỏi về tính công bằng của một cuộc chơi.

1.Xin nhắc lại là Timothy đánh nhau với một cầu thủ Ninh Bình trong khuôn khổ Cúp QG, chứ không phải trong khuôn khổ Super League. Tuy nhiên trong bóng đá người ta ít khi căn cứ vào các mặt trận thi đấu khác nhau của cùng một hệ thống thi đấu để mà xử án và thi hành án. Trái lại, án phạt sau khi xuất hiện phải lập tức được thi hành ở những trận đấu gần nhất, ngay sau đó, bất chấp trận đấu ấy nằm trong mặt trận thi đấu nào.

Hãy phân tích một ví dụ cụ thể: Năm 2008, sau khi treo sân Hải Phòng ở trận địa V.League, người ta đã buộc bóng đá Hải Phòng phải thi hành cái lệnh treo ấy ở trận địa Cup QG với lý lẽ rằng: “Trận đấu ở Cup QG là trận đấu gần nhất của Hải Phòng sau khi nhận án phạt”. Hồi ấy nhiều người cho là Ban kỷ luật VFF đã “treo” mà thực chất là cứu bóng đá Hải Phòng với việc “lập lờ con đen” giữa một V.League khốc liệt, đầy tính cạnh tranh với một cái Cup  QG vô thưởng vô phạt, không nhiều người để ý. Tuy nhiên, nếu cứ theo cái logic mà Ban kỷ luật đưa ra thì việc Hải Phòng “thi hành án”  ở Cup QG cũng có lý lẽ riêng của nó.

Và nếu cứ chiếu theo cái lý ấy – một cái lý đã được áp dụng trong thực tiễn BĐVN thì Timothy bây giờ mặc dù mắc lỗi ở Cup QG nhưng cần thiết phải bị “treo” ở sân chơi Super League, bởi những trận đấu ở Super League, chứ không phải những trận đấu ở Cup  QG mới là những trận đấu gần nhất của cầu thủ này, sau án phạt. Thế nhưng những người giữ gìn kỷ cương của một cuộc chơi đã không làm như vậy. Họ chỉ treo Timothy ở cái Cup QG luôn bị coi là “cúp hạng 2”, còn ở sân chơi Super League, ngay ở vòng đấu tới đây, Timothy vẫn có thể xỏ giày ra sân như không có chuyện gì.

Hôm qua, trên nhiều trang báo, và nhiều diễn đàn Internet đã có hàng loạt những câu hỏi đặt ra xung quanh câu chuyện nực cười này. Đó là, phải chăng vì Timothy thuộc đội bóng của bầu Kiên nên người ta vừa xử Timothy vừa phải nhìn lên nhìn xuống theo kiểu vuốt mặt nể mũi? Phải chăng vì Timothy là chân sút chủ lực trong đội bóng của một người đang nắm chức PCT VPF nên người ta đã không thể xử phạt một cách sòng phẳng, rõ ràng?

Nhiều ý kiến cho rằng CLB Hà Nội của bầu Kiên đang nhận được khá nhiều ưu ái? Ảnh: Quang Minh.

2.Tất nhiên những câu hỏi kiểu này thật khó mà giải đáp cho chính xác, bởi những người làm án và xử án của BĐVN đã liên tục khẳng định rằng mình chỉ làm theo tinh thần của luật pháp, chứ không làm theo sự chỉ đạo của ai đó, và cũng bởi chính những nhân vật có quyền lực trong cái thể chế VPF hiện nay cũng hơn một lần cam kết rằng mặc dù là những người “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nhưng họ cương quyết sẽ “đá” và “thổi” một cách công minh. Nhưng để hiểu rõ hơn vấn đề có lẽ cần thiết phải kể thêm một câu chuyện nữa, đó là việc VPF chấp nhận cho những cầu thủ ngoại (xin nhấn mạnh lại là cầu thủ ngoại) có bố hoặc mẹ là người Việt Nam vào sân chơi bóng như một cầu thủ Việt Nam.

Quy định này làm chúng tôi nhớ đến những điều khoản mà VFF định áp dụng 2 năm về trước. Hồi ấy, trước một làn sóng nhập tịch cầu thủ ồ ạt, làm ảnh hưởng lớn tới chất lượng của các cầu thủ Việt Nam đúng nghĩa, VFF đã tính đến việc sẽ giới hạn số lượng cầu thủ nhập tịch trên sân. Nhưng ngay lập tức ý định này đã bị dư luận, trong đó có rất nhiều ông bầu trong bộ máy VPF hiện nay đánh cho tơi tả. Lý lẽ người ta đưa ra là: Đối với một cầu thủ, tuyệt đối chỉ được căn cứ vào quốc tịch để phán xét về tư cách ra sân, chứ không được căn cứ vào bất kỳ lý do nào khác. Và nếu đã căn cứ như thế, việc VFF muốn giới hạn số lượng các cầu thủ nhập tịch ở trên sân là một điều cực kỳ vô lý. Một cái lý như thế đã được dư luận ủng hộ, và cuối cùng ý định của VFF đã bị… đập vỡ không thương tiếc.

Bây giờ nếu cứ chiếu theo cái lý này thì rõ ràng một cầu thủ ngoại (nghĩa là vẫn đang mang quốc tịch nước ngoài), dẫu có bố hoặc mẹ là người Việt Nam hẳn nhiên vẫn không thể được ra sân như những cầu thủ Việt Nam. Vậy thì tại sao VPF lại cho phép thi triển cái điều “không thể” ấy? Tại sao lại chấp nhận một thứ lập luận mà trước đó đã từng bị đông đảo dư luận (trong đó có cả những ông bầu đang tham gia vào bộ máy VPF) công kích tới cùng? Phải chăng quyết định này chỉ có lợi cho những đội bóng đã “chuẩn bị sẵn” những cầu thủ ngoại trong diện này, mà CLB Hà Nội của bầu Kiên cũng chính là một đội bóng như thế?

3.Từ những chuyện quanh án phạt cho Timothy đến những chính sách quanh việc cho các cầu thủ ngoại có bố hoặc mẹ là người Việt Nam được quyền ra sân giống như các cầu thủ Việt Nam, người ta không thể không đặt ra những câu hỏi cho chính VPF. Hỏi rằng, tổ chức này liệu đã cầm cân nảy mực một cách công bằng đúng như những gì mình tuyên bố hay chưa? Và hỏi rằng, nếu những điều tương tự vẫn sẽ diễn ra thì niềm tin của người hâm mộ về một cuộc “cách mạng bóng đá” liệu có là một thứ niềm tin xa xỉ, không bao giờ với tới hay không?

Thật lòng, khi đặt ra những câu hỏi này, chúng tôi vẫn cố tin rằng có thể vì mình khắt khe quá và đa nghi quá nên mới hỏi như vậy mà thôi!

Phan Đăng
.
.
.