Học người Malaysia

Thứ Tư, 12/12/2012, 09:19
Câu chuyện VPF kiến nghị đưaĐT U.22 QG tham dự V.League 2013 vẫn đang là câu chuyện được bàn tán rôm rả nhất hiện nay. Người phản ứng thì bảo việc cử một ĐT cấp QG tham dự một giải đấu theo thể thức “League” là phản khoa học, người ủng hộ thì bảo chính từ cái tưởng là “phản khoa học” ấy mà bóng đá Malaysia đã cất cánh đi lên. Rốt cuộc, phải nhìn nhận vấn đề sao cho thấu đáo?

Quả đúng là vài năm trước, Liên đoàn Bóng đá Malaysia đã cử ĐT U.22 tham dự giải VĐQG nước này với mục đích tăng cường cọ xát để ĐT được nâng chất. Và ĐT U.22 Malasia sau đó đã được nâng chất, với bằng chứng điển hình là chức vô địch SEA Games năm 2009 trên đất Lào. Tuy nhiên, phải “nội soi” ĐT U.22 Malaysia để thấy rằng kết cấu của nó khác và khác hoàn toàn so với ĐT U.22 Việt Nam bây giờ.

Tất cả những ai nghiên cứu về bóng đá Malaysia đều biết rằng LĐBĐ nước này đã duy trì một hệ thống các đội trẻ từ U.15, U.17, U.22… theo kiểu ăn/ở tập trung với nhau cả một thời gian dài. Có nghĩa, đấy là những ĐT mà các cầu thủ đều là “con đẻ” của LĐBĐ, chứ không phải là những người được lấy lên từ các CLB.

Thực tế thì ĐT Malaysia vô địch SEA Games năm 2009 có xuất hiện những cầu thủ là trụ cột của một số CLB, nhưng những cầu thủ ấy chỉ được gọi vào ĐT theo dạng bổ sung, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games, chứ không phải là những thành viên trong thành phần ĐT U.22 tham dự giải VĐQG nước này. Chính vì thế nên khi ĐT U.22 Malaysia tham dự giải VĐQG Malaysia thì quyền lợi ĐT và quyền lợi CLB không hề mâu thuẫn, chồng chéo nhau.

Nó khác hẳn so với kết cấu ĐT U.22 Việt Nam hiện nay – một đội bóng được lấy quân từ các CLB, thế nên chỉ vừa hay tin ĐT này có thể sẽ dự V.League thì một loạt các CLB đã cùng nhau kêu trời. Họ kêu rằng, nếu ĐT “rút” người của đội mình để chống lại chính đội mình trong một hệ thống thi đấu thì bất công quá. Rồi họ lại kêu rằng xưa nay CLB chỉ “nhả” quân cho ĐT để đá những giải đấu ngắn hạn, khi V.League và giải hạng Nhất đã kết thúc, chứ không bao giờ có chuyện “nhả” quân một cách dài hạn như thế này.

Trước những kêu ca như thế, ông TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn – một trong những người nghĩ ra ý tưởng nêu trên đã phản ứng khá mạnh, và sau đó đã đề ra một giải pháp dung hoà, đó là VFF sẽ lấy người ở các CLB một cách có kiểm soát, chứ không lấy ồ ạt. Chẳng hạn một CLB có tới 4 cầu thủ có thể khoác áo ĐT U.22 thì VFF chỉ lấy 2 cầu thủ.

Rồi ông Viễn bảo, trong tình hình bóng đá VIệt Nam xuống cấp, ĐT U.22 cần phải được chuẩn bị dài hơi ngay từ bây giờ thì mới mong đạt được thành tích tại SEA Games năm tới.

Bóng đá Việt Nam đã từng nhìn vào HLV trưởng Rjagoal (Malaysia) để học, nhưng rồi... (Ảnh: Quang Minh).

Nói tóm lại, chúng ta đang đi trên một con đường mà trước đó người Mã đã đi, nhưng như vừa phân tích thì bản chất hai cách đi lại khác nhau rất nhiều. Nó làm cho chúng tôi sực nhớ đến chuyện khi thấy bóng đá Malaysia thành công với “thầy nội” Rajagobal là nhiều quan chức VFF, mà đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ lập tức nói rằng: “Giờ là lúc BĐVN cũng phải dùng thầy nội”, và quả nhiên là sau đó ĐTVN có “tướng” nội Phan Thanh Hùng.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trước khi dùng thầy nội, Liên đoàn Bóng đá Malaysia đã xây dựng cả một chiến lược dùng thầy, mà bằng chứng rõ nhất là ông Rajagobal đã được ăn cùng, ở cùng, sống cùng các cầu thủ mà ông gắn bó không dưới 3 năm. Nó khác và khác rất nhiều so với kiểu VFF bất thình lình trao ấn kiếm cho “thầy nội” theo đúng tư tưởng “thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào”, để rồi khi thầy nội thất bại thì lại cuống cuồng nghĩ đến phương án… dùng thầy ngoại.

Tóm lại, học Malaysia hay học bất cứ cái hay, cái tốt của bất cứ nền bóng đá nào trong khu vực đều không sai; trái lại, còn thể hiện rõ một tinh thần học hỏi rất đáng hoan nghênh. Vấn đề là, nếu chỉ học hình thức, chứ không học được cái bản chất tạo nên hình thức thì chúng ta mãi mãi sẽ chỉ là những… anh học trò xoàng!

Diệp Xưa
.
.
.