Khi huyền thoại nghi ngờ huyền thoại

Chủ Nhật, 12/08/2012, 18:45
Với một huyền thoại thể thao, bên cạnh những đỉnh cao chuyên môn thì một tính cách đẹp, một tâm hồn đẹp, một tính cách không bon chen, một tâm hồn không đố kỵ cũng là những yếu tố quan trọng quyết định xem huyền thoại ấy có thể đi vào… bất tử hay không!

Những ngày này, cả thế giới không khỏi ngỡ ngàng với thành tích 19 giây 32 mà “người chạy nhanh nhất hành tinh” Usain Bolt vừa xác lập  trên đường chạy 200m nam tại Olympic London 2012. Với thành tích này, Usain Bolt trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử Olypmic bảo vệ thành công chiếc HCV ở các nội dung 200m và 100m trong hai kỳ Olympic liên tiếp. (Trước đó, Bolt giật vàng trên đường chạy 100m với thành tích kỷ lục: 9 giây 69). Nhưng lạ là ở một thời điểm mà cả thế giới tôn vinh Bolt như một “huyền thoại sống”, một biểu tượng của khát vọng chinh phục thì đã có một huyền thoại khác giội một gáo nước lạnh vào Bolt.

1. Có một hình ảnh rất đáng chú ý, đó là sau khi về nhất trên đường chạy 200m, Bolt đã cúi xuống hôn đường piste, rồi sau đó thực hiện những động tác chống đẩy một cách… ngọt lịm. Những động tác chống đẩy sau khi “vắt” đến những giọt mồ hôi cuối cùng trên đường chạy như mang trong nó một thông điệp: Tôi vẫn chưa dùng tới tất cả sức lực có thể của mình; tôi còn đủ sức để có thể chạy tiếp, chạy nữa, chạy ngay bây giờ.

Trước thềm Olympic năm nay, Bolt đã bị chấn thương gân kheo, và vẹo cột sống, và đã có thời điểm người ta nghi ngờ khả năng dự giải của anh. Tới sát giờ thi đấu, khi Bolt khẳng định mình vẫn có thể “chạy bình thường” trong một cuộc họp báo ngay tại làng Olympic thì đã có những dự đoán rằng lần này Bolt rồi sẽ bị lật đổ bởi Yohan Blake - người đã từng đánh bại Bolt trong một cuộc đua tiền Olympic. Thế nhưng rốt cuộc với thành tích 19 giây 32, Blot vẫn là số 1, và Yohan Blake vẫn chỉ là người thứ hai với thành tích 19 giây 44.

http://cand.com.vn/Uploaded_CSTC/phuonglien/6_usain2573-450.jpg
Usain Bolt vừa xác lập trên đường chạy 200m nam tại Olympic London 2012.

Rõ ràng, Bolt đã chiến thắng đối thủ, chiến thắng những chấn thương tai ác của mình, chiến thắng những nghi ngờ của một bộ phận không nhỏ dư luận, và cuối cùng, vinh dự nhất: Đã chiến thắng chính cái lịch sử trước đó của Olympic khi trở thành người đầu tiên gặt được 2 chiếc HCV trên đường chạy 100m và 200m trong hai kỳ Đại hội liên tiếp. 

2. Giữa lúc cả nước Jamaica đang không ngừng ca tụng Bolt và cả thế giới không ngừng dành cho Bolt những lời thán phục thì huyền thoại chạy nước rút nước Mỹ Carl Lewis lại bất ngờ đăng đàn cho biết: “Ở Jamaica, việc kiểm tra doping diễn ra không tốt như ở nhiều quốc gia khác”. Phát biểu này diễn ra ở một thời điểm mà “ông trùm doping” Victor Conte - người chuyên nghiên cứu và cung cấp các loại thuốc cấm trong hoạt động thể thao cũng bất ngờ nói trên tờ The Times rằng phải có tới 60% các VĐV tại Olympic London sử dụng doping. Chính vì vậy những phát biểu của Carl Lewis bỗng trở nên “có tính thuyết phục” hơn rất nhiều.

Ở đây, phải nói cho rõ rằng mặc dù Carl Lewis không hề nhắc tới cái tên “Usain Bolt” trong những phát biểu của mình nhưng người ta thừa hiểu đấy chính là những phát biểu thể hiện sự nghi ngờ về tính trung thực trong hai chiếc HCV mà “người chạy nhanh nhất hành tinh” vừa có được.

Hiểu rõ điều này nên trong một cuộc trả lời phỏng vấn  mới nhất, Bolt đã không ngại ngần phản kích Carl Lewis: “Tôi quá bất ngờ khi nghe ông ấy nhắc tới chữ “doping”. Tôi nghĩ ông ấy nói thế là để người ta chú ý đến mình, sau khi đã bị lãng quên  trong một thời gian quá lâu. Và vì thế, tôi đã không còn bất cứ sự tôn trọng nào dành cho ông ta nữa”. Sau khi kịch liệt chỉ trích Carl Lewis, Bolt còn nói thêm: “Đừng nói tới cá nhân tôi, mà tất cả các thành viên khác trong ĐT điền kinh Jamaica đều tuyệt đối tránh xa doping. Đấy là điều chắc chắn”. 

3. Cho tới trước khi Usain Bolt vừa đạt được những thành tích tuyệt vời tại Olympic London thì chính Carl Lewis (chứ không phải ai khác) đã được ca tụng là một huyền thoại sống trên đường chạy cự ly ngắn. Lý do là ở Olympic năm 1984, Lewis đã đoạt HCV ở cự ly 200m và đến kỳ Olypmic năm 1988, mặc dù đã già đi 4 tuổi nhưng vẫn xuất sắc đoạt HCB ở cự ly giàu tính cạnh tranh này.

Ngoại trừ Carl Lewis chắc chắn là không ai biết những động cơ thực sự phía sau những phát biểu rất “giật gân” của huyền thoại một thời này. Nhưng có một điều mà người ta biết và biết rất rõ: Đó là với một huyền thoại thể thao, bên cạnh những đỉnh cao chuyên môn thì một tính cách đẹp, một tâm hồn đẹp, một tính cách không bon chen, một tâm hồn không đố kỵ cũng là những yếu tố quan trọng quyết định xem huyền thoại ấy có thể đi vào… bất tử hay không!

Diệu Linh thua trận, thể thao Việt Nam hết hy vọng giành huy chương

Chiều 10/8 (giờ Việt Nam), niềm hy vọng mong manh cuối cùng của Taekwondo Việt Nam đã vụt tắt khi võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh thua đậm 1-13 điểm trước đối thủ người Đức Fromm Helena tại vòng loại ở hạng cân dưới 67kg dành cho nữ.

Huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Hồ Anh Tuấn cho biết, Chu Hoàng Diệu Linh còn quá trẻ và chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Tuy nhiên, tại cuộc tranh tài hôm nay, em đã tiến bộ rất nhiều, tâm lý thi đấu thoải mái, dám chịu đánh, mạnh dạn tấn công đối thủ mạnh hơn rất nhiều.

Vận động viên Helena, 25 tuổi, là hạt giống số 6 ở hạng cân này. Cô từng giành huy chương đồng tại giải vô địch thế giới hạng dưới 67kg vào các năm 2007 và 2011, và các huy chương vàng, bạc và đồng tại các giải vô địch châu Âu mấy năm trước đây.

Ông Tuấn cho biết thêm, thể lực của Diệu Linh cũng lên rất nhiều. Đây là kết quả của nỗ lực tập luyện cao độ của Linh trong hai tháng tập huấn ở nước ngoài vừa qua.

Thi đấu ở Olympic London cũng là sự chuẩn bị tốt cho Linh khi tham gia các giải thi đấu khu vực và quốc tế trong tương lai, gần nhất là tại Asian Games, được tổ chức tại Myanmar vào năm 2013.

Theo DCS.VN

Kỷ lục khán giả trong trận chung kết bóng đá nữ Olympic

Trận chung kết bóng đá nữ Olympic London 2012 giữa Mỹ và Nhật Bản vào rạng sáng qua (giờ Việt Nam) đã lập kỷ lục về số lượng khán giả tới sân. Theo BTC, có tổng cộng trên 80.000 khán giả đã xem trận đấu này, xô đổ kỷ lục 76.500 khán giả trong trận chung kết bóng đá nữ Olympic năm 1996 giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trận chung kết bóng đá nữ năm nay, ĐT Mỹ quyết tâm phục hận Nhật Bản sau khi đã để thua đau trong trận chung kết giải vô địch bóng đá nữ thế giới 1 năm về trước. Chính nhờ quyết tâm đó mà các cô gái Mỹ đã chơi một trận xuất thần, và dẫn trước tới 2-0. Mặc dù thi đấu đầy nỗ lực trong khoảng 45 phút hiệp 2, nhưng ĐT nữ Nhật Bản cũng chỉ ghi được 1 bàn danh dự, và theo thừa nhận của các thành viên ĐT Nhật sau trận đấu thì lần này, chiếc HCV bóng đá nữ với người Mỹ là hoàn toàn xứng đáng.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.