Một góc nhìn từ vòng 1/8 Champions League, Chelsea - PSG (2-2):

Cửa tử, cửa sinh, và trò chơi thượng đế...

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:16
Cửa tử mở ra cho PSG ngay sau trận lượt đi, khi bị Chelsea cầm chân 1-1 trên sân nhà. Cửa tử tiếp tục mở ra cho PSG sau khi tiền đạo chủ lực Ibrahimovic nhận thẻ đỏ rời sân ở phút thứ 31 trong trận lượt về trên sân khách rạng sáng qua. Và cửa tử lên đến đỉnh điểm khi Cahill rồi Hazard lần lượt ghi bàn cho Chelsea. Thế mà cuối cùng PSG sống, Chelsea chết hận.

Người đặc biệt Jose Mourinho giải thích về sự chết hận này: "Khi đối phương chưa bị thẻ đỏ, chúng tôi chưa phải mang áp lực chiến thắng nên rất dễ bày trận để hướng tới tỷ số có lợi (chỉ cần hoà 0-0 Chelsea sẽ vào tứ kết với lợi thế có 1 bàn trên sân khách ở lượt đi - PV), nhưng khi họ bị đuổi người thì khác. Khi ấy họ chẳng còn gì để mất, còn chúng tôi lại đứng trước đòi hỏi phải thắng bằng mọi giá. Và điều gì đã diễn ra thì mọi người đều thấy cả". Đâu đó trên những diễn đàn Internet có ý kiến trách Mourinho giải thích kiểu... chí phèo. Nhưng có trực tiếp chứng kiến những biến động binh tình nhỏ nhất của trận đấu này mới thấy ông ta có lý.

Cầu thủ PSG đã làm nên một trận cầu không tưởng.

Cho đến trước khi bị đuổi người PSG làm được gì? 10 phút đầu tiên họ đã đứng vững trước lối tấn công nhanh - mạnh đến bất ngờ của Chelsea. Nhưng khoảng 20 phút sau, khi Chelsea lùi xuống đá bài phòng ngự 1/3 sân sở trường, nhường đất cho cầu thủ PSG tràn lên thì đội bóng nước Pháp bất lực trông thấy.

Mà cũng chẳng có gì bất ngờ, bởi một khi những đội bóng do Mourinho dẫn dắt đã chủ trương phòng ngự thì các đối thủ rất khó ghi bàn. Nhưng đùng một cái Ibrahimovic ăn thẻ đỏ vô duyên, và chính cái thẻ đỏ mang tính bước ngoặt ấy đã khiến Chelsea đẩy cao đội hình với ý nghĩ có thể thắng nhanh, thắng đậm. Và chính cái lúc Chelsea đẩy cao, hai hậu vệ biên thường xuyên để mất vị trí lại là lúc cái đội hình thiếu người của PSG tạo ra những cơ hội phản công chết người.

Rất nhiều lần PSG phản đòn theo trục dọc từ giữa sân trước khi tỉa sang hai nách cho tiền đạo Cavani băng xuống, và trong một pha phối hợp như thế, khi đã đi qua cả thủ thành Courtois thì Cavani lại sút bóng trúng cột dọc ra ngoài.

Rõ ràng, diễn biến trận đấu cho người xem một cảm giác: nếu PSG đủ người, đồng nghĩa với việc Chelsea chủ trương phòng ngự chiều sâu thì "cửa" ăn bàn cho đội bóng nước Pháp gần như không có. Nhưng khi PSG thiếu người, khi Chelsea chủ trương dâng lên thì hoặc là PSG sẽ vỡ nhanh, hoặc là họ sẽ tận dụng được những khoảnh khắc sơ hở của hàng phòng ngự Chelsea để ăn bàn. Và thượng đế đã chọn kịch bản thứ hai.

Nhắc đến vai trò của thượng đế là vì cả 2 bàn của PSG lẫn 2 bàn của Chelsea trong trận đấu này đều mang dấu ấn khoảnh khắc với những sự may rủi rất điển hình của bóng đá, của cuộc đời, chứ không hẳn là sản phẩm của một chuỗi những sự phối hợp bài bản, lớp lang. Nhớ lại mà xem, hai lần Luiz và Silva bật cao đánh đầu ghi bàn cho PSG là hai lần quả bóng xuất phát từ chấm phạt góc, còn hai lần ghi bàn của Chelsea thì lần một đến từ khả năng tận dụng cơ hội của Cahill, lần hai đến từ một quả Penalty, sau khi trung vệ chủ lực PSG giơ tay với bóng ngờ nghệch trong vòng cấm.

Rạng sáng qua, khi bóng chưa lăn, không ai nghĩ một Chelsea đang bừng bừng khí thế ở tất cả các mặt trận lại có thể bị loại bởi một PSG đang gặp nhiều trục trặc. Và khi bóng đã lăn, khi cầu thủ PSG bị thẻ đỏ, rồi khi Chelsea hai lần vươn lên dẫn trước thì người ta càng có cơ sở để tiếp tục nghĩ như vậy. Thế mà cái người ta nghĩ lại khác và rất khác với cái thượng đế nghĩ.

Rạng sáng qua, thượng đế trêu ngươi con người bằng cách bày ra một cửa tử, rồi cứ thế mở toang cánh cửa đến mức tưởng như không thể nào khép lại. Vậy nhưng chỉ trong một  khoảnh khắc - cái khoảnh khắc ngắn bằng một pha bật nhảy và một cú đánh đầu không tưởng của Silva thì cái cửa ấy lại đóng sập, và một cửa sinh kỳ diệu vút lên.

Sau 90 phút sinh tử có thể khiến người ta vỡ tim mà chết, nên ghét hay yêu thượng đế?

Phan Đăng
.
.
.