Động lực để yên tâm cống hiến

Thứ Tư, 15/05/2019, 07:59
Từ ngày 14-6 tới, Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao sẽ có hiệu lực. Trong đó, quy định cụ thể về các chế độ, chính sách để thực hiện quyền của vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) thể thao thành tích cao. Đây được xem là cú hích, động lực để VĐV, HLV yên tâm cống hiến cho thể thao Việt Nam.


Bất cập chuyện tập huấn, thi đấu với học văn hóa

Từ nhiều năm nay, câu chuyện tự đi học để trả nợ môn học tại Trường Đại học Thể dục Thể thao (TDTT) hay chậm tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) trong giới VĐV đã trở thành “thường ngày ở huyện”. Thể thao Việt Nam mang nhiều đặc thù, khác với nhiều nền thể thao phát triển trên thế giới. Trong đó, việc tập huấn dài hạn ở nước ngoài để hoàn toàn tập trung vào chuyên môn, nâng cao thành tích là không thể khác. 

Đơn giản vì ở Việt Nam hầu như không có đối tượng “quân xanh” để giúp VĐV quen với cường độ thi đấu quốc tế cũng như nhận ra mặt yếu của mình. Ngoài ra, môi trường tập huấn ở nước ngoài cũng bảo đảm hơn về chế độ dinh dưỡng, thuốc men và quan trọng nhất là khiến VĐV giữ được sự tập trung cần thiết. Thế nên, trước nhiều giải đấu lớn, các đội tuyển phải đi tập huấn nước ngoài từ 1 tháng đến 3 tháng. 

Những VĐV như Quách Thị Lan sẽ yên tâm cống hiến cho thể thao Việt Nam sau khi Nghị định 36/2019/NĐ-CP có hiệu lực.

Thậm chí, ở nhiều môn, VĐV phải đi tập huấn thường xuyên hơn để luôn được cọ xát với các đối thủ mạnh do trong nước không có “quân xanh” tương xứng. Ngoài ra, trong hệ thống giải quốc nội, nhiều đội cũng chọn tập huấn ở các tỉnh khác dẫn đến VĐV không thể theo học văn hóa, đành xin học lại.

Còn việc phải thi đấu đúng thời điểm học văn hóa ở trường đại học hay THPT là khó tránh. Lúc ấy, nhiệm vụ thi đấu vì màu cờ sắc áo quốc gia hay thành tích của địa phương, đơn vị được ưu tiên hơn cả. Cho nên, VĐV thường chấp nhận học lại nhiều môn vào sau giải đấu và phải tự đóng học phí.

Thế nên mới có chuyện tân vô địch châu Á - 2019 nội dung chạy 400m rào nữ Quách Thị Lan ngay sau giải đấu đã phải đóng cả chục triệu đồng học phí học lại do bận tập huấn, thi đấu nên không theo kịp tiến độ chương trình Đại học TDTT. 

Còn nhà vô địch Taekwondo ở SEA Games – 2017 Hà Thị Nguyên cũng từng phải mất vài chục triệu đồng tiền học lại do bận tập huấn, thi đấu quốc tế. Tiền thưởng từ SEA Games cuối cùng cũng phải bù cho tiền học lại. Biết vậy, nhưng tất cả phải chấp nhận vì là quy định chung. 

Khi đã theo học Đại học TDTT trong thời gian còn thi đấu để có tấm bằng ngay sau khi giải nghệ, qua đó sớm có công ăn việc làm hoặc đáp ứng yêu cầu bằng cấp khi làm HLV thì họ không còn lựa chọn khác. Thế là có người phải mất 7-8 năm mới tốt nghiệp Đại học TDTT. 

Trong khi đó, nhiều VĐV khác dù đã sang tuổi 20 nhưng vẫn chưa tốt nghiệp THPT. Tất cả cũng bởi phải đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài hoặc thi đấu liên tục ở nước ngoài. Cuối cùng, đơn vị đành phải xin đặc cách cho tốt nghiệp.

Đấy là bất cập được nhiều người trong ngành chỉ ra. Ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) từng nhận định, việc các VĐV phải tự bỏ tiền túi trả học phí cho thời gian học bù chỉ vì tập huấn, thi đấu cho quốc gia, địa phương là bất cập. Họ sẽ khó toàn tâm toàn ý cho tập luyện, thi đấu nếu không được hỗ trợ kinh phí, thời gian cho việc học văn hóa.

Lối ra cho VĐV

Cuối tháng trước, Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao được ban hành trong sự hồ hởi của người trong ngành Thể dục Thể thao. Những sửa đổi, bổ sung trong Nghị định được xem là lối thoát cho nhiều VĐV vừa muốn học văn hóa vừa muốn đạt thành tích tốt cho thể thao Việt Nam.

Trong Nghị định nêu rõ, các VĐV đang học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triệu tập vào đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ngành để tập huấn và thi đấu thì được cơ quan sử dụng vận động viên chi trả học phí theo quy định của pháp luật. 

VĐV đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao quốc gia hoặc quốc tế được xét đặc cách tốt nghiệp trung học cơ sở, THPT nếu thời gian thi trùng với thời gian VĐV tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế.

VĐV, HLV đội tuyển thể thao quốc gia đã tốt nghiệp trung học phổ thông, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu Olympic Games, Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, ASIAD, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á, Cúp Đông Nam Á được ưu tiên: Tuyển thẳng trong tuyển sinh vào các ngành thể dục thể thao hoặc các chuyên ngành giáo dục thể chất của các trường đại học, cao đẳng; Cử tham gia các khóa đào tạo HLV, tham gia tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong nước và nước ngoài và được ưu tiên xem xét miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật.

Đón nhận tin này, chính những HLV thường đau đáu với việc học văn hóa của học trò cũng nhẹ người. Gần đây, Trưởng bộ môn cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng nhìn nhận: “Đây thực sự là cách giải quyết hợp tình, hợp lý, mang tính đột phá cho VĐV. Bộ môn cờ Hà Nội từng có và đang có một số VĐV trong hoàn cảnh vừa lo tập huấn thi đấu vừa phải lo học văn hóa. Với những thay đổi trên, chắc chắn các VĐV sẽ yên tâm tập luyện thi đấu. 

Còn chính chúng tôi cũng vơi nỗi lo”. Không chỉ bộ môn cờ, nhiều HLV ở các bộ môn khác của Hà Nội đều hào hứng với thay đổi trên và tin rằng các VĐV sẽ càng có động lực cống hiến cho thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội.

Một chính sách tốt sẽ mang đến những động lực cho người trực tiếp cống hiến. Vì thế, hoàn toàn có thể hy vọng vào những thay đổi tích cực của thể thao Việt Nam khi câu chuyện học văn hóa và tập luyện, thi đấu được giải quyết cơ bản.

Có tài năng cống hiến sẽ được ưu tiên tuyển thẳng

Theo Nghị định 36, VĐV, HLV đội tuyển quốc gia đã tốt nghiệp THPT được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu Olympic Games, Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Asiad, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á, Cúp Đông Nam Á được ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh vào các ngành thể dục thể thao, hoặc các chuyên ngành giáo dục thể chất của các trường đại học, cao đẳng.

Ngoài ra, các VĐV đoạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập; Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ. (Minh Nhật)

Minh Hà
.
.
.