Thể dục dụng cụ Việt Nam với SEA Games 28:

Nặng gánh huy chương

Thứ Bảy, 23/05/2015, 17:46
Tại SEA Games 28, đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) cùng điền kinh phải gánh tới 1/3 chỉ tiêu HCV của Đoàn thể thao Việt Nam. Dù vậy, hiện tại đội tuyển TDDC Việt Nam đang có những nhân tố đủ sức cáng đáng được chỉ tiêu 8 -10 HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam.

Tiếng là môn thuộc chương trình thi đấu Olympic nhưng chưa bao giờ TDDC có vị trí ổn định trong chương trình thi đấu của SEA Games. Gần nhất là SEA Games 27 năm 2013 ở Myanmar. Năm đó, nước chủ nhà không đưa môn TDDC vào chương trình thi đấu với lý do không đủ điều kiện tổ chức. Chỉ riêng việc này đã khiến Đoàn thể thao Việt Nam hụt ít nhất 8 HCV nên thực sự vất vả để giữ vị trí thứ 3 toàn đoàn trong khi Myanmar vươn lên thứ nhì toàn đoàn.

Kỳ SEA Games gần nhất tổ chức TDDC là vào năm 2011 ở Indonesia. Khi đó, đội tuyển TDDC Việt Nam có đầy đủ những gương mặt sáng giá như Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Ngân Thương, Trương Minh Sang, Phạm Phước Hưng, Nguyễn Hà Thanh… nên đã giành tới 11/14 HCV, tiếp tục chứng tỏ ưu thế tuyệt đối ở môn thể thao khắc nghiệt này ở Đông Nam Á.

Đến giờ, Trương Minh Sang đã trở thành HLV đội tuyển quốc gia, Đỗ Thị Ngân Thương, Nguyễn Hà Thanh đã chuyển sang công tác huấn luyện. Tuy nhiên, không vì vậy mà sức mạnh của TDDC Việt Nam giảm sút bởi môn này đã nhận được sự đầu tư đáng kể từ Tổng cục TDTT để các tuyển thủ hàng đầu giữ được phong độ. Những tấm huy chương ở ASIAD 2014 rồi những tấm HCV ở Cúp thế giới cho thấy TDDC Việt Nam vẫn là điểm sáng nhất ở Đông Nam Á dù phong trào chưa sâu rộng.

Phạm Thị Hà Thanh (giữa) được kỳ vọng nhất tại SEA Games 28.

Trong 4 năm kể từ SEA Games 2011, cái tên Phan Thị Hà Thanh vẫn được nhắc đến nhiều nhất với lần đoạt huy chương đầu tiên (HCĐ) rồi HCB đầu tiên cho TDDC Việt Nam tại ASIAD (năm 2014) rồi hàng loạt tấm HCV ở Cúp thế giới. Chỉ từ đầu năm 2015 đến nay, Phan Thị Hà Thanh đã 2 lần giành chức vô địch Cúp thế giới đều ở nội dung cầu thăng bằng. Đầu tiên là lần lên ngôi tại Qatar và gần đây nhất là chức vô địch ở Bulgaria.

Đáng chú ý, trước đây, người ta chỉ biết đến Phan Thị Hà Thanh với những tấm HCV nội dung nhảy chống nhưng kể từ nửa cuối năm 2014, cô gái Hải Phòng này lại thể hiện phong độ đáng kinh ngạc ở nội dung cầu thăng bằng. Việc tiếp tục xác lập thêm một thế mạnh nữa càng khiến Phan Thị Hà Thanh có nhiều cơ hội sở hữu các danh hiệu vô địch hơn cũng như tăng cơ hội giành vé tham dự Olympic 2016 hơn.

Đúng là Cúp thế giới chưa bao giờ hội tụ được những VĐV mạnh nhất của từng phân môn nhưng với trình độ hiện tại, Phan Thị Hà Thanh được đưa vào nhóm 8 VĐV hàng đầu thế giới nội dung nhảy chống cũng như cầu thăng bằng. Vì vậy, nếu không có bất ngờ đáng kể, cô gái Hải Phòng này sẽ giành 2 tấm HCV cá nhân nhảy chống cũng như cầu thăng bằng tại SEA Games tới.

Tất nhiên, với trình độ đã đến đẳng cấp thế giới, Phan Thị Hà Thanh được kỳ vọng không chỉ giành 2 tấm HCV ở SEA Games tới. Nhưng lãnh đội cũng như lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam không muốn gây sức ép cho cô và thừa hiểu rằng Phan Thị Hà Thanh đủ khát khao, tự tin để giành nhiều hơn 2 tấm HCV.

Với Phan Thị Hà Thanh, SEA Games 28 cũng chỉ là một mục tiêu trong năm nay. Ngoài ra, cô còn đặt ra mục tiêu giành vé trực tiếp tham dự Olympic 2016. Đấy là mục tiêu khó hơn rất nhiều so với lên ngôi vô địch ở SEA Games. Ngoài Phan Thị Hà Thanh, đội nữ chưa có gương mặt nào sáng giá để có thể san sẻ gánh nặng HCV với cô.

Sau sự chia tay của Đỗ Thị Ngân Thương, TDDC Việt Nam vẫn đang miệt mài đào tạo người thế chỗ xứng đáng. Cũng vì vậy mà người ta không dám chắc vào tấm HCV đồng đội nữ của đội tuyển Việt Nam mà chỉ hy vọng các VĐV sẽ giành HCV ở các phân môn hay nội dung toàn năng nữ.

Ngoài Phan Thị Hà Thanh, những gương mặt khác được “quy hoạch” đoạt HCV cho đội tuyển TDDC Việt Nam còn có Phạm Phước Hưng, Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Đặng Nam, Hoàng Cường. Chỉ riêng việc sở hữu nhiều gương mặt hàng đầu Đông Nam Á này cũng đủ để đội tuyển nam đặt ra mục tiêu giành HCV đồng đội. Còn ở các phân môn, cả 5 VĐV nam trên đều có khả năng đoạt HCV nhất là khi những Đặng Nam, Đinh Phương Thành đã khẳng định được mình ở tầm châu lục sau 2 tấm HCĐ ASIAD 2014.

Gần nhất, tại Cúp thế giới ở Bulgaria, Lê Thanh Tùng đoạt HCĐ, Đặng Nam xếp thứ tư  nội dung nhảy chống. Tất cả cho thấy sự phong phú về lực lượng nam của TDDC Việt Nam. Không kể, hiện tại, TDDC nam Việt Nam còn một số VĐV thuộc diện “của để dành” có tài năng không kém Phạm Phước Hưng. Khi những đàn anh đủ sức cáng đáng nhiệm vụ đoạt HCV tại SEA Games này thì lứa VĐV tài năng trên chưa cần xuất trận.

Cũng hiếm khi TDDC Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như trước SEA Games lần này. Cuối tháng 3, đội tập huấn tại Canada trong 1 tháng cũng là để những Hà Thanh, Phước Hưng… chuẩn bị tốt hơn cho cuộc đấu giành vé dự Olympic 2016 . Sau đó là lần dự Cúp thế giới ở Bulgaria vừa qua. Trước một kỳ giải lớn, được đặt nhiều kỳ vọng và nặng gánh huy chương, sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy xem ra không thừa với các tuyển thủ TDDC Việt Nam.

Phạm Phước Hưng sắm vai anh cả

Ở đội tuyển TDDC nam, Phạm Phước Hưng (sinh năm 1989) là VĐV nhiều tuổi nhất. Cũng vì vậy mà VĐV Hà Nội này luôn sắm vai anh cả của đội. Trước đó, ở SEA Games năm 2011, Phạm Phước Hưng vẫn là “phận dưới khi có những đàn anh như Trương Minh Sang, hiện là HLV đội tuyển nam.

Minh Thùy

Vắng cặp VĐV nổi tiếng cùng tên Hà Thanh

Tại SEA Games 28, sự vắng mặt Nguyễn Hà Thanh ở đội nam gây nhiều tiếc nuối nhất. Nguyễn Hà Thanh từng đoạt  HCV cúp thế giới,  là gương mặt sáng giá nhất đội nam như trường hợp của Phan Thị Hà Thanh bên đội nữ. Tuy nhiên chấn thương dai dẳng đã khiến anh phải bất đắc dĩ giã từ nghiệp VĐV vào năm 2014 chứ không như những Trương Minh Sang, Đỗ Thị Ngân Thương - chuyển sang công tác huấn luyện vì lớn tuổi. Hiện Nguyễn Hà Thanh đang là HLV ở CLB TDDC Hà Nội.

Minh Trang 

Minh Khuê
.
.
.