Con tắc kè “Brazil”

Thứ Tư, 25/06/2014, 16:20
"Ở Brazil, trận gặp Cameroon là sự giải phóng. Họ tươi cười, chứ không... "khóc" vật vã vì xúc động. Nhưng đó chỉ là sự giải phóng tạm thời mà thôi".

L.Trung: Hôm trước mình có trao đổi với nhau về chuyện Brazil có đá đẹp hay không. Câu trả lời có rồi đấy. Brazil đã cho thấy họ hoàn toàn có thể nhảy múa.

Đức Hoàng: Trước một Cameroon cứng nhắc? Tôi e rằng với Cameroon sáng qua, có lẽ Costa Rica cũng có thể nhảy múa. Anh định dùng trận đấu đó, đối thủ đó, để biện minh cho cả một giai đoạn, một triết lý đã được thể hiện trong suốt sự nghiệp của Scolari?

L.Trung: Đó là bằng chứng cho thấy, Brazil vẫn chưa và không thể đánh mất bản chất nghệ sĩ của mình. Câu chuyện ở đây là họ có thể “chơi bóng”. Chỉ vì sức ép mà họ phải tạm quên bản năng của mình.

Đức Hoàng: Đó là điều tôi không phủ nhận. Nhưng câu hỏi tôi muốn đặt ra là: Tại sao phải đến khi gặp một đối thủ như Cameroon, họ mới "được" chơi thứ bóng đá ấy?

L.Trung: Hãy hỏi ngược lại: Tại sao Brazil lại chọn Cameroon để chơi thứ bóng đá ấy? Khi ấy, câu trả lời sẽ dễ dàng và chính xác hơn: Sự ám ảnh thành công khiến Brazil phải thay đổi. Lúc này, họ có thể tùy biến theo cách họ thích, theo từng trận đấu cụ thể.

Đức Hoàng: Nếu tôi không nhầm, anh từng ủng hộ việc Brazil đuổi theo thành tích bằng thứ bóng đá thực dụng và khô cứng trong lần tranh luận trước của chúng ta. Bây giờ tôi muốn hỏi, cảm tính thôi, rằng anh thích thứ bóng đá nào hơn? Và tại sao họ chơi bóng đá đẹp cũng hiệu quả như thế, mà cả anh, cả Scolari đều cho rằng nên chơi thứ bóng đá thực dụng khô khan?

L.Trung: Ai cũng thích xem đá bóng đẹp, nhưng không thể cứ bay bổng một cách mù quáng. Như ĐT Nga, Argentina hay Hà Lan vậy. Họ chỉ chơi hay khi tư tưởng được giải phóng. Ở Brazil, trận gặp Cameroon là sự giải phóng. Họ tươi cười, chứ không... "khóc" vật vã vì xúc động. Nhưng đó chỉ là sự giải phóng tạm thời mà thôi.

Đức Hoàng: Vậy anh cho rằng cái việc mà lúc thế này, lúc thế nọ, mỗi ngày một phong cách có thể đưa Brazil đến ngôi cao nhất được không?

L.Trung: Vấn đề đang được đẩy sang một khái niệm khác. Brazil không phải "lúc thế này, lúc thế nọ", mà là sự đa dạng về phong cách. Một trận đấu thăng hoa cũng đủ mang lại cảm xúc, rất có ích để nuôi dưỡng sự hưng phấn. Vì thế mới nói, đó chỉ là sự "giải phóng tạm thời". Một con thằn lằn biết tự điều chỉnh màu sắc thân thể theo môi trường cũng là thứ vũ khí lợi hại mà chỉ nó có được.

Đức Hoàng: Đội gần nhất chọn chơi bóng với 2 phong cách tại World Cup chính là Đức. Họ đã đá một thứ bóng đá tốc độ như lên đồng ở các trận đầu World Cup 2010, "làm nhục" Anh và Argentina. Nhưng đến trận bán kết gặp Tây Ban Nha, "con tắc kè" Đức đã quyết định chơi bóng đá kiểu Đức truyền thống, cù nhầy, chậm chạp chờ đối phương phạm sai lầm. Họ thua. 

L.Trung: Bất kì quan điểm nào cũng có mặt trái. Đức đã sai khi chọn cách chơi mà những con người của họ không ai quen với nó, và họ phải trả giá. Đó là chưa nói đến hoàn cảnh thực tế TBN lúc đó quá mạnh. Còn ở đây, Brazil biết phải thực dụng lúc nào, vẽ vời lúc nào. Tôi chắc rằng, ở vòng 1/8, dù đối thủ là Chile, Brazil cũng sẽ không nhảy múa. Vì thế, cứ thụ hưởng cái đẹp đi, dù chỉ trong thoáng chốc.

Đức Hoàng: Điều đó chưa thể được khẳng định ngay lúc này, tôi e quá sớm. Mà ngay cả trong trường hợp ông Scolari "biết" phải đá thế nào, thì mọi thứ vẫn trông chờ vào cá nhân Neymar. Anh thấy đấy, nếu có điều gì mang tính quy luật sau 3 trận vòng bảng của Brazil thì đó chính là phong độ của Neymar quyết định phong độ của cả đội. Thay vì tung hô Brazil, tôi lại thấy lo cho họ.

L.Trung: Nếu nói Neymar ghi bàn và Brazil thắng thì đúng, nhưng nói Neymar chơi hay Brazil mới thắng thì chưa đúng. Bởi trận đầu tiên, ngôi sao là Oscar chứ không phải Neymar. Tôi không phủ nhận vai trò của Neymar, nhưng họ rất khác BĐN. Đó là lí do tại sao Brazil có sự đa dạng và có sức mạnh nội tại.

Đức Hoàng: Anh nói rằng Brazil có sức mạnh nội tại, và cho rằng cái sức mạnh nội tại ấy cho phép họ "biến màu" qua từng trận. Tôi lại cho rằng sức mạnh nội tại là khi người ta tin vào những gì mình đang làm, chứ "biến màu" thật ra lại là sự dao động trong tâm lý.

L.Trung: Được Cứ chờ đến ngày 13/7 xem chúng ta ai đúng, ai sai!

L.Trung (ghi)
.
.
.