“Điểm huyệt” 6 vấn đề của đội tuyển Việt Nam nhìn từ trận ra quân

Thứ Hai, 24/11/2014, 10:06
Họp báo sau trận Việt Nam - Indonesia, HLV trưởng Toshiya Miura không trách các cầu thủ phòng ngự trong hai tình huống dẫn đến hai bàn thua. Nhưng có thể đó chỉ là một cách nói, cách phản ứng trước truyền thông dư luận, chứ thực bụng nhà cầm quân người Nhật hiểu điều gì đang diễn ra, và nếu mọi thứ vẫn diễn ra, rồi ông vẫn "không nhắc nhở, trách cứ" thì cái giá chúng ta phải trả là cực đắt.
>> Việt Nam - Indonesia 2-2: Hoà trong nuối tiếc

1. Tinh thần thi đấu rực lửa

Một ĐT Việt Nam với đội hình chính ra sân chỉ có độ tuổi trung bình 24,5 thực sự là một tập hợp trẻ trung, giàu nhiệt huyết - nơi mà cảm giác như tất cả các vị trí trên sân đều có khao khát thể hiện mình đến mức tối đa. Và điều ấy đã tạo nên một đội bóng với tinh thần thi đấu ngùn ngụt lửa, khác hẳn với hình hài một đội bóng nhợt nhạt, yếu đuối như ở kỳ AFF Cup 2 năm trước trên đất Thái.

Bên cạnh yếu tố trẻ trung và khát vọng cống hiến ở các cầu thủ thì một yếu tố khác giúp ĐT có một tinh thần thi đấu tuyệt vời đó là những chỉ đạo hết sức mạnh mẽ của HLV trưởng Miura ngoài đường piste. Không ai nghĩ một Miura với vẻ ngoài thư sinh, nho nhã lại có những tiếng hò hét cộng những động tác chỉ đạo máu lửa đến thế. Và đấy là những yếu tố cần tiếp tục được phát huy.

2. Cách dụng binh linh hoạt

Rất nhiều người, trong đó có lẽ có cả HLV trưởng ĐT Indonesia Alfred Riedl bất ngờ với một ĐT Việt Nam ra quân mà không có Tấn Tài ở khu trung tuyến. Lý do: Tấn Tài đeo băng đội trưởng và thường xuyên đá chính trong các trận giao hữu trước thềm AFF Cup. Người thay thế cho Tấn Tài là Hoàng Thịnh - một cầu thủ trẻ hơn, có khả năng tranh chấp, di chuyển nhiệt hơn đã giúp cho hàng tiền vệ của ĐT Việt Nam giành chiến thắng trong phần lớn những pha tranh chấp giữa sân.

Trong khi đó ở hàng tấn công, cầu thủ được đá chính bên cạnh Văn Quyết không phải là Anh Đức hay Công Vinh, mà lại là Hải Anh - một người có thể hình, thể lực tốt để sẵn sàng đón những pha tạt bổng từ hai biên. Công Vinh chỉ vào sân ở phút thứ 55 thay Hải Anh, và chính sự thay đổi đó đã tạo ra bước ngoặt, giúp ĐT Việt Nam có bàn nâng tỷ số. Hai trận giao hữu trước giải với Palestine và Malaysia, ông Miura cũng thường xuyên có những thay đổi nhân sự ở đầu hiệp 2, và sau mỗi thay đổi ĐT Việt Nam đều có bàn. Kết luận: cách dụng binh của ông thầy Nhật linh hoạt hơn so với những gì người ta vẫn tưởng.

Văn Quyết (giữa) - một trong những gương mặt ấn tượng nhất của ĐTVN ở trận ra quân. Ảnh: H.M.

3. Dám "xé" bài trong những thời điểm nhạy cảm

Không khó nhận diện kịch bản tấn công ưa thích của HLV Miura: bóng được triển khai sang hai biên, rồi từ đó các tiền vệ biên tạt vào trung lộ. Nhưng khi ĐT Việt Nam bất ngờ bị gỡ 2-2, và những miếng đánh biên cũng không còn là vũ khí bất ngờ thì những cầu thủ như Công Vinh đã dám "xé" bài bằng những pha đấm trực diện ở trung lộ.

Có tình huống Công Vinh đi bóng qua 3 cầu thủ Indonesia, rồi chọc trung lộ rất đẹp cho đồng đội thoát xuống đối mặt với thủ thành Indonesia - đấy là một tình huống mang nặng dấu ấn Latin thời Calisto. Theo chúng tôi, những tình huống "xé" bài như thế sẽ giúp các miếng công của ĐT trở nên đột biến hơn.

4. Lỗi cá nhân đáng trách 

Ở bàn thua đầu tiên của ĐT, trung vệ trẻ Đinh Tiến Thành đã có một tình huống đánh đầu hụt, khiến bóng tìm đúng chân cầu thủ Indonesia. Nhưng vấn đề của Tiến Thành trong tình huống này không chỉ là đánh đầu hụt, mà còn nằm ở tư tưởng đánh đầu. Xem kỹ tình huống này, có thể thấy Tiến Thành muốn đánh đầu trả bóng về gôn, nhưng nguyên tắc phòng ngự trong những tình huống tranh chấp nhạy cảm như thế này không cho phép hậu vệ đánh đầu về gôn, mà phải đánh đầu phá bóng lên trên, hoặc ra biên dọc.

Ở bàn thua thứ hai thì rất rõ ràng: thủ thành Nguyên Mạnh có đầy đủ thời gian, không gian để bắt gọn bóng sau một cú sút không nguy hiểm của cầu thủ Indonesia. Nhưng Nguyên Mạnh lại để bóng lọt qua khe 2 chân rất đáng trách - một lỗi lầm cơ bản, không đáng có của một thủ môn khoác áo ĐTQG...

5. Tâm lý thi đấu không ổn định

Trong lần đầu tiên khoác áo ĐTQG đá ở một giải đấu chính thức, nhiều cầu thủ như Vũ Minh Tuấn, Xuân Thành, Hải Anh cũng không giữ được một trạng thái thi đấu vững vàng. Nó thể hiện ở những cú sút vội vàng hoặc những pha vào bóng thiếu khôn ngoan. Nhưng có lẽ đây là một vấn đề tất yếu, và hy vọng là sau khi đi qua rào cản "đầu tiên" những cầu thủ này sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn để thích ứng tốt hơn với các hoàn cảnh khác nhau trong một trận đấu.

6. Lửng lơ dấu hỏi thể lực

Nhìn cái cách ĐT Việt Nam ào ạt dâng cao đội hình, đá nhanh, đá áp sát ngay từ đầu trận, một câu hỏi tất yếu xuất hiện: Chúng ta có đủ thể lực để đá khoảng 15 phút cuối trận hay không? Những gì diễn ra cho thấy câu trả lời là "có". Cái "có" ấy khả năng đến từ một cuộc cách mạng thể lực mà HLV Miura thực hiện thời gian qua, cộng thêm sự hưng phấn của những con người nhận được sự cổ vũ mạnh mẽ từ bốn phía khán đài.

Nhưng đấy mới chỉ là trận đấu đầu tiên. Ở các trận đấu dự đoán là không dễ dàng tới đây với Lào và Philippines - một đối thủ cho thấy là cũng rất ưu việt ở góc độ thể lực thì chúng ta còn đủ sức đá tấn công từ đầu tới cuối như vậy nữa không?

Chờ!

Chuyên gia Trịnh Minh Huế: Tất cả các bàn thắng đều không phải là sản phẩm đấu pháp

"ĐT Việt Nam đá máu lửa và tấn công ấn tượng - đấy là điều ai cũng đã thấy, nên không cần phân tích nhiều. Nhưng có khi bị cuốn vào nó mà người ta quên đi một câu hỏi:  Hiệu quả cuối cùng của lối chơi tấn công ấy ra sao?
Cứ xem kỹ lại đi, cả 2 bàn thắng ta ghi được đều bắt nguồn từ những cú đánh đầu phá bóng rất vô duyên của cầu thủ Indonesia. Nói cách khác, những đường chuyền quyết định dẫn đến 2 bàn thắng của ta đều do cầu thủ Indonesia "chuyền" cả. Riêng trong tình huống dẫn đến bàn thắng thứ hai của Công Vinh, trước khi cầu thủ Indonesia đánh đầu "chuyền" như đặt cho anh thì Văn Quyết đã phạm lỗi xô người, nhưng trọng tài không tuýt còi. Mà giả dụ Văn Quyết không phạm lỗi thì anh cũng rất khó chuyền bóng ngược trở lại trong tình huống này. Đến đây, một kết luận chuyên môn được rút ra: cả 2/2 bàn thắng của ta đều không phải là sản phẩm của đấu pháp, mà là sản phẩm toả sáng cá nhân kết hợp với những sai lầm của trọng tài và cầu thủ đối phương.

Ngoài ra tôi cũng thấy là ĐT Việt Nam đã chơi một thứ bóng đá tiêu hao quá nhiều năng lượng. Có thể đấy là ý đồ của ông Miura, nhưng tôi vẫn sợ là nếu cứ đá như thế này, những trận tới các cầu thủ sẽ mất sức hoặc bị chuột rút trong khoảng 10  phút cuối.

Bằng con mắt chuyên môn, tôi chỉ ra 2 vấn đề này không phải để hạ thấp ĐT, mà để chúng ta nhìn nhận vấn đề thật lý tính, từ đó rút kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt nhất trong các trận đấu tới đây. Nếu HLV Miura và các cầu thủ thấy đó là những điều khó nghe thì tôi thực tâm xin lỗi".

Diệp Xưa (ghi)

Phải thắng ĐT Lào 4 bàn cách biệt

Trong trận đấu đầu tiên của mình, Philippines đã thắng Lào 4-1, và hiện thời đang tạm dẫn đầu bảng A. Một kịch bản rất dễ xảy ra ở bảng đấu này, đó là Việt Nam, Indonesia, Philippines lần lượt hoà nhau, và khi ấy chỉ số phụ trong các trận đấu với ĐT Lào sẽ được xét đến. Để có chỉ số phụ tốt hơn Philippines trong trận đấu với ĐT Lào vào ngày mai, chúng ta phải giành chiến thắng với cách biệt ít nhất 4 bàn. Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng với thầy trò Miura.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.