Câu chuyện World Cup:

Đội tuyển Đức: Con thiên nga phải chết?

Thứ Tư, 04/06/2014, 10:29
Thuyền trưởng ĐT Đức Joachim Loew tự tin tuyên bố đội bóng của ông đang qui tụ những cầu thủ có chất lượng hàng đầu thế giới, và hoàn toàn có khả năng trở thành đội bóng châu Âu đầu tiên đoạt chức vô địch một kỳ World Cup được tổ chức ở Nam Mĩ. Ngay sau tuyên bố đó, Đức hoà nhạt và rất nhạt với Cameroon 2-2 trên sân của mình, và ngay sau đó, báo chí Đức đặt ra câu hỏi: Chúng ta có thực sự mạnh đến thế không?

Nhìn lại hai VCK World Cup gần đây nhất vào các năm  2006, 2010 - nơi ĐT Đức đều giành vị trí thứ ba, dễ thấy họ có một thành tích khá ổn định. Gắn liền với 2 kỳ World Cup này là hình ảnh một ĐT Đức được cách mạng theo hướng mềm mại, giàu sức tấn công, chứ không phải một ĐT Đức lầm lỳ như "cỗ xe tăng" mà người ta vẫn biết đến trong truyền thống. Nhiều người bảo cuộc cách mạng này bắt nguồn từ ý tưởng cá nhân của HLV trưởng ĐT Đức tại World Cup 2006 Jurgen Klinsmann, và được phát triển bởi người bạn, người đồng chí hướng với  Klinsmann là Joachim Loew. Nhưng cũng có người bảo với xu hướng xuất hiện của khá nhiều cầu thủ nhập tịch, và ngày càng tuyệt chủng những cầu thủ mạnh mẽ sắt thép theo kiểu Đức truyền thống thì ĐT Đức không "cách mạng" cũng không xong. Nhưng bất luận với lý do gì thì cuộc cách mạng ấy ban đầu cũng đem tới rất nhiều sự hứng khởi, và cả những hy vọng.

Nhưng nhìn cái cách Đức bị đánh bại ở bán kết 2 kỳ World Cup gần đây nhất người ta lại nhìn ra một sự thật khác: trong những thời điểm sống còn, mang tính quyết định của cuộc chơi, ĐT Đức đã không có được cái chất thực dụng, bản lĩnh như mình từng có trước đây. Và đến lúc này thì lại có câu hỏi được đặt ra: Đức có nên quay lại với hình ảnh có thể là gồ ghề, xấu xí nhưng rất bản lĩnh và rất khó đánh bại của mình trước đây?

Chủ nhân của những câu hỏi này còn thống kê rằng ngoại trừ sự thắng thế của ĐT Tây Ban Nha với triết lý Tiqui - Taca được xếp vào hàng siêu hạng ở kỳ World Cup 4 năm trước thì kể từ năm 1990 tới nay, tất cả những nhà vô địch World Cup đều bị tác động nghiêm trọng bởi tư duy thực dụng, mà ví dụ rõ nhất là trường hợp của Brazil. Hai lần Brazil vô địch vào các năm 1998, 2002 là hai lần mà đội bóng này được dẫn dắt bởi những "chuyên gia thực dụng" Carlos Anberto Parreira và Filipe Scolari.

HLV Joachim Loew sẽ có một kỳ World Cup rất đau đầu.

Thật ra thì đặt ra những vấn đề trên để cùng thấy và cùng hiểu về mặt trái của ĐT Đức hiện nay, chứ ai cũng hiểu là một ngày còn được dẫn dắt bởi Joachim Loew là một ngày ĐT Đức vẫn sẽ theo đuổi cuộc cách mạng mang tên cống hiến tới cùng. Cống hiến tới độ mà trong 21 trận gần nhất, Đức đã ghi cả thảy 80 bàn, đạt tỉ lệ bình quân trên 4 bàn/trận. Nhưng một ĐT Đức dễ ghi bàn cũng đồng nhất với ĐT Đức dễ bị đối phương ăn bàn, mà trận hoà 2-2 với kèo dưới Cameroon trên sân nhà mới đây là một ví dụ đầy sống động. 

World Cup 2014, nhiều khả năng sẽ là giải đấu cuối cùng của Joachim Loew trên ghế thuyền trưởng ĐT Đức. Và rất có thể đấy sẽ là một kỳ World Cup mà người Đức sẽ phải chứng kiến đoạn kết không mấy sáng sủa của một triết lý - một cuộc cách mạng mang màu sắc thiên nga?

World Cup 2014, con thiên phải chết và người Đức sớm muộn cũng sẽ trở lại với cái bản ngã lầm lì thực dụng như trong truyền thống bấy lâu của mình?

HLV trưởng ĐT Brazil cấm nhắc về bóng ma quá khứ

"Maracanazo" vốn là từ gắn liền với SVĐ Maracana nổi tiếng của Brazil, và đấy cũng là từ gợi lên thất bại đau đớn của Brazil trước Urugoay trong trận chung kết World Cup 1950 trên SVĐ này. Ai cũng biết theo thể thức thi đấu của World Cup ấy thì Brazil chỉ cần hoà là giành ngôi vô địch, và trong bối cảnh mà cả nước Brazil đã mở sẵn đại tiệc mừng ngôi vô địch thì đội bóng lại bại trận một cách tức tưởi. Tất cả những cầu thủ trong đội hình bại binh của Brazil đều bị chỉ trích nặng nề, riêng thủ thành Barbosa - người mắc lỗi nghiêm trọng trong bàn thua thứ 2 thậm chí đã bị nguyền rủa cả đời, và đã mất ở tuổi 49 trong cô đơn, nghèo đói.

Năm nay, khi Brazil làm chủ nhà của kỳ World Cup 2014 thì cái bóng ma 1950 lại được dư luận, báo chí Brazil gợi lên, và nói như một cầu thủ thì: "Không một cuộc phỏng vấn nào chúng tôi không bị hỏi về vấn đề khó chịu này". Theo chuyên gia tâm lý Regina của ĐT Brazil thì có thể đấy sẽ là một áp lực khủng khiếp đè lên các cầu thủ khiến họ không thể vào trận một cách thanh thoát nhất. Chính vì vậy mới đây HLV trưởng Scolari đã ra lệnh cấm các cầu thủ nhắc đến "Maracanazo" gắn liền với một trận chung kết đau đớn, bi kịch nhất trong lịch sử nền bóng đá nước mình.

Không hiểu các cầu thủ sẽ đón nhận và tiêu hoá lệnh cấm này ra sao, nhưng với một HLV nổi tiếng là sắt thép như Scolari, rõ ràng không mệnh lệnh nào là không thể!

Tráng Anh

Hiếu Hà
.
.
.