Marathon Boston, hơn trăm năm vẫn chạy tốt

Thứ Tư, 22/04/2015, 13:53
Cuộc thi Marathon Boston là sự kiện chạy marathon hàng năm lâu đời nhất là một trong sáu cuộc thi Marathon lớn trên thế giới.

Phải nói là may mắn khi tôi hạ cánh xuống Boston đêm chủ nhật thì mới có thể về nhà họa sĩ Thomas một cách dễ dàng. Nếu đến vào sáng thứ hai thì rắc rối to vì con đường chính đã bị cấm hoàn toàn suốt buổi sáng; bởi sáng thứ hai, tuần thứ ba của tháng tư là ngày của cuộc chạy Marathon thường niên nổi tiếng đã tổ chức được hơn 100 năm. Cuộc thi Marathon Boston là sự kiện chạy marathon hàng năm lâu đời nhất là một trong sáu cuộc thi Marathon lớn trên thế giới. 

Cuộc việt dã tại Boston này hiện còn ám ảnh nước Mỹ vì vụ đánh bom trên chặng cuối Marathon 2013 khiến 3 người chết và hơn 260 người bị thương. Vì vậy, chính quyền không cho phép khán giả đeo ba lô ra đường. Họ cho rằng, ba lô là túi phù hợp với việc chứa bom. Để sốc lại tinh thần, người Boston lan tỏa khẩu hiệu "Boston strong!" in trên các áo phông.

Bất kỳ đâu, tivi trong các gia đình, các quán cà phê... chỉ bật đúng một kênh tường thuật cuộc việt dã này. Thomas đưa chúng tôi đến ven đường để cổ vũ. Chúng tôi đành để ba lô với nhiều ống kính máy ảnh ở nhà. Cuộc đua bao giờ cũng bắt đầu là người khuyết tật, rồi đến phụ nữ, sau cùng là tập thể nam nữ. Con số ước tính vận động viên tham gia là 30.000 người từ khắp nơi trên thế giới. Truyền hình thu hút hàng trăm triệu khán giả Mỹ. Cảnh sát, an ninh, binh sĩ quân đội giăng mắc khắp ngả. Trên trời có 3 chiếc trực thăng bay vè vè, có chiếc thì bay treo tại chỗ. Chiếc còn lại bay thấp quần thảo nhức đầu.

Con đường vòng vèo của đồi New England đông dần các cổ động viên, họ là dân quanh đó. Người lớn, trẻ con, người già và người khuyết tật cũng kéo ra vỉa hè. Nhiệt độ cuối xuân khoảng 7 độ C, mưa xuống lạnh căm căm nhưng người lớn trẻ con bồng bế căng ô hóng. Có chị cho con bú cũng kê ghế gần đường để xem cuộc đua. Họ còn dắt cả chó ra xem. Thấy vận động viên tới là khán giả hò reo, trẻ con từ 5 tới 10 tuổi thì nhảy tưng tưng, còn chó thì sủa nhặng lên.

Có hai cụ già xếp ghế rồi đắp chăn chờ đợi. Mở đầu lác đác trên đường đua là những tốp khuyết tật xe lăn hăm hở qua. Thomas thông báo: Có trực thăng tới là tốp phụ nữ sẽ xuất hiện. Đúng thật. Nhóm phụ nữ đủ màu da, bụng 6 múi chạy qua. Trẻ con ùa ra đường để đập tay vận động viên. Một bé gái 7 tuổi giờ khẩu hiệu "Nửa đường rồi". Có vận động viên cụt một chân, chân kia lắp chân giả bằng kim loại cũng chạy khá nhanh. thỉnh thoảng lại có vận động viên đẩy xe lăn. Người trong xe lăn có vẻ như bị liệt. Mỗi lần như thế, khán giả lại hò reo khua chuông inh ỏi. Vài năm gần đây, có một cụ già 75 tuổi vẫn đẩy xe lăn cho đứa con liệt của mình tham gia cuộc việt dã.

Sự háo hức đến kỳ lạ của người Mỹ với giải chạy Marathon.

Tôi bảo: “Tôi có thể tham gia được không?”. Thomas khoát tay: “Không thể, khó đấy. Muốn chạy, phải cho ban tổ chức thấy thành tích của mình trong các cuộc Marathon khác. Được phép chạy thì mỗi vận động viên phải đóng mỗi dặm là 1 USD. 42km bằng hơn 26 dặm nên phải đóng 26 USD. Chưa hết, phải đóng lệ phí 200 USD mới được chạy. Số tiền đó sẽ dùng vào mục đích từ thiện. Nếu chạy miễn phí thì số người tham gia sẽ quá lớn, không thể kiểm soát nổi. Đoạt giải được 100.000 USD mà. Thực ra được tham gia chạy là niềm tự hào lớn. Con gái tôi đáng ra sẽ chạy nhưng bất ngờ bị đau chân nên phải thôi. Nó xin được chạy việt dã không mất tiền vì chồng làm bên truyền thông thể thao sắp xếp cho. Nó thèm chạy phát khóc”.

Suốt cả buổi sáng, TV đưa các hình ảnh hàng nghìn vận động viên chạy về đích. Người trước, người sau, người cuối đều dang tay như biểu tượng chiến thắng. Điều quan trọng là chiến thắng chính mình.

Lần đầu tiên chứng kiến sự thèm chạy của người Mỹ là ở các thành phố đầy nắng của bang California. Họ chạy suốt ngày. Sáng, chiều và tối. Bây giờ bay cắt ngang từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ đến Boston mưa rét căm căm, lại chứng kiến ba mươi ngàn người đội mưa mà chạy thấy cũng giật mình. Kỳ lạ tinh thần thể thao của người Mỹ, hơn 100 năm vẫn chạy tốt.

Lê Tâm (Ghi chép tại Boston - Massachusetts - Hoa Kỳ)
.
.
.