Khi đàn em "trả nợ" giúp đàn anh

Thứ Bảy, 18/10/2008, 11:38
Chiều qua, U.22 Việt Nam đã xuất sắc thắng ĐT Myanmar trong khuôn khổ Merdek Cup (Malaysia) với tỷ số 3-1,  để "trả nợ" cho ĐTQG Việt Nam. Nói là "trả nợ" vì ai cũng biết, cách đây chưa lâu, ĐTVN đã thua đau ĐT Myanmar tại cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh trên sân Thống Nhất.

Câu hỏi đặt ra: Từ "nỗi đau" ĐTQG đến "chiến công" của ĐT U.22 QG, có điều gì cần rút tỉa?

Có thể nói, tại cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh, ĐTVN nhập cuộc với Myanmar bằng tư tưởng "kèo trên". Vì là "kèo trên" nên chúng ta ào ạt tấn công đối thủ từ phút thứ nhất cho tới phút cuối cùng. Và cứ nhìn lại số liệu thống kê của trận đấu (Việt Nam kiểm soát bóng 60%, có khoảng trên 10 cơ hội ngon ăn) thì sẽ thấy sự áp đảo của Việt Nam với Myanmar như thế nào.

Nhưng cũng chính vì tư tưởng "kèo trên" mà các cầu thủ quá say sưa "tấn công", và mang tâm lý "chủ quan, khich địch", nên đã bị ăn… phản đòn. Trận ấy Myanmar chỉ có 4,5 lần tấn công nhưng đã ghi được 3 bàn, để kết trận với chiến thắng 3-2.

Ngược lại, trong khuôn khổ Merdek Cup hôm qua, trong tương quan với U.22 Việt Nam, một đội tuyển trẻ mới được thành lập thì rõ ràng ĐTQG Myanmar lại nằm ở thế "kèo trên". Vậy nên dễ hiểu là suốt 90 phút hôm qua, người Myanmar tấn công nhiều hơn, tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm hơn. Nhưng họ đồng thời cũng đi vào chính "vết xe đổ" của ĐTVN tại cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh: tấn công quá say sưa, khinh địch. Kết quả là, họ đã dính đòn hồi mã, mà là "dính" nặng khi đã thua tới 1-3.

Qua sự phân tích này, dễ thấy là không nên căn cứ vào tỷ số đơn thuần để "bôi nhọ" ĐTQG của HLV Calisto theo kiểu: "ĐTQG gì mà chán òm, đến Myanmar cũng không thắng nổi, trong khi đàn em của mình là ĐT U.22 lại thắng tới 3 bàn". Ở đây, chúng tôi muốn khẳng định lại một lần nữa: bóng đá không phải là toán học, vì thế không thể căn cứ vào kết quả đơn thuần, từ đó áp dụng "qui tắc bắc cầu" để "luận anh hùng" thiên hạ.

Tuy nhiên, từ nỗi đau ĐTQG đến chiến thắng của ĐT U.22 QG trước cùng một đối thủ, cũng có ít nhất 2 vấn đề cần nhận thức.

Thứ nhất là vấn đề tâm lý. Cái thua của ĐTVN rõ ràng nằm ở tâm lý chủ quan, không coi đối thủ ra gì, và cái thắng của ĐT U.22 rõ ràng cũng bắt nguồn rất lớn từ tâm lý chủ quan của đối thủ. Vậy nên cần phải thấy lại một điều rằng, trước khi nhập trận chúng ta thật sự và phải có một nhận thức chuẩn về đối thủ, từ đó xây dựng cho mình một sự cân bằng về tâm lý.

Cái này tưởng rất đơn giản nhưng thực sự là ở ĐTQG bây giờ dường như lại đang thiếu. Và vì thiếu nên ĐT của chúng ta luôn luôn bị đẩy vào 2 cực đáng sợ: Lúc thì tự tin đến mức khinh địch (trận gặp Myanmar là điển hình), còn sau đó, khi đi qua lộ trình 6 trận liền không thắng thì lại có biểu hiện đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình (trận giao hữu gặp Singapore ngày 14-10).

Thứ hai, từ ĐTQG đến ĐT U.22 QG, có thể HLV Calisto sẽ tìm được một giải pháp gỡ rối cho bài toán hàng công mà bây giờ ông đang cực rối. Ai cũng biết, hàng công của ĐT chơi bế tắc. Và ông Calisto đã thử đủ kiểu (lúc dùng Công Vinh - Việt Thắng, lúc dùng Công Vinh - Bảo Khanh) nhưng ở kiểu nào và trong phương án nào thì khả năng áp đặt đối thủ và tạo cơ hội ghi bàn của nó vẫn là cực thấp.

Trong khi các tiền đạo của ông mệt mỏi với việc săn bàn thắng thì ở ĐT U.22 lại có những cái tên như Thanh Bình, Đức Thiện (những người ghi bàn trong trận gặp Myanmar) chơi rất ấn tượng và "nổ súng" một cách nhịp nhàng. Vậy thì tại sao không nghĩ đến chuyện lấy quân U.22 vào ĐT để tạo luồng gió mới và những cơ hội mới cho hàng công ĐT?

Chúng tôi tin chắc rằng sau khi được báo cáo đầy đủ về trận U.22 Việt Nam bất ngờ thắng Myanmar, một người rất thích thử nghiệm và rất ưa những nhân tố mới như Calisto sẽ tính đến chuyện tăng cường "viện binh".

Khi U.22 Việt Nam bất ngờ thắng Myanmar, khi những người  "đàn em" bất ngờ "trả hận" cho những bậc đàn anh của mình thì rõ ràng là có rất nhiều vấn đề cần nhận thức. Và nó, những cái cần nhận thức ấy đều là những tín hiệu tốt lành

Đối thủ của chúng ta nghĩ gì?

Myanmar đem quân sang Việt Nam và đá với ĐTQG Việt Nam thì thắng 3-2. Nhưng Myanmar khi gặp ĐT U.22 Việt Nam thì thua nát 1-3. Thế thì Myanmar - một trong những đối thủ chúng của chúng ta tại AFF Cup diễn ra vào tháng 12 tới sẽ nghĩ gì về chúng ta? Họ nghĩ về sự thất thường, biến động của một nền bóng đá? Hay là sẽ nghĩ ĐTQG của chúng ta đang "giấu bài"?

Chịu! Nhưng có khi cái nghịch lý "Myanmar thắng tuyển quốc gia, thua tuyển trẻ" sẽ tạo một áp lực và một sức ép lên chính đôi vai họ.

Diệp Xưa
.
.
.