Man United: Câu chuyện nhìn từ hai phía

Thứ Năm, 20/12/2018, 21:20
Chưa một HLV nào có sức hút truyền thông kinh khủng như Mourinho. Việc ông bị sa thải vẫn còn ồn ào đến tận hôm nay, với nhiều tình tiết được truyền thông Anh quốc tung ra để mổ xẻ…

Nhiều người nói lý do cơ bản nhất trong việc Mourinho thất bại ở Man United chính là chuyện ông đụng độ với Paul Pogba, cầu thủ đắt giá nhất CLB, nhà ĐKVĐ thế giới duy nhất trong đội hình Man United. Điều đó đúng, nhưng không phải tất cả. Paul Pogba chỉ là một trong số vài nguyên nhân cơ bản mà thôi và chỉ vì sức hút của Pogba mà nó được xem như là nguyên nhân chính.

Paul Pogba, cầu thủ đắt giá nhất CLB.

Phải thừa nhận, việc Pogba mới vừa giành chức vô địch World Cup xong đã nhận được ngay một nhận xét từ Mourinho đại ý rằng “tại sao anh ta không thể chơi cho CLB như chơi cho ĐTQG?” không khác gì một gáo nước lạnh tạt thẳng vào tiền vệ màu mè và sĩ diện cao này. Nó là khởi nguồn của mối bất hòa giữa hai người, đặc biệt là khi Mourinho đã gặp Pogba và yêu cầu hãy học tập và noi theo Lampard. Mourinho muốn Pogba phải chơi như Lampard, cống hiến như Lampard. Và tất nhiên, Pogba không phải tay vừa. Anh ta cho rằng mình không việc gì phải học theo một cầu thủ chưa bao giờ biết mùi trận chung kết World Cup và EURO là gì. 

HLV Mourinho.

Rõ ràng, Pogba kiêu ngạo và ngang bướng nhưng Mourinho lại thiếu tinh tường. Cần một tấm gương, Pogba sẽ không bao giờ dám cãi lại Mourinho nếu ông lấy cái tên Pirlo hay Xavi để chứng minh cho Pogba biết anh ta còn đang ở đâu, cần cải thiện thế nào. Dù sao, Pogba từng học từ Pirlo rất nhiều còn Xavi thì đủ đầy danh hiệu hơn Pogba ở mọi đấu trường. Thực sự, Mourinho đã sai lầm khi coi Pogba như một đứa trẻ cho dù tính cách của Pogba cũng trẻ con thật. Nhưng trước một đứa trẻ, với ý thức luôn chống lại mọi áp đặt, nhà giáo dục cần lựa, cần kích thích hơn là răn đe và luôn mặc định nó vẫn còn “non và xanh”.

Chính vì thế, khi Mourinho nhận quyết định sa thải, trong phòng thay đồ ở trại tập huấn Carrington, Pogba đã cùng đồng đội của mình… ăn mừng. Thậm chí, Pogba còn reo hò rằng “Lão ta đã đụng sai người rồi”. Cầu thủ duy nhất không tham trò ăn mừng lố bịch này là Lukaku, tiền đạo mà Mourinho đã mua về với giá 75 triệu bảng Anh. Và màn ăn mừng đó đã bị Michael Carrick, cựu danh thủ Man United và cũng là thành viên ban huấn luyện hiện nay, cảnh cáo với thông điệp cực ngắn gọn mà sắc lạnh “Hãy nhớ, không cầu thủ nào lớn hơn CLB hết. Xem lại thái độ các cậu, nếu không cậu sẽ bị bán lập tức”.

Pogba phải nghe Carrick, vì ở cương vị cầu thủ của Man United, Carrick là một tượng đài còn Pogba thì chỉ là một tiềm năng có thể thành biểu tượng mà thôi. Thái độ của Pogba là quá quắt nhưng chúng ta cũng phải nhận thấy rằng việc có cả các cầu thủ khác cùng tham gia với anh đồng nghĩa với chuyện không chỉ mình Pogba mà có khá nhiều người khác bực mình với Mourinho.

Lingard, một trong hai cầu thủ cảm ơn Mourinho 

Chỉ có đúng 2 cầu thủ không thuộc nhóm yêu thích Mourinho (gồm 4 người: Young, Matic, Fellaini và Lukaku) là gửi lời cảm ơn đến Mourinho mà thôi. Họ là Lingard và Bailly. Cuộc chia tay lần này của Mourinho buồn hơn rất nhiều so với những lần chia tay trước đó ở Chelsea, Inter và Real. Không có nước mắt của cầu thủ mà thay vào đó là sự lạnh nhạt của đa số những người còn mới dưới tay huấn luyện của ông cách đó vài ngày.

Thái độ ấy của cầu thủ có thể đáng bị chê trách nhưng nếu nhìn từ phía Mourinho, chúng ta sẽ thấy rõ hơn ông không tạo ra cho cầu thủ cảm giác ông là một người của Man United thực thụ. Mourinho vẫn hành động theo cách của ông từ trước tới nay, tức là sẵn sàng làm điều mình thích, bất kể nó có ảnh hưởng tới ai hay không. Đơn cử như ở buổi lễ tưởng niệm 60 năm vụ rơi máy bay ở Munich của Man United, lẽ ra cần phải ăn mặc trang trọng, Mourinho đã chọn đi một đôi giày huấn luyện, khoác tạm cái áo vest bên ngoài chiếc áo hoodie (loại áo nỉ thể thao có mũ trùm đầu). Cách ăn mặc thiếu chuẩn mực ấy của ông đã khiến các bậc trưởng bối của Man United chết lặng. Họ cảm thấy Mourinho không cần quan tâm đến lịch sử và văn hoá của CLB. Và chính điều đó là thứ khiến hình thành một đội ngũ chống lại ông ngay trong nội bộ Man United.

Đó là còn chưa kể đến lối chơi mà Mourinho xây dựng cho Man United. Ở Man United, chất chiến đấu đã thành thương hiệu nhưng Mourinho đã mang lại một đội bóng chỉ có chống đỡ từ đầu mùa tới nay. Sự thất vọng dành cho ông còn lên đến đỉnh điểm hơn khi ông không được thỏa mãn về việc tăng cường lực lượng ở mùa Hè, ông sẵn sàng công kích CEO Ed Woodward trước báo giới khi nói “Vâng, CEO của tôi biết tôi muốn có cầu thủ nào mà”. Phản pháo lại Mourinho, Ed Woodward khẳng định, trong số các trung vệ mà Mourinho muốn mua, phương án nào cũng chỉ là để “sửa lỗi ngắn hạn” với mức giá thì quá cao so với ngân sách mà CLB có thể chấp nhận. 

HLV tạm quyền Solskjaer 

Rõ ràng, nếu nhìn từ hai phía, cả Mourinho lẫn cầu thủ và Ban lãnh đạo Man United đều có lỗi. Mà trong đó, cái lỗi lớn nhất có lẽ chính là việc họ đã cố khiên cưỡng mà đến với nhau bởi ngay từ ngày đầu, khi Man United rò rỉ thông tin có thể tuyển dụng Mourinho, đã có không ít ý kiến cho rằng đó sẽ là một sai lầm thực sự.

Và hôm nay, sai lầm đã bộc lộ, đã được chặn lại nhưng giải quyết nó thế nào thì vẫn còn là câu hỏi lớn bởi người có thể tiếp nối giá trị mà Ferguson để lại vẫn chưa hề xuất hiện.

Hà Quang Minh
.
.
.