Học Nhật và đấu Nhật

Thứ Bảy, 13/09/2014, 09:27
Không khó thấy là cả nền bóng đá Việt Nam đang bao trùm bởi tư tưởng: học người Nhật. Học từ việc xây dựng một giải VĐQG chuyên nghiệp, tử tế qua việc mời chuyên gia Nhật Tanaka Koji về làm trưởng giải, đến việc xây dựng cho ĐTQG và ĐT Olympic QG một lối chơi mang "chất Nhật" qua việc đặt vào đấy ông HLV trưởng người Nhật Toshya Miura.

Trong khi cái tư tưởng "học Nhật" đang bao tất cả thì riêng ĐT U.19 Việt Nam lại luôn mang tư tưởng phải quật ngã người Nhật. Hình ảnh một U.19 Việt Nam non nớt thua U.19 Nhật Bản 0-7 ở giải tứ hùng cúp Nutifood hồi đầu năm đã lui vào quá khứ.

Mới nhất và nóng nhất là một U.19 Việt Nam từng dẫn Nhật 1-0, rồi từng "trình chiếu" một cú sút Penalty theo kiểu Panenka - một kiểu sút của những cầu thủ có tố chất kĩ thuật cao, lại có một sự tự tin ghê gớm trong trận đấu với Nhật ở vòng bảng giải U.19 Đông Nam Á hôm rồi. Trận ấy, dù U.19 Việt Nam thua 2-3 nhưng ai cũng thấy đấy là cái thua sáng nước. Cái thua mà những người thua sau đó tin rằng, nếu gặp lại Nhật thì có thể mọi thứ sẽ diễn ra rất khác.

Sau khi bay bổng trước U.19 Myanmar, Văn Toàn (giữa) mơ bay bổng trong vòng vây người Nhật. Ảnh: H.M.

Lần đầu tiên sau rất nhiều năm bóng đá Việt Nam mới đấu với bóng đá Nhật bằng một tư tưởng sòng phẳng, dám nghĩ dám làm như thế.

 Đêm nay, bất luận U.19 Việt Nam thành hay bại thì chỉ riêng cái ý nghĩ ấy thôi - cái ý nghĩ của một đội bóng dám quyết đấu và quyết thắng một đội bóng khác đến từ một nền bóng đá mà mình đang "theo học" cũng đã tạo nên một hiện tượng đầy thú vị.

Đêm nay, xem U.19 Việt Nam đá chung kết giải U.19 Đông Nam Á, chắc chắn là những nhà làm bóng đá sẽ phải nghĩ rất nhiều quanh chủ đề học Nhật và đấu Nhật

Phan Đăng
.
.
.