Khổ vì khát “hàng hiệu”

Chủ Nhật, 10/03/2013, 15:40
Arsenal đồng ý sang Việt Nam du đấu vào tháng 7 tới. Tin vui ấy khi được loan báo đã làm giới hâm mộ túc cầu Việt Nam vỡ òa trong hạnh phúc và sung sướng. Arsenal là một đội bóng lớn, một tên tuổi được nhiều khán giả Việt Nam hâm mộ và hơn thế họ là một món “hàng hiệu” trong bóng đá mà cổ động viên Việt Nam rất ít có cơ hội được nhìn tận mắt.

Cơn khát “hàng hiệu” đã kéo dài quá lâu, vì thế khi “hàng hiệu” xuất hiện, người ta sẵn sàng bỏ ra nhiều tỉ đồng giữa thời buổi kinh tế khó khăn để được nhìn “hàng hiệu” một lần.

Từ chuyện 50 tỉ cho Arsenal

Theo tiết lộ chính thức từ phía những nhà tổ chức của thương vụ đưa Arsenal, một đội bóng được xếp vào hàng ngũ đại gia ở Primier League đến sân Mỹ Đình, chi phí họ phải bỏ ra là 50 tỉ đồng. Tất nhiên, đó mới là tiền phí ra sân, chưa bao gồm nhiều khoản phí khác như tiền “bao” dàn pháo thủ ở khách sạn hạng sang bậc nhất Hà Nội trong 3 ngày, chi phí tổ chức các hoạt động bên lề để những ngôi sao của Arsenal làm từ thiện và tặng chữ ký.

50 tỉ không phải là một số tiền nhỏ thời điểm hiện tại. Nhiều đội bóng chuyên nghiệp của Việt Nam đang phải vật lộn trong cơn khốn khó chỉ ước ao có 50 tỉ để hoạt động trong suốt một mùa bóng. 50 tỉ cho một trận đấu được hàng triệu người hâm mộ Việt Nam chờ đợi, nếu nói là lãng phí có thể sẽ làm những nhà tổ chức ra sự kiện này tự ái.

Các ngôi sao của Arsenal có mặt ở Việt Nam giúp người hâm mộ phần nào thỏa mãn cơn khát “hàng hiệu”.

Họ đã phải nỗ lực rất nhiều bởi theo Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức: “Có tiền và thậm chí rất nhiều tiền cũng chưa chắc mời được Arsenal”. Arsenal đến Việt Nam một phần vì quan hệ “làm ăn” với bầu Đức. Ông bầu của HAGL không chỉ đưa mô hình Học viện bóng đá của Arsenal về phố núi Pleiku mà còn đặt bảng quảng cáo doanh nghiệp của mình trên sân Emirates của các “pháo thủ” trong nhiều năm qua.

Phó chủ tịch VFF đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank, ông Lê Hùng Dũng - một trong những người chung vai cùng bầu Đức để gánh vác thương vụ 50 tỉ đồng này thì khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là đưa được một đội bóng lớn, tầm cỡ thế giới tới Việt Nam để mở đường cho nhiều đội bóng khác tìm đến Việt Nam”. Theo dự tính của các nhà tổ chức thì đây là thương vụ khó sinh lời, thậm chí các nhà tổ chức sẽ phải bù lỗ để phục vụ người hâm mộ Việt Nam vốn rất “thèm thuồng” được một lần nhìn thấy các đội bóng lớn thế giới.

Còn 4 tháng nữa Arsenal mới tới Hà Nội nhưng nghĩ đến chuyện xếp hàng rồng rắn mua vé xem Arsenal lại thấy ngán ngẩm. Cảnh tượng hàng vạn người đứng chờ mua vé xem Olympic Brazil thi đấu ở Mỹ Đình 5 năm trước có lẽ vẫn còn đọng lại nhiều kỉ niệm buồn trong kí ức người hâm mộ. Có người đã phải xếp hàng cả ngày nhưng vẫn không có vé vào sân, vé chợ đen có lúc bị đẩy lên tới 6-7 triệu đồng/cặp cho vị trí đẹp. Thậm chí, có người còn bị thương trong lúc chen lấn xô đẩy để mua vé. Dù các nhà tổ chức đã trấn an rằng, họ sẽ không phát hành vé với mức giá cao để “gỡ” lại chi phí bỏ ra mời Arsenal nhưng có một điều có thể khẳng định chắc chắn, sẽ không thể có vé rẻ cho trận đấu này.

Đến chuyện “sôi sục” vì bản quyền giải Ngoại hạng

Cơn sốt Arsenal sẽ nóng dần lên từ giờ đến tháng 7 nhưng có một “cơn sốt” khác vẫn cứ âm ỉ suốt một thời gian dài mà không thể dứt. Ấy là chuyện bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh. Bản quyền giải Ngoại hạng nóng vì xuất hiện chuyện độc quyền. Từ năm 2010, khi K+ bắt đầu mua độc quyền gói ngày chủ nhật, người hâm mộ Việt Nam đã phải làm quen với việc không được xem miễn phí giải đấu mà họ yêu thích.

K+ muốn sở hữu những món “hàng hiệu”, “hàng độc” mà các đơn vị truyền hình trả tiền khác không thể có. Vì thế họ chấp nhận bỏ ra số tiền rất lớn. Trong quy luật cạnh tranh của thị trường đó là điều bình thường. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, khi K+ có độc quyền thì người hâm mộ chính là những người phải móc hầu bao để chi trả nếu muốn có… quyền được xem bóng đá, được thưởng thức những trận đấu mà chỉ K+ mới có.

Cũng giống như câu chuyện của Arsenal và K+, thực ra người hâm mộ mới nắm trong tay quyền quyết định. Nếu người hâm mộ xứ mình không yêu bóng đá đến cuồng dại, không thèm khát được xem những trận cầu đỉnh cao đến cháy bỏng thì giá trị của những “món hàng hiệu” kia chắc chắn cũng không cao ngất ngưởng như thế. Nhưng nếu nói đi thì cũng cần nói lại, với bóng đá trong nước, người hâm mộ được thụ hưởng những gì - những trận cầu nhạt nhẽo, những hình ảnh bạo lực, thậm chí những trận cầu được sắp xếp, dự đoán trước cả tỉ số.

Tuy nhiên cũng có vài câu chuyện về “hàng hiệu” không liên quan gì đến bóng đá mà những fan bóng đá phải suy ngẫm. Đầu tiên là nhà phân phối các sản phẩm thời trang nổi tiếng Milano bị phát hiện chuyện kinh doanh… hàng giả làm bao người mê đắm “hàng hiệu” bị sốc. Rồi chuyện rồng rắn xếp hàng chờ mua cafe Starbucks khi thương hiệu này mở cửa hàng đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh với giá 100.000đ/cốc cà phê có hương vị nhạt như… nước đường.

Sự hâm mộ và ngưỡng vọng nếu không đặt trong trạng thái sáng suốt về cả lý trí lẫn tình cảm rất dễ bị phụ bạc. Nhận lại quả đắng lúc đó không ai khác là những “thượng đế” trong thế giới bóng đá

Hải Minh
.
.
.