Nghe khán giả và phản ứng nhanh

Thứ Sáu, 28/06/2013, 09:18
Hôm qua, lãnh đạo CLB Thanh Hoá đã bất ngờ quyết định loại cầu thủ Ngô Anh Tuấn vì những pha bóng “kỳ lạ có hệ thống” của cầu thủ này khiến khán giả xứ Thanh ầm ầm phản ứng. Nói nguyên văn như ông Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ thì: “Chúng tôi loại anh ấy vì khán giả kêu mạnh quá”.

Câu hỏi đặt ra: Ở cái chiến trường hư hư - thực thực V.League bây giờ, có bao nhiêu người chịu nghe khán giả và chịu đưa ra quyết định từ những nghe ngóng ấy?

Trả lời báo chí, bầu Đệ khẳng định Thanh Hoá không kỷ luật Ngô Anh Tuấn mà chỉ là tạm thời loại khỏi đội hình từ giờ đến cuối giải, nhưng rõ ràng với một cầu thủ thì việc bị “tạm thời loại khỏi đội hình” cũng là một cú đánh rất đau, và khiến bản thân mất mát rất nhiều. Thực ra, chẳng phải đợi tới khi “tạm thời bị loại”, mà ngay từ khi đánh đầu phản lưới nhà trong trận quyết đấu với HN.T&T, rồi khi kéo áo đối phương, phạm lỗi ngớ ngẩn với đối phương trong các trận đấu với Hải Phòng, Đồng Nai, khiến đội nhà thua đau, thua mất mặt, thì niềm tin mà khán giả xứ Thanh đặt vào Ngô Anh Tuấn đã mất rất nhiều rồi.

Bầu Đệ (Thanh Hoá) đã có những phản ứng rất nhanh chóng sau khi nghe khán giả. Ảnh: H.M.

Sau hàng loạt tình huống như thế, nhiều khán giả đã đặt thẳng câu hỏi với thuyền trưởng Mai Đức Chung: Ngô Anh Tuấn sai chuyên môn hay sai tư tưởng? Và hôm qua, ngay cả khi Ngô Anh Tuấn đã tạm thời bị loại khỏi đội hình thì trên một số diễn đàn, các fan hâm mộ Thanh Hoá vẫn ấm ức đặt vấn đề: Bây giờ mới loại liệu có muộn không?

Hiển nhiên, rất khó chứng minh một cách chắc chắn xem những lỗi lầm hệ thống của Ngô Anh Tuấn đến từ đâu, nhưng rõ ràng là một cầu thủ đã từng hợp với Lê Bật Hiếu trở thành một cặp “trung vệ thép” lại bỗng nhiên lỗi nặng, thì việc cầu thủ ấy bị khán giả nghi ngờ là điều khó tránh. Và việc lãnh đạo một đội bóng vừa nghe khán giả, vừa mổ xẻ lại phong cách thi đấu của cầu thủ để sử dụng cầu thủ một cách cẩn trọng hơn cũng là điều có thể hiểu được.

Nhưng ở sân chơi V.League, không phải ai, đối tượng nào cũng chịu bắt mạch khán giả để cương quyết xử lý những “dấu hiệu lạ” như thế. Đơn cử như trận SHB.Đà Nẵng thua thảm Ninh Bình trên sân Ninh Bình ở lượt đi V.League, trận đấu mà từ những khán giả bình thường có mặt trên sân, đến những khán giả đặc biệt như BLV Vũ Quang Huy – thành viên ban Tư vấn Đạo đức VPF đều ầm ầm phản ứng, thế mà sau đó những nhà làm giải thản nhiên tuyên bố: “Trận đấu không có gì!”.

Hồi ấy, ông Huy ức những nhà làm giải đến nỗi đã không ngại ngần phát biểu trên mặt báo: Các thành viên Ban Tư vấn Đạo đức mất công theo dõi, mổ xẻ các trận đấu, rồi lập tức đánh giá trận đấu theo quan điểm của mình, thế nhưng hôm trước chúng tôi nói A thì ngay hôm sau BTC giải nói B, vậy thì chúng tôi còn tồn tại làm gì nữa? Mới đây nhất lại diễn ra trận đấu Xi Măng. Xuân Thành.

Sài Gòn thua thảm Bình Dương 0-3, trận đấu mà có tới 2/3 bàn thua đều diễn ra một cách “không tưởng” thì vẫn những nhà làm giải nói những câu quen thuộc “trận đấu không có gì”. Người ta thậm chí còn bảo Bình Dương không dại dột “chích” cầu thủ đối phương, mà quên mất rằng ở thời buổi hiện nay, có cả muôn hình vạn trạng các “phương pháp tiêu cực”, chứ đâu chỉ có mỗi việc lãnh đạo đội này “chích” cầu thủ đội kia như thời bao cấp? Nghe những tuyên bố cũ kĩ, và nhìn cái cách phản ứng cũ kĩ của những nhà làm giải mới thấy cái “tư duy bóng đá bao cấp” của những nhân vật bóng đá vốn sinh ra – lớn lên – rồi trưởng thành trong “thời bao cấp” dường như vẫn đang ngự trị một đời sống bóng đá của những năm 2000.

Hôm qua, nhìn cái cách bầu Đệ nghe ngóng khán giả rồi “phản ứng nhanh” với một cầu thủ bị khán giả phản ứng, tố cáo không ngừng nghỉ mà có người ước ao: Ước gì những nhà làm giải cũng biết nghe khán giả rồi biết… phản ứng nhanh như thế!

Ngọc Diệp
.
.
.