Khi những “ông sao” giở trò

Thứ Năm, 21/04/2011, 12:24
Bao giờ cũng thế, cứ khi giai đoạn lượt đi hoặc lượt về V.League chuẩn bị hạ màn là người ta lại được chứng kiến sự "quẫy đạp" của các "ông sao" ngoại. Họ quẫy đạp không phải vì mang trong mình cái bản năng quẫy đạp như cách giải thích hài hước của một người trong số đó, mà vì với một mục tiêu, một khát vọng rất rõ ràng: Muốn có nhiều tiền hơn.

Vòng 11 V.League vừa qua, BHL Cao Su. Đồng Tháp đã phải té ngửa với hành động đạp thẳng vào người Châu Phong Hòa (Ninh Bình) của tiền đạo Samson. Trong tình huống này, có thể Samson chỉ hành động khi rơi vào trạng thái ức chế, nhưng cũng có thể cái hành động ấy là một sản phẩm được lập trình khá cao tay. Bởi sau khi đạp vào người đối thủ, đồng nghĩa với việc phải nhận thẻ đỏ, và phải nghỉ thi đấu ít nhất 2 trận, Samson có thể gián tiếp "làm reo" với đội bóng nhà.

Ai cũng biết Samson là tiền đạo chủ lực của bóng đá Đồng Tháp trong hai mùa giải gần đây. Nhưng trước thềm V.League 2011, đi theo tiếng gọi của đồng tiền, cầu thủ người châu Phi đã quyết tâm bỏ Đồng Tháp để về HN.T&T. Chuyện tưởng như sẽ diễn ra chắc chắn 100% thì phút cuối phía Đồng Tháp kiên quyết đấu lý với Samson bằng những điều khoản rất chặt trong hợp đồng.

Samson - Đồng Tháp (phải) quyết liệt tranh cãi với trọng tài. Ảnh: Quang Minh.

Đến nước này, Samson buộc phải ở lại Đồng Tháp, nhưng ngay cả khi "buộc phải ở lại" thì anh vẫn nhận thêm 100.000 USD tiền lót tay. Thực tế thì sau khi quyết định ở lại Đồng Tháp, phong độ của Samson từ đầu mùa giải tới giờ có thể xếp vào dạng "chói sáng" - và đấy chính là lý do khiến cho hàng loạt đại gia V.League sẵn sàng vung tiền "tậu" anh về.

Biết được cái giá của mình, Samson cố tình nhận thẻ đỏ để có thể qua đó, "ép" phía Đồng Tháp tăng lương, mà cũng có thể khiến đội bóng chủ quản chán nản, từ đó "buông" mình cho đội khác? 

Sau chiếc thẻ đỏ của Samson, nhiều người lập tức nhớ đến một chiếc thẻ đỏ tương tự của Leandro trong màu áo Hải Phòng năm ngoái. Khi ấy, trong những trận đấu cuối cùng của giai đoạn lượt về, Leandro đã bị nghi ngờ là cố tình nhận thẻ đỏ để "làm reo" với đội bóng, và quả nhiên là khi mùa giải kết thúc, Leandro đã rời đất Cảng về Bình Dương...

Nói tóm lại, cứ cuối giai đoạn lượt đi hoặc lượt về V.League - thời điểm mà thị trường chuyển nhượng cầu thủ hoạt động một cách rôm rả thì người ta lại lập tức nhìn ra và nhìn rõ những trò "quậy phá" của các ngoại binh. Mà muốn chấn chỉnh những trò quậy phá như thế, đừng nói tới chuyện nội quy, cũng đừng nói tới chuyện đạo đức, mà cứ ném cho các ngoại binh ấy một… cục tiền là xong hết.

Các đội bóng biết điều này, biết rõ là khác, nhưng vì mục tiêu thành tích mà trong nhiều trường hợp vẫn buộc phải chiều lòng các "ông sao" - thế mới đau!

"Hắn chơi kiểu gì vậy hả trời?"

Lãnh đạo một đội bóng đã thốt lên với chúng tôi câu đó khi chứng kiến một cầu thủ gạo cội của mình chơi bóng dở tệ trong trận đấu với một đội bóng A. Điều đáng nói nằm ở chỗ, ngay trước khi thời điểm trận đấu diễn ra, vị lãnh đạo này đã được rỉ tai: "Mùa bóng tới, hắn về đội A anh ạ!". Vậy thì có phải "hắn" đã chủ động chơi dở để dọn đường trước cho mình khi năm tới về đội A hay không?

Thực tế thì đấy chính là một trong những vấn đề rất nhạy cảm ở một giải bóng đá tiếng là chuyên nghiệp, nhưng kỳ thực cách ứng xử giữa con người với con người trong rất nhiều thời điểm lại mang nặng yếu tố tình cảm, nghiệp dư. 

Ở V.League người ta có thể nhìn thấy rất nhiều trường hợp như vậy. Trong những trường hợp đó, lỗi trước tiên nằm ở ý thức thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ. Tiếp nữa, lại có những lời hứa hẹn mà thực chất là những lời "xúi bẩy" của những nhà môi giới hay của những ông HLV, theo kiểu: "Khi gặp đội tôi, cậu đừng đá hết sức nhé. Giúp tôi đi, năm tới, tôi sẽ mua cậu về, trả lương cao".

Nếu những tình trạng "sóng ngầm" kiểu này không sớm được dẹp bỏ, nếu cứ đội A "chơi" đội B, để rồi đội C cũng sẽ có lúc chơi lại đội "A" như thế thì xét cho cùng đội nào cũng thiệt, và cái gọi là "bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam" sẽ trở nên bát nháo khôn lường. (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.