Khi khán giả Hải Phòng vào Hàng Đẫy

Thứ Ba, 05/04/2011, 15:42
Khán giả Hải Phòng luôn khiến BTC sân Hàng Đẫy nơm nớp sợ, nhưng khán giả Hải Phòng lại cũng tạo ra sự sôi động xa xỉ ở cái sân nổi tiếng là ảm đạm này. Khán giả Hải Phòng "đổ bộ" vào Hàng Đẫy: Nên buồn hay vui?

Một đồng nghiệp của tôi đã từng viết bông đùa rằng, có lẽ mặt bằng sân Hàng Đẫy nên được cho thuê để bán bia hơi. Bởi như thế, BTC sân sẽ có một nguồn thu đáng kể, và khi người trên khán đài vừa uống bia, vừa "dzô, dzô" thì các trận đấu dưới sân vốn chẳng lấy gì làm "bốc" của mấy đội bóng Thủ đô cũng sẽ được "vui lây".

Kể từ khi đề xuất táo bạo này xuất hiện, cánh phóng viên chúng tôi trong mỗi lần tác nghiệp ở sân Hàng Đẫy đều đã nhìn lên những khán đài lạnh toát mà lởn vởn trong đầu hình ảnh những cốc bia tươi mát ở bên trên đó. Nhưng chiều chủ nhật tuần rồi, khi các CĐV Hải Phòng "đổ bộ" vào Hàng Đẫy thì chúng tôi đã bắt đầu nghĩ khác…

Ban tổ chức sân bị "việt vị"

Nếu chịu khó ghé qua sân Hàng Đẫy chỉ một lần từ đầu V.League tới giờ bạn sẽ thấy rất rõ một cảnh tượng sau: Ai vào sân cứ vào, ai đi đường cứ đi. Bóng đá ở Hàng Đẫy bây giờ nhạt tới độ cảm giác như người đi đường khi phóng xe qua đó, cũng chẳng thèm ngoái sang, tò mò nhìn một cái.

Nhưng chiều chủ nhật vừa rồi thì khác, lực lượng an ninh sân đã cẩn thận "rào" chặt đường Trịnh Hoài Đức và đường Hàng Cháo - hai con đường bao quanh khán đài A, B. (Phải "rào" chặt như thế là bởi khán giả Hải Phòng mỗi lần đổ bộ vào sân Hàng Đẫy là một lần lại làm cái sân náo loạn). Thế là người đi đường, khi đi ngang quang đã liên tục nhìn về phía sân, và có người thậm chí còn hỏi: "Hôm nay ai đá nhỉ?".

Ở trong sân, một lực lượng an ninh khác cũng đã "trực" sẵn ở cửa số 10 - chốn đến quen thuộc của các CĐV đất Cảng, và cũng là cái chốn mà BTC muốn CĐV đất Cảng ngồi vào, để tách biệt hẳn với CĐV chủ nhà ngồi ở cửa số 3. Thế nhưng 1 giờ, nửa giờ, rồi 20 phút, 15 phút trước trận đấu, cửa số 10 vẫn trống không.

Lực lượng bảo vệ sân "canh" khán giả Hải Phòng.

Các CĐV đất Cảng đổi tâm ý, nên không vào sân nữa chăng? Không phải. Họ vẫn vào như thường, nhưng thay vì ngồi ở cửa 10, tất cả lại đồng loạt chuyển sang khán đài A, ở cửa số 3, số 5. Tại sao lại có sự "chuyển đổi lịch sử" này? Một CĐV Hải Phòng giải thích: "BTC sân Hàng Đẫy đồng loạt nâng giá vé 200.000 đ/chiếc trong các trận đấu có chúng tôi. Cùng mất 200.000đ, chúng tôi tội gì mà ngồi ở cửa số 10, sang ngồi cửa số 3 cho oách!".

Báo họa BTC sân khi cửa số 3 cũng là nơi mà các CĐV Hòa Phát.Hà Nội đang an tọa. Thế là suốt 90 phút trận đấu, ai cũng lo ở đây sẽ xảy ra "đại chiến". Trong khi đó vì bị "việt vị" ở cửa số 10 nên rất đông các đồng chí bảo vệ thay vì đứng làm nhiệm vụ, lại đã ngồi cả xuống xem đá bóng. Họ ngồi là phải, bởi tính ra, ở cửa số 10, lực lượng bảo vệ phải nhiều gấp đôi so với lượng người xem.

Cổ vũ, náo loạn, rồi… chửi bới

"Hải Phòng, chiến thắng! Hải phòng chiến thắng!" - cả một biển âm thanh vang lên từ cửa số 3. Lượng âm thanh chỉ tạm thời lắng xuống khi Hải Phòng bị thua bàn từ quả phạt 11m. Nhưng ngay sau bàn thua này, các CĐV đất Cảng lại đã trút giận lên đầu ông trọng tài Võ Minh Trí - người mà không hiểu sao cứ bắt trận nào là trận ấy Hải Phòng chỉ từ hòa đến thua.

Nhiều CĐV thấy nóng người quá, nên đã không ngại ngần cởi áo, ném cả xuống sân. Rất hóm hỉnh, bác phát ngôn viên sân Hàng Đẫy "ra chiêu": "Đề nghị các CĐV cổ vũ có văn hóa. Và cũng đề nghị các anh không cởi áo, bởi sân Hàng Đẫy gió to, rất dễ bị cảm". Nghe đến câu này thì tất cả cùng cười ồ lên, và quả nhiên là cười xong, không ai chửi nữa. 

Tuy nhiên, đến thời gian nghỉ giữa giờ thì cái tạp âm được tạo bởi những lời hò hét, cổ vũ, lẫn chửi bới lại vang lên. Nhưng rất khôn khéo, BTC sân ngay lập tức lại đã phóng loa, bật lên những bài hát trữ tình, được khởi đi từ giọng ca của Trọng Tấn.

Bị lấn át bởi chất "trữ tình" như thế, các CĐV Hải Phòng vừa không còn hứng vừa chẳng còn "tông" phù hợp để mà chửi bới. Sang đến hiệp 2, khi bóng lăn trở lại cũng là khi đội bóng đất Cảng chủ động ồ ạt tiến công. Và các "thượng đế" chỉ "loạn" khi đội nhà có bàn gỡ hòa ở phút thứ 88, và "loạn" bằng một hành động được cho là "đặc sản" của khán giả Hải Phòng: Ném lên trời cả trăm xếp đô la âm phủ.

Hai nửa buồn - vui

Trong mỗi lần những khán giả Hải Phòng nổi loạn là một lần BTC sân lại lo ngay ngáy. Nhưng may mà cuối cùng không có vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra, cái may mà nói như một thành viên của BTC thì "thấy họ gỡ hòa ở phút thứ 88, tôi thở phào. Bởi nếu họ thua, chưa biết điều gì sẽ đến…".

Lại có cả một cái may khác nữa, chẳng liên quan mấy tới chuyện bóng banh. Đó là cái may của bà bán bánh khúc ở cửa sân, khi bà rỉ tai tôi: "Mọi ngày tôi bán 50 cái mà ì à ì ạch, nhưng hôm nay có CĐV Hải Phòng, bán 150 cái hết vèo! Ước gì trận nào cũng có các CĐV Hải Phòng, nhà báo nhỉ!".

Thế mới biết, khán giả Hải Phòng luôn khiến BTC sân Hàng Đẫy nơm nớp sợ, nhưng khán giả Hải Phòng lại cũng tạo ra sự sôi động xa xỉ ở cái sân nổi tiếng là ảm đạm này. Khán giả Hải Phòng "đổ bộ" vào Hàng Đẫy: Nên buồn hay vui?

Trịnh Phan Phan
.
.
.