Lo lắng hàng tiền vệ trước “chiến dịch vàng” Sea Games 26

Thứ Sáu, 02/09/2011, 09:19
Sự thiếu hụt những cầu thủ có thể hình tốt, thể lực tốt và khả năng tranh chấp tốt tựa như tiền vệ Hữu Thắng ở SEA Games 22 sẽ khiến U.23 Việt Nam thất thế trong những pha tranh chấp tay đôi với các đối thủ vừa "dày cơm", vừa mạnh mẽ hơn mình như Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Và sự thiếu hụt ấy cũng sẽ khiến kết cấu hàng tiền vệ bị mất cân đối ngay từ phương diện lý thuyết.

Sau khi danh sách ĐT U.23 QG chuẩn bị cho SEA Games 26 chính thức được công bố cách đây 2 hôm, những nhà tuyển trạch không ngừng khẳng định đây là một đội hình có chất lượng. Phần lớn dư luận cũng cho rằng, với sự trở lại của hàng loạt hảo thủ như Thành Lương, Trọng Hoàng, Long Giang… ĐT U.23 Việt Nam hiện nay là một trong những đội bóng mạnh nhất cùng trang lứa trong khu vực. Song, chúng tôi lại thấy đang có những cái huyệt rất lớn trong lòng ĐT, và nếu cái huyệt ấy không được lấp kín thì ĐT sẽ phải trả giá rất đắt.

Thừa tiền vệ công, thiếu tiền vệ thủ

Nhìn vào 3 tuyến của ĐT U.23 QG đợt này, gần như 100% người được hỏi đều khẳng định hàng tiền vệ tạo cảm giác yên tâm nhiều nhất. Lý do là ở đó có những cái tên đã thành danh như Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết, và những cái tên đã có kinh nghiệm chinh chiến nhất định như Văn Bình, Thanh Trung, Thái Dương. Quả đúng là nếu chỉ nhìn vào những cái tên thì hàng tiền vệ ĐT U.23 Việt Nam hiện tại đang bóng bẩy chưa từng có. Nhưng nếu bỏ qua sự bóng bẩy đó để phân tích rạch ròi vai trò của từng con người, từng vị trí hẳn sẽ thấy một sự mất cân đối kinh hoàng ở khu vực được cho là an tâm nhất này.

Không khó nhận ra tất cả các tiền vệ vừa kể đều là những cầu thủ nhỏ thó, nhanh nhẹn, giàu kĩ thuật. Những cầu thủ rất cần thiết cho thế trận tấn công - vốn là lối chơi yêu thích của HLV trưởng Falko Goetz. Chỉ có duy nhất cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh của Sông Lam Nghệ An là một tiền vệ  phòng ngự đúng nghĩa.

Nhưng ai cũng biết, Ngô Hoàng Thịnh là một gương mặt non nớt, thường chỉ xuất hiện trong đội hình SLNA trong nửa cuối hiệp hai các trận đấu. Với thực trạng này thì rõ ràng ĐT U.23 Việt Nam đang là một đội bóng bội thực tiền vệ tấn công, nhưng lại thiếu đến mức trầm trọng những tiền vệ phòng ngự cơ bắp, có khả năng tranh chấp, thu hồi bóng. Những cầu thủ có thể hình tốt, thể lực tốt và khả năng tranh chấp tốt tựa như tiền vệ Hữu Thắng ở SEA Games 22.

Hàng tiền vệ ĐT U.23 Việt Nam đang thiếu trầm trọng một tiền vệ phòng ngự "dày mình", chịu va chạm như Hữu Thắng. Ảnh: Quang Minh

Sự thiếu hụt trên đây chắc chắn sẽ khiến U.23 Việt Nam thất thế trong những pha tranh chấp tay đôi với các đối thủ vừa "dày cơm", vừa mạnh mẽ hơn mình như Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Và sự thiếu hụt ấy cũng sẽ khiến kết cấu hàng tiền vệ bị mất cân đối ngay từ phương diện lý thuyết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, HLV trưởng Falko Goetz chỉ trở lại Việt Nam vào ngày 20/8, nghĩa là 1 ngày trước vòng đấu cuối cùng V.League, do đó việc tuyển quân cho ĐT lần này gần như được ông giao phó hoàn toàn cho các trợ lý nội. Vậy thì phải chăng các trợ lý của ông Goetz đã quá "say đòn" và quá thiếu tỉnh táo đến mức đã gọi vào ĐT vô số tiền vệ công, nhưng lại chỉ gọi duy nhất một tiền vệ thủ? Và phải chăng, hơn lúc nào hết, cần phải cấp cứu hàng tiền vệ bằng cách gọi bổ sung ngay lập tức những tiền vệ phòng ngự vào ĐT?

Lo lắng vị trí thủ môn

Bên cạnh sự mất cân đối đến khó tin ở khu vực tiền vệ, một nỗi lo khác của ĐT U.23 lần này là vị trí thủ môn. Có tổng cộng 4 thủ môn được gọi, trong đó có những cái tên còn lạ hoắc như Bá Chiến của Nam Định. Tuy nhiên dễ thấy là ngay cả Tuấn Mạnh - thủ môn được đánh giá tốt nhất trong danh sách 4 thủ môn này cũng khó có thể làm người hâm mộ yên tâm. Tuấn Mạnh nổi lên trong màu áo HA.GL, và đã có những trận đấu xuất thần, như trận HA.GL - ĐT.LA ở lượt đi V.League năm nay chẳng hạn.

Nhưng cũng chính ở Tuấn Mạnh, người ta nhìn thấy và nhìn rõ một điểm chết về tâm lý, khi Mạnh thi thoảng lại có những pha lọt bóng một cách khó tin. Bán kết cúp QG năm nay, chính từ một tình huống để lọt bóng của Mạnh ở những phút cuối trận mà HA.GL đã thua đau SLNA, từ đó không đạt được mục tiêu tiến vào chung kết.

SEA Games 25 hai năm trước, ĐT U.23 Việt Nam với lá chắn thép Bùi Tấn Trường đã chơi khá ổn định từ vòng bảng cho đến vòng bán kết. Nhưng vào đến chung kết thì Tấn Trường sau một pha chấn thương cánh tay đã không còn làm chủ được khu cấm địa. Và chính từ một pha phối hợp không hiểu ý nhau giữa Tấn Trường và Mai Xuân Hợp mà U.23 Việt Nam đã phải vào lưới nhặt bóng, và sau đó mất chiếc HCV trong một tình cảnh không thể nghiệt ngã hơn. Đến bây giờ, khi quả bóng SEA Games còn chưa lăn thì ngay lập tức, vị trí thủ môn đã được chỉ điểm là một trong những cái huyệt lớn nhất và dễ bị đánh sập nhất của ĐT.

Nhưng còn có thể bổ sung một thủ môn nào khác vào ĐT? Hoặc còn có thể làm gì để giúp Tuấn Mạnh tiến bộ toàn diện chỉ trong vòng hai tháng? Rõ ràng, hơn lúc nào hết ông Goetz đang phải đối diện với những bài toán khó quanh vị trí "kẻ gác đền".

Một ĐT U.23 rất đỗi… mỏng manh

Một điều rất dễ thấy ở ĐT U.23 QG lần này đó là từ tuyến phòng ngự sang đến tiền vệ lẫn tiền đạo, có bói mỏi con mắt cũng không tìm nổi một cầu thủ "dày cơm", có khả năng tranh chấp tốt. Chính vì ĐT U.23 Việt Nam đợt này bao gồm phần lớn những cầu thủ nhỏ thó, có lối chơi thiên về kĩ thuật nên ngay từ bây giờ, người ta đã có cảm giác về một ĐT U.23 Việt Nam hết sức… mỏng manh. Một ĐT mà khi thăng hoa có thể sẽ chơi tấn công rất bốc và rất sáng tạo, nhưng khi rơi vào tình trạng khó khăn, đòi hỏi sự va chạm, sự tranh chấp quyết liệt trên từng mét đất thì đấy lại là một ĐT có thể bị… phá vỡ bất cứ lúc nào. Nếu VFF cùng những nhà tuyển trạch không nhìn rõ vấn đề này, từ đó bổ sung gấp những gương mặt cần thiết thì chắc chắn mục tiêu vàng SEA Games mà HLV Falko Gotez đang đảm nhận sẽ là một mục tiêu hết sức xa vời.

Tuấn Thành

Các đối thủ đang tiến bộ không ngừng

Với sự xuất hiện của khá đông các cầu thủ nhập ngoại, ĐT U.23 Philipines và ĐT U.23 Indonesia - nước chủ nhà của SEA Games 26 đang được đánh giá là những đội bóng hết sức khó chơi. Cả hai đội bóng này đều đã lên kế hoạch tập huấn nước ngoài chu đáo trước khi tham dự sân chơi khu vực. Ở Thái Lan, ĐT U.23 QG cũng đã sớm được hoạch định, và được giao chuyên biệt cho một HLV người Thái, chứ không phải là "một ĐT 2 trong 1", theo nghĩa một HLV vừa cầm ĐTQG, vừa cầm ĐT U.23 QG như những gì đang diễn ra với BĐVN. Mục tiêu của U.23 Thái Lan tại SEA Games này là phải giật HCV bằng mọi giá. Trong khi đó nhà ĐKVĐ U.23 Malaysia tất nhiên phải đặt mục tiêu bảo vệ danh hiệu vàng, còn ĐT U.23 Lào sau chiến tích xuất thần ở kỳ SEA Games 25 trên sân nhà (lọt vào bán kết) cũng sẽ tiến vào SEA Games với mục tiêu "quyết đấu", chứ không đơn thuần chỉ là học hỏi như vẫn thấy trước đây. Rõ ràng, các ĐT U.23 QG trong khu vực đang có những biến động hết sức tích cực. Và đấy sẽ là lời đe dọa nghiêm trọng cho tham vọng vàng của ĐT U.23 Việt Nam.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.