Cử tạ Việt Nam đi tìm vé dự Olympic 2020: Đường dài còn lắm thách thức

Thứ Hai, 29/04/2019, 08:47
Hôm qua, 28-4, giải vô địch cử tạ châu Á năm 2019 đồng thời là giải đấu tích điểm tham dự Olympic 2020 đã kết thúc tại Trung Quốc. Cử tạ Việt Nam ra về với cả chức vô địch châu Á cùng những tấm Huy chương bạc (HCB) và Huy chương đồng (HCĐ). Tuy nhiên, khi tấm vé tham dự Olympic 2020 vẫn còn chưa chắc đến tay đô cử Việt Nam thì nỗi ưu tư vẫn còn đó.


Thể thức thay đổi

Tại giải lần này, đô cử Hà Nội Vương Thị Huyền là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thành phần đội tuyển Việt Nam. Đơn giản, cô đã giành tới 3 Huy chương vàng (HCV) tại hạng 45kg nữ, mang về niềm vui cho cử tạ Việt Nam cũng như thể thao Hà Nội. Ngoài Vương Thị Huyền, cử tạ Việt Nam còn giành 2 Huy chương bạc bởi đô cử khác của Hà Nội Nguyễn Thị Vân ở hạng 71kg nữ (cử đẩy và tổng cử), 4 HCĐ bởi Thạch Kim Tuấn (hạng 61kg nam, cử giật), Khổng Mỹ Phượng (hạng 45kg nữ, cử giật), Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ, cử giật), Nguyễn Thị Vân (hạng 71kg nữ, cử giật).

Nếu chỉ xét về huy chương, rõ ràng Vương Thị Huyền đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cô gái đang đầu quân cho cử tạ Hà Nội vẫn không hài lòng với chính mình. Dòng trạng thái trên trang cá nhân của cô đã thể hiện tất cả: “Dù là Vàng nhưng sẽ vui hơn nếu như hoàn thành được mục tiêu đề ra. Con xin lỗi thầy, cô và bác, con đã chưa thể hiện được hết thành tích của con trong tập luyện, thành tích lại kém hơn giải trước. Con xin lỗi! Con hứa sẽ cố gắng hơn, rút kinh nghiệm ở giải sau”. – Vương Thị Huyền viết.

Đô cử Vương Thị Huyền đang có nhiều khả năng tham dự Olympic 2020.

Đằng sau đó là cả câu chuyện về sự thay đổi trong cách tuyển chọn vận động viên tham dự Olympic. Ở các kỳ Olympic trước, việc xét tuyển chọn vận động viên tham dự phụ thuộc vào thành tích đồng đội của đội tuyển ở các giải đấu do Liên đoàn cử tạ thế giới chỉ định. Những tấm HCV, HCB, HCĐ và thành tích khác sẽ được quy ra điểm để xét thứ hạng đồng đội, từ đó biết rằng các quốc gia sẽ có bao nhiêu đô cử được tham dự Olympic. 

Thế nhưng, đến kỳ Olympic 2020 này lại có những thay đổi lớn. Theo đó, những tấm HCV, HCB, HCĐ chưa chắc đã là bảo đảm cho tấm vé tham dự Olympic. Việc vận động viên có đoạt vé hay không phụ thuộc vào thành tích cá nhân tại các giải đấu tích điểm tham dự Olympic. Thành tích ấy không hẳn là những tấm HCV, HCB, HCĐ mà là kết quả cụ thể tại hạng cân đó. Kết quả thi đấu càng cao thì càng tích được điểm nhiều hơn. 

Như ở giải châu Á này, lý do khiến Vương Thị Huyền chưa hài lòng với bản thân chính là chỉ đạt mức tổng cử - tiêu chí để xét tích điểm dự Olympic của vận động viên, ở mức 168kg. Trong khi đó, hồi đầu năm nay, tại Cúp cử tạ thế giới 2019 - cũng là vòng loại Olympic 2020, thành tích tổng cử của cô là 170kg. 

Nếu tại giải vô địch châu Á, Vương Thị Huyền giành thành tích tốt hơn mức 170kg mới được xem là thành công trọn vẹn. Thế nên, nhà vô địch châu Á mới đầy tâm sự như vậy. Theo ông Nguyễn Huy Hùng – Trưởng bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT), việc thay đổi cách xét chọn vận động viên tham dự Olympic 2020 đặt ra nhiều thách thức cho các đô cử Việt Nam. Vì thế hoàn toàn có thể chia sẻ với tâm trạng của Vương Thị Huyền.

Nỗ lực giành vé

Đến lúc này, nếu căn cứ theo kết quả tại các giải đấu vòng loại Olympic 2020 vừa qua của các đô cử Việt Nam (giải vô địch thế giới 2018, Cúp thế giới 2019, giải vô địch châu Á 2019), chỉ có Vương Thị Huyền đang chứng tỏ có thể giành vé tham dự Olympic. 

Cô hoàn toàn có khả năng vào nhóm 8 đô cử hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Liên đoàn cử tạ thế giới, sẽ công bố vào năm sau. Hoặc chí ít, cô có thể giành 1 suất của châu Á cho những đô cử không trong nhóm 8 đô cử hàng đầu thế giới. Một thuận lợi của cô là sự vắng mặt của các vận động viên Thái Lan tại vòng loại Olympic 2020. Điều này càng củng cố cơ hội tham dự Olympic 2020 của Huyền – vốn luôn trong nhóm 8 đô cử hàng đầu thế giới ở các hạng cân nhẹ mà cô tham dự.

Tất nhiên, mục tiêu của Vương Thị Huyền sẽ không hẳn là giành vé dự Olympic mà còn có thể là tấm huy chương Olympic – từng tưởng như trong tầm tay cô tại Olympic 2016. Tuy nhiên, ngay lúc này, cô sẽ phải hướng đến những kết quả tốt hơn thời gian vừa qua để chắc chắn giành vé dự Olympic 2020.

Trong khi đó, cơ hội của các đô cử Việt Nam khác lại khá chông chênh. Ngay như Thạch Kim Tuấn – từng là ứng cử viên đoạt huy chương tại Olympic 2016, cũng chưa chắc giành vé khi kết quả thi đấu tại các vòng loại vừa qua không thể vượt qua được các đối thủ sừng sỏ của thế giới.

Tuy nhiên, cơ hội sẽ đến với đô cử này nếu các vận động viên của Trung Quốc không tham dự Olympic 2020 ở hạng 61kg nam để tham dự các hạng cân khác. Lý do là Liên đoàn cử tạ thế giới khống chế các nước cử vận động viên tham dự. Mỗi nước chỉ có tối đa 4 vận động viên nam, 4 vận động viên nữ tham dự nên dù đủ điểm tham dự tại các nội dung thì các quốc gia cũng phải chọn lựa. 

Trong các nữ vận động viên còn lại, Hoàng Thị Duyên cũng là cái tên gây chú ý. Cô gái người Lào Cai được xem là có khả năng gây đột biến nhưng có lẽ vẫn phải đợi vận may như trường hợp của Thạch Kim Tuấn.

Ông Nguyễn Huy Hùng – Trưởng bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) nhận định: “Cho đến lúc này, cơ hội vẫn mở ra với các đô cử Việt Nam. Đã có những thay đổi trong cách đầu tư để các đô cử Việt Nam hoàn thành mục tiêu và kết quả trong thời gian tới sẽ trả lời”. Nhưng rõ ràng, để cử tạ Việt Nam giành được 4 vé tham dự Olympic 2020 như kỳ Olympic 2016 cũng không đơn giản.

Lần đầu và chưa có lần thứ hai

Tại Olympic 2018, đô cử Hoàng Anh Tuấn đã giành HCB hạng 56kg. Đó là tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Từ đó đến nay, trong hai lần tham dự Olympic 2012 và 2016, cử tạ Việt Nam đều lỗi hẹn với tấm huy chương Olympic dù có không ít cơ hội. Vì thế, Olympic 2020 đang được hy vọng sẽ giúp cử tạ Việt Nam lần thứ hai giành huy chương tại Olympic.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.