Hoan hô… thiếu tiền!

Thứ Bảy, 14/07/2012, 14:05
Ngồi nói chuyện với chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, người đã từng “chết” bởi tiền khi còn làm HLV trưởng CLB Bình Dương bỗng nghe ông Xương nói nhiều tới hoàn cảnh “thiếu tiền” của các đội bóng Việt Nam hiện tại. Và ông bảo: “Đúng là thiếu tiền sinh ra nhiều cái khó, nhưng thiếu tiền cũng lại có những cái hay riêng…”.

1. Ông Xương nói rằng hồi còn cầm Bình Dương (giai đoạn cuối 2005 – giữa 2006) ông đã đề ra một chính sách lương, thưởng khác cơ bản so với trước đó. Cái chính sách mà cầu thủ thay vì được nhận thưởng nóng sau từng trận lại chỉ được nhận tiền thưởng khi đã đoạt mục tiêu. Chẳng hạn vòng 1, vòng 2 Cúp QG năm đó, ông Xương đề ra mức thưởng trên dưới 100 triệu đồng/trận, nhưng vấn đề là cả đội phải vào tới bán kết thì mới được nhận tổng số tiền thưởng theo từng vòng, còn không sẽ xí xóa tất cả. Ông Xương tin rằng cách thưởng hướng tới mục tiêu cuối cùng, thay vì hướng đến từng trận đấu sẽ khiến các cầu thủ phải thi đấu hết mình cho cả một chặng đường dài. 

Nhưng ông Xương không ngờ rằng chính vì cách làm ấy mà quân ông đã vỡ, thậm chí có những trận đã vỡ đúng như những gì dân anh/chị trong làng cá cược râm ran. Kết quả là ông đã phải ra đi sớm hơn dự đoán, và sau đó, khi người kế nhiệm ông thay đổi “chính sách thưởng” thì cầu thủ Bình Dương lại lập tức đá hay, đá máu đến bất ngờ. Thế nên ông Xương xót xa nhớ lại: “Cầu thủ của ta quen kiểu tiền tươi thóc thật rồi, nên nếu sau mỗi trận đấu không có thưởng thì họ không chịu nổi đâu”.

Thời buổi suy thoái kinh tế khiến cầu thủ Navibank Sài Gòn (phải) thậm chí còn bị nợ cả tiền ăn. Ảnh: Quang Minh.

2. Nếu chỉ 1,2 năm trước các ông bầu bóng đá Việt Nam không ngừng bơm tiền vào làng bóng, đẩy mức lương, thưởng của cầu thủ, rồi giá chuyển nhượng – giá lót tay của cầu thủ lên tới mức chóng mặt thì bây giờ mọi thứ không như thế nữa. Thời buổi kinh tế giảm sút, làm ăn buôn bán khó khăn cũng là thời mà chính sách “tiết kiệm hầu bao” được thực hiện ở một loạt đội bóng.

Ở phía Bắc, hai đại gia nổi tiếng là bạo chi như HN.T&T hay The Vissai Ninh Bình đang tính đến chuyện “cắt giảm nhân sự” với những cầu thủ chuẩn bị hết hợp đồng. Nghe đâu, nhiều cầu thủ hiểu vấn đề đã chủ động gặp lãnh đạo đề xuất một mức lót tay mới nhẹ hơn rất nhiều so với mức lót tay trước đây của mình, nhưng ngay cả những đề xuất như thế cũng không đảm bảo chắc chắn việc họ sẽ có một bản hợp đồng mới. Còn ở phía Nam, CLB Naivibank Sài Gòn nổi tiếng một thời với việc vung tiền mua cầu thủ, giờ thậm chí đang ở vào tình trạng nợ lương, thưởng, thậm chí nợ cả… tiền ăn. 

Rõ ràng thời buổi suy thoái kinh tế khiến cho sân chơi V.League và giải hạng Nhất không còn xuất hiện những mức lương – thưởng kỷ lục hay những bản hợp đồng chuyển nhượng bom tấn như trước nữa. Và với phần lớn các cầu thủ, những người đá quá quen với việc “nhận tiền trọn gói” thì đấy thực sự là một thực tế không như mong muốn. Tuy nhiên trong cách nhìn của một chuyên gia lão làng như ông Đoàn Minh Xương thì trong cái dở đôi khi lại nảy cái hay, và tình trạng thiếu tiền hiện nay đang tiềm ẩn những cái hay như thế.

Ông Xương phân tích: “Phải nói thẳng với nhau rằng cuộc chạy đua thương hiệu giữa các ông bầu những năm qua khiến giá cả cầu thủ đã bị đẩy cao hơn hẳn so với giá trị thực của họ, từ đó nhiều cầu thủ ảo tưởng vào mình, vào nghề, và chính sự ảo tưởng đó đã khiến họ trượt dốc. Nhưng bây giờ, khi các ông bầu không thể vung tiền như trước nữa thì cũng là lúc các cầu thủ sẽ tỉnh ngộ nhận ra mình thực sự đang ở đâu và giá cả thực của mình thực sự như thế nào. Và đấy là một sự tỉnh ngộ cần thiết để họ có thể phát triển một cách thực sự lành mạnh”!

Phan Đăng
.
.
.