Malaysia có đáng sợ không?!

Thứ Hai, 10/12/2018, 17:47

Sân Bukit Jalil là chảo lửa của người Malaysia, nơi mà nhiều đối thủ đã phải chùn chân khi tới đây. Và nhiều người đang rất lo ngại cho Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) ở trận chung kết lượt đi, giữa bầu không khí cuồng nhiệt của chảo lửa sức chứa gần 90 ngàn người này.


Bóng đá Malaysia đậm đầy kỷ niệm với bóng đá Việt Nam. 4 năm trước, những hooligan quá khích của Malaysia đã khiến CĐV Việt Nam phải đổ máu. Nhắc thế để hiểu, chảo lửa Bukit Jalil sẽ nóng thế nào. Nhưng điều đó không có nghĩa, sân khách sẽ là miền đất dữ. Cũng 4 năm trước, chúng ta đã thắng Malaysia 2-1 ngay tại sân khách, ở bán kết lượt đi.

Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia cũng đã rất cẩn trọng yêu cầu chính quyền Kuala Lumpur đảm bảo an ninh cho CĐV Việt Nam và chắc chắn, với những kinh nghiệm đã trải qua, sẽ khó có thể có gì đáng tiếc xảy ra. Còn đối với các tuyển thủ của chúng ta thì sao? Họ còn rất trẻ, liệu họ có chịu nổi áp lực của một vận động trường khủng khiếp như thế?

Thực chất, đã kinh qua nhiều cuộc chiến xa nhà, trước nhiều đối thủ được đánh giá hơn mình rất nhiều ở mọi điểm, lứa cầu thủ hiện tại của ĐTVN chắc chắn sẽ không ngần ngại một áp lực nào cả. Có thể, họ sẽ nhập cuộc hơi chậm một chút so với thường lệ, trước số lượng áp đảo của khán giả đội bạn. Nhưng nhìn vào thần thái của họ ở những ngày qua, nhất là trên sân tập, chúng ta có thể tin, họ chẳng sợ gì. Lứa cầu thủ hiện thời, nếu nói không ngoa, tuổi có thể trẻ nhưng bản lĩnh thi đấu thì có thể còn hơn lứa đàn anh của họ rất nhiều. Điều đó, không ít cựu tuyển thủ, hoặc đang là ngôi sao ở V-League hiện nay đã phải tâm phục khẩu phục.

Trận Việt Nam - Malaysia ở vòng bảng - Ảnh: LT 

Đó là về tâm lý thi đấu. Còn về chuyên môn thì sao? Malaysia có phải là một đội bóng nguy hiểm và đáng sợ như tất cả những gì mà giới chuyên môn lẫn người hâm mộ Việt Nam bàn luận mấy hôm nay, sau khi Malaysia xuất sắc và cả may mắn cầm hoà Thái Lan 2-2 ở sân Rajamangala, Bangkok hay không? 

Chúng ta cần phải nhìn vào thực tế là Thái Lan không mang đội hình mạnh nhất đến AFF Cup lần này. Thái Lan nhắm đến cái đích Asian Cup 2019 sẽ diễn ra vào tháng 1 tới đây, và xa hơn nữa là vòng sơ loại World Cup 2022. Thái Lan ở AFF Cup không có Dangda, không có Bunmathan, không có Songkrasin, Yooyen, Chatthong…, những cầu thủ giỏi nhất và dày dạn kinh nghiệm nhất của mình. Và bởi thế, Thái Lan không thể là thước đo cho chất lượng của Malaysia bởi nếu coi đó là thước đo, chúng ta đã thấy Phillippines thử lửa với Thái Lan ra sao rồi.

Tất nhiên, bóng đá không phải là phép toán theo kiểu A bằng B và C hơn A thì C sẽ thắng B. Bóng đá là toan tính, đặc biệt là ở các Vòng chung kết mà mỗi HLV cần phải giúp đội bóng của mình giải quyết tốt từng trận một. Và Malaysia có phải là đội bóng đáng sợ đến mức chúng ta phải e ngại đến thế hay không?

HLV Tan Chang-Hoe được coi là mang lại sức sống mới cho Malaysia nhờ vào lối chơi kiểm soát bóng và thực tế, từ đầu giải đến nay, trừ trận gặp Thái Lan ở Bangkok, Malaysia luôn là đội kiểm soát bóng nhiều hơn đối thủ. Song, kiểm soát bóng chỉ là một phần. Phần quan trọng hơn là bàn thắng. Kiểm soát bóng mà bất lực trước khung thành thì cũng thất thủ trước đối thủ chơi kiểm soát không gian tốt và tận dụng cơ hội một cách chắt chiu nhất.

Pha truy cản dũng mãnh của Văn Hậu trước Sumareh của Malaysia ở vòng bảng - Ảnh: LT 

Thực tế, Malaysia chơi ban chuyền ngắn, sử dụng các đường chuyền an toàn để giữ bóng càng chắc càng tốt. Ngoài ra, việc chủ trương ban chuyền ngắn giúp họ giữ cự ly đội hình rất gần nhau (các cầu thủ chơi cách nhau tối đa là 10m) để có thể bọc lót tốt nhất trong trường hợp bị tạo áp lực. Từ việc kiểm soát bóng ấy, họ xây dựng lối chơi, tổ chức lối chơi từ tuyến dưới, tập trung vào sự kiên nhẫn để từ từ đưa bóng tiếp cận khung thành đối phương. Với lối chơi này, hình khối đội hình, khả năng di chuyển để tạo thêm áp đảo quân số ở khu vực điểm nóng (khu vực có bóng) nhằm tạo lợi thế là yếu quyết chủ đạo của Malaysia. Và một khi họ thực hiện tốt yếu quyết, họ có thể là một đối thủ vô cùng nguy hiểm.

Nhưng điều cơ bản nhất là Malaysia lại không có những chân sút sắc bén. Họ tạo ra nhiều cơ hội nhưng phung phí đa số những cơ hội ấy vì khả năng dứt điểm vô duyên của mình. Đó chính là điểm yếu mà không cách gì một HLV, kể cả là bậc thầy, có thể khắc phục được trong vài ngày. Và điều đó cũng khiến những chú hổ Malaysia đã trở thành những chú hổ không còn nanh vuốt, thứ vũ khí đáng ngại nhất.

Như vậy, việc ĐTVN cần làm là phải chủ động kiểm soát tốt không gian, tạo ra các bẫy pressing để đoạt bóng của Malaysia một cách thông minh và đặc biệt khoá chặt khu vực trung lộ từ 20-30m trước mặt thành. Đây là khu vực mà khi một đội bóng bế tắc trong việc dàn xếp để thâm nhập vòng cấm sẽ thường tìm phương án sút xa. Và ĐTVN đã từng gặp nhiều sai lầm đáng tiếc khi để đối thủ sút xa trong các giải đấu gần đây. Khóa tốt khu vực ấy, đồng thời kiểm soát tốt không gian, chúng ta sẽ có được một nền tảng cơ bản để mở một thế trận tốt ngay trên sân khách.

Điểm mạnh của ĐTVN là khả năng tác chiến theo nhóm nhỏ của tuyến tấn công, kể cả khi có nhân sự ít hơn hàng thủ đối phương. Điểm mạnh này đến từ lối di chuyển thông minh của các tiền đạo và những động tác chuyền giấu ý đồ cực tốt của Quang Hải cũng như những pha đi bóng không đoán trước được của Công Phượng. Từ đầu giải đến nay, đã không ít lần chúng ta khiến khung thành đối phương chao đảo nhờ vào kỹ năng tác chiến độc lập, tác chiến nhóm nhỏ như vậy.

Bóng đá hiện đại ngày càng phát triển về chiến thuật, và phổ cập về những chiến thuật đổi mới nên các HLV hiện nay chú trọng vào phát triển kỹ năng tác chiến cá nhân của những cầu thủ nhiều hơn. Hãy hình dung, khi chỉ có 3 người đối đầu với 6 cầu thủ đội bạn chẳng hạn. Đó là thế đối đầu khó của bóng đá cách đây dăm năm nhưng với kỹ năng cầu thủ hiện thời, chỉ một đường tỉa bóng thông minh thôi cũng đủ loại bỏ 2-3 đối thủ phong tỏa mình. Điều đó ĐTVN có còn Malaysia thì chưa thấy thể hiện ra. Và bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, chẳng có gì để sợ Malaysia cả.

Và chốt lại, không có gì hay hơn là lời nhắn nhủ chung tới các cầu thủ của HLV Nguyễn Đức Thắng, người hiểu rất rõ những cầu thủ như Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu… Trước trận lượt về gặp Phillippines, khi cũng nhiều người cảm thấy lo sợ cho ĐTVN, Đức Thắng đã từng nói rằng “Hãy bỏ ngoài tai mọi bình luận khen chê, tập trung mà chơi bóng. Nghe tâng bốc nhiều thì dễ tự mãn. Nghe chê bai nhiều thì lo sợ. Còn ai sợ thì ở nhà, tắt TV đi, đừng xem”.

Hà Quang Minh
.
.
.