Liên quan đến việc chuyên gia Uruguay chê cầu thủ Việt… lười:

Khác biệt về tư duy

Thứ Sáu, 10/04/2020, 07:53
Chuyện ồn ào không đáng có giữa các chuyên gia Uruguay và CLB Hà Nội FC một lần nữa cho thấy dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây, vẫn còn một khoảng cách giữa trình độ và sự chuyên nghiệp giữa bóng đá Việt Nam và các nền bóng đá ở đẳng cấp cao nhất.



Sự thật mất lòng

Trước hết, chúng ta cần biết rằng ông Daniel Enriquez, cựu Giám đốc kỹ thuật của CLB Hà Nội, chủ nhân của những phát ngôn gây tranh cãi về cầu thủ Việt Nam được Francisco Lopez, cựu giám đốc phụ trách kinh doanh của City Football Group giới thiệu cho đội bóng Thủ đô khi ông đến Việt Nam

Daniel Enriquez có một bề dày kinh nghiệm đáng nể. Ông từng dẫn dắt đội U20 Uruguay vô địch Nam Mỹ năm 1977. Ông cũng từng trải qua nhiều vị trí trong ban huấn luyện, giám đốc kĩ thuật, giám đốc thể thao các đội Puebla (Mexico), Tigres (Mexico), Tampico Madero (Mexico), Colón (Uruguay), Nacional (Uruguay) và Consadole Sapporo (Nhật Bản).

Chuyên gia Uruguay rời CLB Hà Nội một cách đầy bất mãn.

Enriquez đến với CLB Hà Nội trong bối cảnh đội bóng này đang muốn vươn tầm ra châu lục sau khi đã thống trị các giải đấu trong nước. Enriquez, cùng với các cộng sự trong ê kíp của mình là chuyên gia về thể lực Gandini và chuyên gia phân tích Estefano được kỳ vọng sẽ giúp cho HLV Chu Đình Nghiêm có được những điều kiện tốt nhất để đưa đội bóng Thủ đô đến những mục tiêu lớn.

Nhưng chỉ sau 2 tháng, bộ ba người Uruguay đã ra đi không kèn không trống. Không chỉ có vậy, phát ngôn của ông Enriquez tại quê nhà đã khiến nhiều người phải bất ngờ: "Sau lần đầu tiên đến gặp gỡ và trao đổi hôm 15-11-2019, tôi đã gửi lãnh đạo CLB một chiến lược phát triển cần thiết để có thể vươn lên, đánh bại các CLB lớn trong nước và khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. 

Thời gian để thay đổi có thể sẽ mất một năm. Nhưng khi chúng tôi trở lại vào ngày 1-2-2020 để bắt đầu chuẩn bị cho mùa giải mới, dường như họ không quan tâm đến dự án đó. Mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Khi tôi muốn tăng lịch tập luyện lên gấp đôi thì HLV phản đối. Cầu thủ gầy và nhẹ cân nhưng không chịu tập luyện, không bao giờ bước chân vào phòng gym.

Sức mạnh thể chất không có nên mọi thứ chỉ là con số 0. Đội bóng không có ai phụ trách chuyên môn rõ ràng. HLV thể lực Nicolas Gandini đã đưa cả gia đình đến Việt Nam nhưng rồi cậu ấy nói với tôi rằng không thể chịu được và bỏ đi sau một tháng. Rồi Estefano Zammarelli cũng ra đi và tôi thấy mình không có lý do gì để tiếp tục ở lại cả".

Ngay lập tức HLV Chu Đình Nghiêm lên tiếng phản pháo khi cho rằng nếu không có sức mạnh, Hà Nội đã chẳng thể đăng quang 3 lần tại V.League trong 4 mùa giải gần đây. Vậy đâu là lý do chính cho sự bất mãn từ phía các chuyên gia Uruguay?

Trách nhiệm không rõ ràng

Theo mốc mà ông Enriquez đề cập tới trong phát ngôn của mình, mâu thuẫn có lẽ đã bùng nổ từ đợt tập huấn 3 tuần trước mùa giải của CLB Hà Nội ở Phú Thọ. Điều này được ông Enriquez tiết lộ: “Chúng tôi muốn thực hiện 3 giáo án trong một ngày nhưng HLV chỉ muốn một giáo án đơn giản trong 8 tuần trước khi mùa giải bắt đầu.

Chúng tôi cố gắng giải thích với anh ấy rằng bóng đá chuyên nghiệp vận hành khác thế này nhưng không thành công. Chúng tôi đề nghị hạ xuống còn 5 tuần nhưng họ vẫn làm việc không chăm chỉ. Thứ hai, họ tập chạy. Thứ ba, họ vào phòng gym. Thứ tư, họ chỉ tập nhẹ với bóng. Ở Uruguay, 3 buổi đó có thể dồn vào một ngày".

Từ những phát biểu đó, có thể thấy rõ độ vênh trong sự chỉ đạo của các chuyên gia Uruguay và HLV Chu Đình Nghiêm. Dù có tài giỏi đến đâu, các chuyên gia cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ khi không nhận được sự cộng tác từ ban huấn luyện và các cầu thủ.

Chưa bàn đến sự thiếu hợp tác từ HLV và các cầu thủ, câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc nhất là CLB Hà Nội mất công thuê các chuyên gia và đặt họ vào những vị trí nghe rất “oai” để làm gì khi không trao thực quyền vào tay họ?

Hãy nghe Enriquez chua chát kể lại: “Có lần Gandini đang hướng dẫn các cầu thủ thì HLV bước vào giữa sân, kêu “finish”, vậy là tất cả các cầu thủ đều dừng lại”. Ông cũng cho biết HLV Chu Đình Nghiêm nói thẳng với các chuyên gia là ông không muốn thay đổi khi đang là nhà vô địch quốc gia và không quan tâm đến việc đối đầu với các CLB hàng đầu châu lục.

Chủ tịch Đỗ Vinh Quang và bầu Hiển cũng thể hiện rõ sự… bối rối trong sự việc này. Một mặt, họ trấn an các chuyên gia, mặt khác họ lại ngại va chạm với HLV và các cầu thủ khi mọi thứ vẫn diễn ra một cách tốt đẹp. Sự “dĩ hòa vi quý” ấy không thể giải quyết mâu thuẫn, và khi các chuyên gia cảm thấy họ không được tôn trọng, không biết ở lại để làm gì thì việc họ ra đi là điều tất yếu.

Thêm một lần nữa, câu chuyện về tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam lại được mổ xẻ, và lần này là ở chính đội bóng mạnh nhất quốc gia. Rõ ràng, các CLB tại V.League chưa hề có sự chuẩn bị cho một mô hình vận hành hiện đại như ở các giải bóng đá hàng đầu thế giới. Việc phân cấp, phân quyền giữa HLV và các giám đốc kỹ thuật, chuyên gia thể lực chưa có một tiền lệ nào để các CLB học hỏi, điều đó rất dễ dẫn đến tình trạng dẫm chân nhau và nảy sinh mâu thuẫn.

Nếu có một tầm nhìn xa hơn, các đội bóng cần phải có một mô hình chuẩn, trước khi tìm người tài đặt vào từng vị trí. Như thế mới là “đúng quy trình”!

Cầu thủ Việt Nam lười thật?

Theo ông Enriquez, các cầu thủ Việt Nam nhanh nhẹn, khéo léo nhưng có thể hình và thể lực kém. Đây là lý do vì sao khi ra đấu trường quốc tế, các cầu thủ dễ dàng bị đánh bại trong những cuộc tranh chấp tay đôi. Mặc dù vậy, các cầu thủ lại không chú trọng lắm đến việc tập gym để tăng độ dày cơ thể, cải thiện nền tảng thể lực.

Điều này được HLV kỳ cựu Lê Thụy Hải chia sẻ. Theo ông Hải “lơ”, nhiều cầu thủ có suy nghĩ việc tập gym sẽ làm tăng khối lượng cơ bắp, giảm bớt sự nhanh nhẹn cùng khả năng xoay sở. Tuy nhiên điều này đã được chứng mình là hoàn toàn sai, bởi nền tảng thể trạng tốt là yếu tố quan trọng nhất, giúp cho các kỹ thuật khác có được sự ổn định và chính xác. Cristiano Ronaldo có thể xem là một trong những ví dụ tiêu biểu của việc phát triển cơ bắp có thể giúp sự nghiệp thăng hoa.

Đơn Ca
.
.
.