Chung kết Euro 2012: Lời nguyền màu thiên thanh...

Chủ Nhật, 01/07/2012, 12:14
Có một sự thật không thể phủ nhận rằng trong khi con đường vào chung kết của Tây Ban Nha khó khăn, ì ạch hơn so với những gì người ta tưởng tượng, thì Italia lại càng đá càng hay, và trận bán kết trên chân người Đức là đỉnh cao của cái hay...

Nếu thắng Italia trong trận chung kết Euro thứ hai liên tiếp của mình, Tây Ban Nha sẽ chính thức bước qua lời nguyền về việc nhà ĐKVĐ Euro không thể bảo vệ  chức vô địch ở mùa Euro kế tiếp. Nhưng trước những đôi chân màu thiên thanh Italia càng thi đấu càng chứng tỏ một sự tinh quái cao độ, Tây Ban Nha liệu có thể bước qua lời nguyền ấy? Trận chung kết rạng sáng mai, với riêng ĐT Tây Ban Nha, và với cả cái “xã hội bóng đá châu Âu” nói chung, rõ ràng có một lời nguyền thiên thanh không dễ gì hóa giải…

So với Euro 4 năm về trước, Tây Ban Nha bây giờ đã yếu đi. Yếu không chỉ vì những cầu thủ mà 4 năm trước ở vào độ chín của sự nghiệp giờ đã già đi và đã xuống sức trông thấy, mà còn vì 4 năm trước Tây Ban Nha có một “chúa nhẫn” Villa sắc sảo, một chân tiền Torres mạnh mẽ trên đỉnh đầu hàng công. Euro này, khi Villa không thể tham dự vì chấn thương, khi Torres không còn là Torres thời đỉnh cao, khi những tiền đạo khác như Negredo dù được tạo cơ hội vẫn không thể chứng tỏ được giá trị, thì HLV Del Bosque đã buộc phải chơi một sơ đồ 4-6-0, một sơ đồ không tiền đạo.

Thế nhưng, cái yếu và cái thiếu của Tây Ban Nha so với 4 năm trước không chỉ nằm ở  “vấn đề tiền đạo”, mà còn nằm trong sự vận hành của cả một bộ máy nói chung. Trận quyết tử với Croatia ở vòng đấu bảng và 120 phút quyết tử với Bồ Đào Nha ở vòng bán kết chứng tỏ rằng: một khi đối thủ phòng ngự số đông, rồi đá áp sát, đá quyết liệt ngay từ tuyến hai, thì hàng tiền vệ giàu kĩ thuật của Tây Ban Nha – nơi có những cái tên trứ danh như Xavi, Iniesta, Silva… gần như … “tắt điện”. Và khi mà hàng tiền vệ - trung tâm chỉ huy của lối chơi tiqui - taca “tắt điện”, thì Tây Ban Nha không còn là một Tây Ban Nha mềm mại, giàu biến hóa như vẫn thấy.

Vấn đề đặt ra là trận chung kết với Tây Ban Nha, Italia có thể chơi như cách mà Croatia hay Bồ Đào Nha đã chơi khi đối đầu với nhà ĐKVĐ Euro hay không? Nếu nhìn vào cuộc gặp gỡ Italia -– Tây Ban Nha ở vòng đấu bảng thì câu trả lời là: Italia không những có thể đá như Croatia, Bồ Đào Nha trong vấn đề phòng ngự, mà còn làm được cái điều cả Croatia lẫn Bồ Đào Nha không làm được: luôn có những pha phản công sắc sảo, để trở thành đội bóng duy nhất cho tới lúc này ghi được bàn thắng vào lưới Tây Ban Nha trong 90 phút thi đấu chính thức.

Có một sự thật không thể phủ nhận rằng trong khi con đường vào chung kết của Tây Ban Nha khó khăn, ì ạch hơn so với những gì người ta tưởng tượng, thì Italia lại càng đá càng hay, và trận bán kết trên chân người Đức là đỉnh cao của cái hay. Trận đấu mà Italia đã bùng nổ với một cú đúp của “gã điên” Balotelli, cũng đồng thời là trận đấu mà Italia cho thấy một khi cầu thủ được ví như linh hồn trong lối chơi của mình - tiền vệ Pirlo bị bắt chặt, thì họ vẫn có thể tạo đột biến từ những cầu thủ khác, mà Montolivo là một cái tên điển hình.

Hai nhạc trưởng Pirlo (trái) và Xavi hứa hẹn sẽ tạo nên một trận chung kết giàu cảm xúc.

Sẽ không khó dự đoán rằng trong trận chung kết rạng sáng mai, Italia sẽ vẫn tiếp tục đá phòng ngự - phản công, còn Tây Ban Nha vẫn sẽ tấn công, nhưng chắc chắn không tấn công nhanh, tấn công ào ạt vì sợ ăn banh phản đòn. Và như thế, khu trung tuyến sẽ là một “quyết chiến điểm” đúng nghĩa. Trong cuộc “quyết chiến điểm” này không loại trừ khả năng sẽ có cầu thủ phải rời sân vì thẻ phạt, và nếu đúng vậy, bước ngoặt trận đấu sẽ xuất hiện từ đây.

Italia – Tây Ban Nha, nó là trận chung kết giữa hai đội bóng kỳ phùng địch thủ, một trận đấu mà mọi dự đoán trước giờ bóng lăn đều có thể trở nên lố bịch chỉ sau một tích tắc xử lý bóng của cầu thủ hai bên. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn mạo hiểm dự đoán chiến thắng sẽ thuộc về Italia, ngay trong 90 phút, vì cảm giác như từ đầu giải, cỗ máy Italia vận hành trơn tru hơn đối thủ, và cũng vì cái “lời nguyền màu thiên thanh” cho nhà ĐKVĐ Euro có lẽ vẫn sẽ kéo dài, giống như rất nhiều những lời nguyền khác đã và đang được kéo dài trong một thế giới bóng đá rất logic, nhưng cũng rất kỳ bí, lạ lùng này…

HLV trưởng ĐT Italia Prandelli: “Không việc gì phải sợ hãi Tây Ban Nha”

Nếu ai đó hỏi tôi Italia có sợ Tây Ban Nha hay không thì tôi sẽ trả lời ngay rằng: “Không có lý do gì mà phải sợ hãi cả”. Tất nhiên, tôi thừa nhận Tây Ban Nha là một đội bóng mạnh với rất nhiều cầu thủ kĩ thuật, có khả năng tạo đột biến cao, nhưng tất cả đều đã xem chúng tôi đá với Tây Ban Nha ở vòng đấu bảng rồi đấy. Kể từ trận đấu này, Italia mỗi lúc một hoàn thiện hơn, và tính đến thời điểm này đã thực sự tự tin để chinh phục ngôi vô địch.

Sau trận bán kết với Đức, tôi có một chút lo ngại với những chấn thương của Balotelli và Cassano, nhưng hiện tại cả hai cầu thủ này đều có thể vào sân thi đấu ngay từ đầu, và vì vậy chúng tôi đã có thể ra sân với một đội hình mạnh nhất.

Trong bóng đá, dĩ nhiên chẳng có gì là chắc chắn cả, nhưng điều quan trọng là chúng tôi đang có một niềm tin rất lớn vào năng lực của mình. Với niềm tin ấy, tôi hy vọng Itlaia sẽ chơi một trận đấu để đời.

HLV trưởng ĐT Tây Ban Nha Del  Bosque: “Cơ hội cho hai đội là 50-50”

Trước cuộc tái đấu với Itlia, rất nhiều người hỏi tôi có hối hận không khi ở trận đấu cuối cùng tại vòng đấu bảng, chúng tôi đã không “bắt tay” Croatia để thiết lập tỷ số hòa 2-2 hòng loại Italia khỏi cuộc chơi, tôi trả lời rằng: “Không bao giờ tôi hối hận về điều ấy”. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải chơi bóng một cách mẫu mực, chứ không phải là toan tính một cách phi thể thao để loại những đối thủ lớn của mình. Do đó, tôi thấy rất thoải mái khi gặp lại Italia trong trận chung kết.

Tôi đã nghiên cứu rất kỹ Italia và thấy rằng họ có một hàng hậu vệ 4 người chơi rất chặt chẽ, cũng có những cầu thủ làm bóng rất tài hoa, mà Pirlo là cái tên nổi bật. Nhưng tin tôi đi, chúng tôi cũng có sức mạnh riêng của mình, và do đó, tôi nghĩ rằng cơ hội chiến thắng cho hai đội là 50 -50.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.