Hai chữ “nếu” cho Hoàng Anh Tuấn

Thứ Năm, 27/06/2013, 09:02
Nhìn cái cảnh các CĐV Hải Phòng thi nhau đề nghị HLV Hoàng Anh Tuấn từ chức sau trận Hải Phòng thua thảm Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn tại vòng 12 V.League mà không khỏi cảm thương cho số phận của một thầy trẻ tài năng. Đến vòng 13 V.League, Hải Phòng không thua thảm nữa, mà hoà Sông Lam 1-1 tại thánh địa Lạch Tray, nhưng sau trận hoà ấy, gáng nặng trên vai Hoàng Anh Tuấn cũng không hề giảm sút.

Vẫn biết cuộc đời không có chỗ cho sự tồn tại của những chữ “nếu”, nhưng vẫn cứ phải “nếu” để thấy rằng nếu không có những chuyển biến liên tục, đột xuất vào phút chót, có thể cuộc đời cầm quân của Hoàng Anh Tuấn đã rất khác rồi. Đầu tiên là việc CLB Khánh Hoà đột nhiên được chuyển giao cho bóng đá Hải Phòng - khiến cả một sự nghiệp huấn luyện mà ông Tuấn gắng công xây dựng có nguy cơ đổ sông đổ bể.

Thực ra ở Khánh Hoà, Hoàng Anh Tuấn khởi nghiệp không hề suôn sẻ, nhưng vấn đề là ở đấy, ông có rất nhiều “ăng ten” để vừa có thể điều binh vừa có thể “ngửi mùi” và “trị mùi” cầu thủ. Ở một đời sống bóng đá mà chuyện cầu thủ ra sân với tâm trạng nào và với mục đích nào sẽ ảnh hưởng tối quan trọng tới kết quả trận đấu thì cái khả năng “ngửi mùi” và “trị mùi” của Hoàng Anh Tuấn dần dần chứng tỏ được quyền uy.

Người ta bảo ở Khánh Hoà nếu có ông cựu TTK VFF Trần Quốc Tuấn thuộc dạng “quan văn” thì riêng HLV Hoàng Anh Tuấn lại giỏi cả “văn lẫn võ”. Thế nên khi hay tin Khánh Hoà được chuyển giao thì cũng giống như một bộ phận cầu thủ khác, ông Tuấn hoang mang với tương lai nghề nghiệp của mình.

Đúng lúc ông Tuấn hoang mang thì cái ghế thuyền trưởng ĐTVN lại vô chủ sau sự ra đi của cựu tướng Phan Thanh Hùng. Thế là cả Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lẫn hai ông phó (từ phó chuyên môn Phạm Văn Tuấn đến phó truyền thông Nguyễn Lân Trung) đều “kết” Hoàng Anh Tuấn.

HLV Hoàng Anh Tuấn (giữa) đang gặp vô số khó khăn ở “đất dữ” Hải Phòng.

Và sau hàng loạt những cuộc bàn thảo thì ông Tuấn bước đầu đã nhận lời dẫn dắt ĐTVN, rồi sau đó trở thành HLV riêng cho Liên đoàn. Tiếc là sự việc gãy vào phút chót khi PCT tài chính Lê Hùng Dũng công khai lên báo nghi ngờ năng lực của ông Tuấn – cái hành động được nhận diện là đánh vào ông Tuấn thì ít, mà đánh vào những người đang ủng hộ ông Tuấn thì nhiều. Là mẫu đàn ông giàu lòng tự trọng, ông Tuấn tức thì lấy lý do “việc gia đình” để rút êm khỏi ghế thuyền trưởng ĐTVN. Và thế là ông chấp nhận về Hải Phòng – cái mảnh đất bóng đá mà nhiều năm qua luôn là “đất dữ” với những ông thầy ngoại tỉnh.

Ở Hải Phòng, ông Hoàng Anh Tuấn xây dựng một đội bóng “xác Hải Phòng, hồn Khánh Hoà” chính hiệu. Cái đội bóng mà khi nhìn vào chắc chắn là không nhiều chuyên gia cùng các CĐV Hải Phòng ưng ý. Cũng là cái đội bóng mà ai cũng bảo, ông Tuấn rồi sẽ khó trên khó dưới – khó hơn hẳn so với đội Khánh Hoà vốn là một phần ruột thịt của ông. Mà đến bây giờ thì đúng là khó thật khi từng đường đi nước bước của ông Tuấn đều bị soi kỹ càng. Và cảm giác như ở đây chỉ một sai lầm nhỏ thôi, ông Tuấn sẽ phải trả giá đắt và trả giá ngay, chứ không có cơ hội sửa sai làm lại.

Nhìn hình ảnh ông thất thần sau trận Hải Phòng thua thảm Xi Măng Xuân Thành 1-4, hay trận hoà Sông Lam 1-1 – những trận đấu mà Hải Phòng bị đánh giá là “chơi bóng rời rạc, thiếu đường nét” thì có thể hiểu áp lực trên vai ông  nặng nhọc nhường nào. Những người hiểu tình cảnh của ông và của bóng đá Hải Phòng lúc này nói rằng chỉ cần đội bóng “lún” thêm một, hai nhịp nữa thì khả năng ông Tuấn ra đi là rất lớn.

Nếu Khánh Hoà không được chuyển giao cho Hải Phòng thì sao ông Tuấn lại rơi vào cảnh nan giải nhường này? Hoặc ngay cả khi Khánh Hoà chuyển giao cho Hải Phòng rồi, nhưng ông Tuấn không về Hải Phòng, mà lại ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐTVN thì sao ông phải mướt mồ hôi như những gì mình đang mướt mồ hôi? Rõ ràng là những biến động bất ngờ, đột xuất của cả một đại cuộc (cái đại cuộc được tạo ra bởi những người có quyền sinh quyền sát ở phía trên ông Tuấn) đã khiến cho cuộc đời cầm quân của ông bỗng nhiên bị quặt từ đường quốc lộ vào một ngõ hẹp tối tăm.

Tại thời cuộc nó thế, hay tại số ông vất vả?

Diệp Xưa
.
.
.