Khi huấn luyện viên chấp vặt

Chủ Nhật, 06/01/2013, 12:59
Chuyện nóng hổi, xôn xao dư luận Anh những ngày cuối tuần này chính là vụ “ngựa chứng” Balotelli của CLB Manchester City suýt nữa choảng ông thầy Mancini trên sân tập. Đã đành Balotelli là một gã thuộc diện “siêu bất thường” trong cái thế giới bóng đá này, nhưng qua vụ việc này người ta cũng phải “ngửi” thấy một cái gì bất thường không kém từ chính… Mancini chứ nhỉ?

1/ Nếu liệt kê lại những hành động kỳ quặc, điên rồ của Balotelli từ trước tới nay, chẳng hạn như việc lái thẳng xe vào một sân trường tiểu học để… đi tiểu, hay nghịch ngợm tới mức suýt làm cháy nhà…, người ta có thể dùng tới cả trăm trang sách. Thế nên khi Balotelli đứng lì một chỗ, không chịu ra sân theo mệnh lệnh của Mancini trong buổi tập của Man xanh hôm rồi, chính những đồng đội của gã cũng coi đấy là một việc… bình thường. Cái sự không bình thường chỉ diễn ra khi HLV Mancini lao tới, tóm cổ áo Balotelli và muốn lôi gã ra khỏi sân, nhưng bất lực vì gã quá khỏe. Là một HLV, một người lẽ ra phải lạnh, phải tỉnh hơn bất cứ nhân vật nào trong đội bóng, Mancini lại hành xử theo kiểu “tay đôi” như thế, mà lại “tay đôi” với một gã “điên” như Balotelli liệu có nên không?

Tất nhiên, có xỏ chân vào đôi giày của Mancini lúc đó mới hiểu hết cái cảm giác “cay” của một vị tướng khi mệnh lệnh của mình không được tuân thủ. Càng “cay” hơn khi cái gã bất tuân lệnh ấy là người mà xưa nay mình hết mực yêu thương bảo vệ. Nhưng bất luận những sự thực như vậy, một HLV tầm vóc, có bản lĩnh phải là người biết nén lại những cay cú cá nhân để hành xử một cách mềm mại. Hãy nhìn sang Jose Mourinho – người đang bị chỉ trích là đã “kéo bè kéo cánh” ở Real Madrid, cũng là người bị một bộ phận không nhỏ các cầu thủ Real ngấm ngầm phản ứng, nhưng thử hỏi, có bao giờ Mourinho dại dột lao tới tóm cổ cầu thủ, rồi bị cầu thủ thẳng tưng “bật lại” như Mancini hay không?

Mancini (phải) tuyên bố tha thứ cho Balotelli (trái), nhưng...

2/ Một ngày sau sự cố Balotelli định “choảng” Mancini, HLV lão làng Ferguson đã bình luận rằng, cái dở của Man xanh là họ đã không kiểm soát được thông tin, nên đã để những vụ việc không hay như thế này ồ ạt xuất hiện trên mặt báo. Ferguson phân tích: “Lẽ ra Man xanh phải có cách để cho những tay săn ảnh không thể tiếp cận được các buổi tập của mình, để có thể dễ dàng tung hê tất cả những điều không hay trong đội mình lên… mặt báo. Nhưng hình như Mancini chưa bao giờ chú ý tới những điều như vậy”. Tất cả những ai có chút vốn liếng về bóng đá Anh đều biết rằng Ferguson chẳng ưa gì Mancini, bằng chứng là hai ông này đã to tiếng với nhau trên đường piste trong trận Derby thành Manchester hai năm về trước. Người ta cũng biết rằng Ferguson xưa nay luôn có thói quen “đổ dầu vào lửa” với những HLV, những đội bóng mình không ưa. Thế nên không loại trừ khả năng nhận xét vừa rồi mang một hàm ý “phá hoại” nào đó, nhưng ở một góc độ nhất định nào đó, thì nó cũng hé lộ một sự thật không thể chối cãi: Trong tư cách của một vị tướng, Mancini dường như đã không lường trước được tất cả các tình huống tiêu cực có thể xảy ra với mình và đội bóng của mình, nên đã không có những phương án phòng thủ hữu hiệu. 

Viết tới đây chợt nhớ, hai năm về trước, tiền đạo Tevez cũng công khai không chịu vào sân thay người theo lệnh của Mancini trong trận Man City – Bayern Munich trong khuôn khổ Champios League, và sau đó còn công khai lên báo chế giễu một thứ “chiến thuật hèn nhát” mà Mancini chủ trương áp dụng. Tevez bất phục Mancini tới mức trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Italia – quê hương của Mancini, anh này không ngại ngần cho biết: “Ông ấy đối xử với tôi không khác gì một con chó”. Khi Tevez nói câu này, không nên truy cứu xem anh ta nói thật hay nói dối, bởi vấn đề nằm ở chỗ dù thật hay dối, thì câu nói cũng cho thấy trong mắt anh ta, Mancini thực sự chẳng có giá trị gì. 

Và vấn đề còn nằm ở chỗ: Khi một “gã điên” như Balotelli phản ứng Mancini thì có thể nó đơn thuần xuất phát từ sự “điên” của một cá nhân. Nhưng khi một người bình thường như Tevez cũng phản ứng như thế thì sẽ là không bình thường, nếu nói rằng Mancini cũng cần vắt tay lên trán mà xem lại chính bản thân mình.

3/ Về mặt cá nhân, tôi thích phong cách của Mancini – ông HLV có mái tóc vàng bồng bềnh, mái tóc luôn gợi trong tôi hình ảnh của thần tình yêu Erox mà tôi từng ám ảnh cả một thời ấu thơ. Tôi cũng thích cách ăn mặc rất thời trang của ông. Nhưng nhìn ở góc độ của một tướng quân, một  nhà  quản lý, tiếc thay Mancini lại không tạo trong tôi những ấn tượng tốt đẹp như vậy.

Bởi tôi đã và luôn ngưỡng mộ những tướng quân có tầm vóc, chứ không phải là những ông tướng hay cay cú, và hay chấp vặt!

Sẽ tha thứ…!

Đó là tuyên bố mới nhất của Mancini sau vụ va chạm với Balotelli. Nhà cầm quân người Italia nói rằng: “Tôi thừa nhận trong một số tình huống mình đã thể hiện những hành vi nóng nảy không cần thiết, và tôi phải rút kinh nghiệm về điều đó. Tôi đã nghĩ rất nhiều và thấy rằng Balotelli dẫu sao cũng mới chỉ 22 tuổi”. Ngoài ra Mancini còn xác nhận rằng Balotelli không những không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào, mà còn có thể được ra sân ngay ở trận đấu tới.

Hãy cứ chờ xem, cái cách “xoa dịu tình hình” của Mancini có khiến phần còn lại của đội bóng tâm phục khẩu phục, và Man City có vì thế mà bớt loạn hơn không.

Tuấn Thành

Phan Đăng
.
.
.