Nghe ông Miura nói...

Thứ Ba, 23/12/2014, 09:18
Nhiều tờ báo Việt Nam đăng lại bài phỏng vấn được cho là của HLV trưởng ĐT Việt Nam Toshyia Miura với một kênh truyền hình trả tiền tại Nhật Bản, và lập tức bài phỏng vấn tạo ra những tranh luận trái chiều.

Nếu tất cả những thông tin trong bài phỏng vấn này là chính xác thì có vài điểm đáng chú ý như sau: Thứ nhất, ông Miura đã hết lời chê V.League, một giải đấu mà theo ông thì từ chất lượng chuyên môn đến công tác tổ chức, điều hành đều rất thiếu chuyên nghiệp. Thứ hai, ông chê các cầu thủ Việt Nam thể lực kém, di chuyển chậm chạp, thường tổ chức tấn công một cách rườm rà, dựa trên những tình huống đi bóng cá nhân. Và thứ ba, ông chê bóng đá Việt Nam không dám nghĩ đến những mục tiêu lớn như Olympic hay World Cup.

Thực ra thì cả 3 nội dung trên đây đều không mới mẻ gì. Đơn cử như việc ông chê sự thiếu chuyên nghiệp của V.League thì chính báo giới Việt Nam cũng từng đề cập phản ánh rất nhiều lần. Nhưng có một chi tiết đáng chú ý, Trưởng BTC V.League 2014 là ông Tanaka Koji - một đồng hương của ông Miura. Thế nên khi ông Miura nói lên sự qua loa, luộm thuộm trong công tác tổ chức, điều hành giải đấu thì có lẽ cũng đồng thời hé lộ cái cảm giác bất lực của người đồng hương, người bạn gần gũi với mình. Mà đúng là nhiều thời điểm ông Koji bất lực thật, ví dụ đơn giản như việc ông muốn các sân bóng V.League phải được xây dựng, chăm sóc một cách chu đáo thì ở nhiều sân ông đi "vi hành" từng có chuyện cầu thủ cắm chân xuống mặt sân mấp mô rồi nhanh chóng lên xe cứu thương vào bệnh viện. Hay việc ông muốn các trận đấu diễn ra một cách trung thực thì chính ông lại ngã ngửa người với thông tin các cầu thủ Đồng Nai "làm độ", và sau đó bị cơ quan chức năng sờ gáy.

HLV Miura gây bất ngờ với những phát biểu của mình. Ảnh: H.M.

Mới đây có thông tin rằng ông Koji sẽ được mời làm Giám đốc kĩ thuật cho VFF, và cái ghế Trưởng BTC V.League sẽ lại được trả về cho một người Việt Nam. Nhưng với cái binh tình mình đã nhìn, đã sống, có lẽ ông Koji cũng phải đặt ra câu hỏi: nếu nhận lời ngồi ghế mới thì sự bất lực của mình liệu có giảm tải nhiều không?

Khi ông Miura chê cầu thủ Việt Nam thể lực kém thì ông cũng đã tham khảo những thông số kĩ thuật từ chính người đồng hương Koji. Ít ai nghĩ là chỉ vừa nhiếp chính ở V.League, ông Koji đã thuê một nhóm sinh viên Đại học TDTT đi thống kê, nghiên cứu các trận đấu và sớm đưa ra một loạt kết luận giật mình, trong đó giật mình nhất là việc các cầu thủ V.League chỉ chạy trung bình 5,6km/trận, trong khi con số trung bình của các cầu thủ châu Á là 10km. Từ chính những thông số rất chính xác này mà ông Miura đã thực hiện cả một cuộc cách mạng thể lực ở ĐT Olympic QG và ĐTQG, và những gì diễn ra cho thấy cuộc cách mạng của ông ít nhiều cho ra những tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó, ông Miura cũng đã thực hiện cả một cuộc cách mạng về phương pháp chơi bóng khi "ép" các cầu thủ phải đá nhanh, đá ít chạm, di chuyển không ngừng nghỉ. Nhưng với một nền bóng đá sở hữu một giải vô địch quốc gia mà theo nhận định của ông là "thật kinh khủng" thì cuộc cách mạng mang nặng tính chất "ngắt ngọn" kia liệu có thực hiện lâu dài, và tiếp tục cho ra những kết quả tích cực hay không? Từ cách ông Miura nói về V.League, về cầu thủ Việt Nam và bóng đá Việt Nam, người ta có thể cảm nhận rất rõ sự cô đơn của ông và những "chuyên gia Nhật" đang hành nghề ở Việt Nam như Trưởng BTC V.League Koji bạn ông.

Có thể chính sách Nhật hoá nền bóng đá mà tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng theo đuổi là một chính sách đúng đắn, nhưng có lẽ nếu chỉ lắp một vài yếu nhân Nhật Bản vào guồng máy này thì hiệu quả của chính sách ấy sẽ không như ý.

Muốn Nhật hóa nền bóng đá để hy vọng có một ngày "cất cánh", có lẽ chúng ta phải thực hiện một chính sách đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là cải tạo lại cái "đường ray" mà con tàu bóng đá chạy qua.

Mục tiêu World Cup để làm gì?

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi ngày hôm qua, một chuyên gia bóng đá Việt Nam đồng tình với phần lớn những nhận định của ông Miura (nếu quả thực đấy là những thông tin chính xác), nhưng lại không đồng tình với việc ông Miura chê bóng đá Việt Nam không có khát vọng World Cup.

Chuyên gia này đặt câu hỏi: "Đến bán kết AFF Cup 2014, sau vô số lợi thế có được ở trận lượt đi mà ở trận lượt về còn không qua nổi thì đặt mục tiêu World Cup để làm gì?". Cũng theo chuyên gia này, những quan điểm có phần thẳng thắn quá mức của ông Miura với truyền thông Nhật Bản không loại trừ khả năng sẽ khiến các cầu thủ Việt Nam có những suy nghĩ không đúng về ông, và sau đó, khi quay trở lại Việt Nam hành nghề, có thể ông sẽ gặp khó khăn ngoài tưởng tượng.

Về phần mình, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tỏ ra lắng nghe, cầu thị quan điểm của ông Miura, và trả lời phỏng vấn một tờ báo, ông Dũng cho biết trong cuộc họp cổ đông VPF vào ngày 27/12 tới đây, không loại từ khả năng những lãnh đạo VPF sẽ phải xem xét, mổ xẻ nghiêm túc những ý kiến này. (Ngọc Anh)

Giật mình nghĩ về tuyển nữ

Theo kế hoạch, năm 2015 ĐT bóng đá nữ Việt Nam sẽ đón một HLV trưởng người Nhật Bản. Chúng tôi không tránh khỏi cảm giác giật mình khi nghĩ đến cảnh ông HLV này đến Việt Nam, và sẽ sốc như thế nào khi chứng kiến giải VĐQG nữ Việt Nam? Một giải đấu như V.League còn khiến một người Nhật như ông Miura thấy là "kinh khủng" thì một giải vô địch quốc gia nữ luộm thuộm, thiếu vắng khán giả, truyền thông trầm trọng rồi sẽ khiến ông HLV trưởng ĐT nữ bất ngờ tới đâu?

Rõ ràng, nếu không thay đổi nền tảng, gốc rễ nền bóng đá mà chỉ mong vào sự xuất hiện của những chuyên gia Nhật - những người sẽ đến và sẽ sốc, bóng đá Việt Nam khó "cách mạng" chính mình. (Lệ Đài)

Diệp Xưa
.
.
.