Chức vô địch U.19 của bóng đá Thái Lan: Lối chơi chiến lược và đẳng cấp

Chủ Nhật, 06/09/2015, 07:18
Điểm sáng lớn nhất của U.19 Thái Lan tại giải vô địch U.19 Đông Nam Á mới đây không hẳn là trận chung kết thắng Việt Nam 6 bàn, cũng không hẳn là việc họ đã trả được "món nợ" mình từng nợ lứa U.19 của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh 2 năm về trước, mà là một lối chơi mang tính chiến lược rất cao.


Tính chiến lược được thể hiện ở việc U.19 Thái đá rất giống với U.23 Thái và cả ĐTQG Thái. Ai cũng biết, HLV trưởng của ĐT U.23 và ĐTQG Thái Lan là HLV Kiatisak, và dưới thời "Sắc" cả hai ĐT này đều chơi bóng nhanh, kĩ thuật với liên tiếp những pha ban bật tốc độ cao. Nhưng không chỉ trực tiếp cầm quân ở hai ĐT nay, "Sắc" còn đóng vai trò tư vấn chuyên môn cho Liên đoàn Bóng đá Thái, và ở vai trò này, "Sắc" đã góp công lớn trong việc tạo nên một tính chiến lược về lối chơi đối với các ĐTQG Thái nói chung.

Ở SEA Games 28 cách đây ít lâu, vì bận dẫn dắt ĐTQG tham dự vòng loại World Cup, "Sắc" thậm chí đã nhường quyền dẫn dắt ĐT U.23 cho trợ lý của mình, nhưng với tính chiến lược được vạch sẵn thì có "Sắc" hay không có "Sắc", ĐT U.23 Thái cũng chơi đúng như những gì cựu cầu thủ này định hướng. Với ĐT U.19 Thái ở giải U19 Đông Nam Á vừa qua cũng vậy, mặc dù "Sắc" không có mặt trong BHL nhưng rõ ràng lối chơi của các cầu thủ Thái mang dấu ấn Kiatisak không lẫn đi đâu được.

Cầu thủ U.19 Việt Nam (giữa) kém xa đẳng cấp U.19 Thái Lan. Ảnh: H.M.

Trước thời Kiatisak, tính chiến lược của bóng đá Thái từng được thể hiện ở việc đã liên tiếp giao ĐTQG và ĐT U.23 QG cho các ông thầy người Anh như Peter White, Steve Darby, Bryan Robson..., và phải thừa nhận dưới thời của các ông thầy Anh, bóng đá Thái đã thể hiện được một bộ mặt, một lối chơi xuyên suốt. Tuy nhiên nếu nói về tính hiệu quả thì nó không thể sánh bằng các ĐTQG Thái dưới sự định hướng của Kiatisak lúc này.

Từ chuyện của người Thái không thể không đề cập tới những vấn đề của các ĐTQG Việt Nam trong những năm qua. Nếu dưới sự dẫn dắt của HLV người Pháp Guillaume Graechen, ĐT U.19 Việt Nam 2 năm trước thể hiện một thứ "bóng đá vị nghệ thuật" thì dưới sự dẫn dắt của một HLV mang tư tưởng thực dụng như ông Hoàng Anh Tuấn, ĐT U.19 năm nay lại thể hiện một thứ "bóng đá vị nhân sinh" - bóng đá thực dụng và hiệu quả rõ ràng. 

Ở một góc độ nào đó thì tư tưởng của ông Tuấn cũng khá giống với tư tưởng của HLV trưởng ĐTQG và ĐT U.23 QG Toshiya Miura, nhưng có vẻ đó là sự giống nhau ngẫu nhiên, chứ không phải là một sản phẩm mang tính định hướng từ bộ phận chuyên môn VFF. 

Bởi nhìn lại những gì đã diễn ra với chính ĐTQG, từ một ĐT đá 4-2-3-1 mang tính nhỏ nhuyễn, cống hiến dưới thời các HLV nội Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, đến một ĐT đá 4-4-2 mang tính thực dụng, hiện đại dưới thời HLV đương nhiệm Toshiya Miura lúc này, dễ thấy chúng ta đã liên tiếp thay đổi tư tưởng và gương mặt của mình chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.

Đã từ rất lâu rồi, người ta chỉ ra vấn đề của VFF là thiếu một giám đốc kĩ thuật để vạch ra một lối chơi chiến lược cho các ĐTQG, nhưng thực ra không có một ông GĐKT thì chúng ta vẫn đang có một ông Phó Chủ tịch chuyên môn - vậy thì tại sao vấn đề này vẫn không được giải quyết?

Đừng nói là PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn thời gian qua phải kiêm nhiệm quá nhiều vị trí ở cả AFC, AFF, lẫn VFF mà không thể xắn tay định hướng công việc quan trọng này. Bởi nói như thế sẽ rất dễ bị "vặn" ngược lại: tại sao lại giao cho ông Tuấn quá nhiều công việc, đến mức khiến ông không thể quán xuyến được những việc cơ bản nhất của một vị phó chuyên môn?

Với những gì đang diễn ra ở cả những chiến trường U.19, U.23, ĐTQG lẫn cách thức làm việc của Liên đoàn Bóng đá, phải thừa nhận cái thua của bóng đá Việt Nam trước bóng đá Thái Lan lúc này là một cái thua chiến lược và hệ thống.

Thua UAE 10 bàn, Malaysia trở lại phương án thầy ngoại?

Sau khi ĐT Malaysia thua UAE 0 -10 trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á vừa qua, HLV trưởng Dollah Salleh đã tuyên bố từ chức, mặc dù hợp đồng của ông với LĐBĐ nước này vẫn còn hơn một năm nữa. Thực tế thì Salleh không thể không từ chức trước làn sóng chỉ trích thậm tệ từ các quan chức bóng đá đến đông đảo người hâm mộ bóng đá nước này. 

Trước khi để thua UAE với tỷ số không tưởng, ĐTQG Malaysia dưới thời ông còn thua Palestine 0-6, và bị đội bóng yếu nhất Đông Nam Á là Timor Leste cầm hoà 1-1. Ngày 8 tháng 9 tới đây, khả năng Malaysia tiếp tục bại trận là rất lớn khi đối thủ tiếp theo của họ tại vòng loại World Cup là Saudi Arabia.

Sau khi ông Salleh từ chức, LĐBĐ nước này đã chỉ định HLV trưởng ĐT U.23 Ong Kim Swee lên thay thế, nhưng theo báo giới Malaysia đây khả năng chỉ là phương án tạm thời, vì ở SEA Games 28 vừa rồi, đội bóng của Ong Kim Swee cũng thi đấu rất tệ, trong đó có trận thua 5 bàn trước U.23 Việt Nam của HLV Toshiya Miura. Phương án khả dĩ nhất lúc này là một HLV ngoại, và theo báo giới nước này thì LĐBĐ đang gấp rút tìm một HLV ngoại danh tiếng về "cấp cứu" ĐT.

Tuấn Thành 

Khoảng trống bóng đá học đường

Thời gian vừa qua, với sự ra đời của các học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, PVF và sự trở lại của những trung tâm bóng đá giàu truyền thống như Viettel, không thể nói hệ thống đào tạo bóng đá Việt Nam không phát triển. Vậy thì tại sao chúng ta vẫn thua người Thái, và thua một cách tâm phục khẩu phục từ lứa trẻ đến ĐTQG?

Theo chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế, người từng có thời gian dài sinh sống tại Thái Lan và rất hiểu bóng đá Thái Lan, thì một trong những sự khác biệt cơ bản giữa hai nền bóng đá lúc này nằm ở vấn đề bóng đá học đường. 

Ông Huế phân tích: "Ở Thái Lan mỗi trường tiểu học đều có một sân bóng, và bóng đá học đường nói chung rất phát triển. Chính từ cái nền rộng lớn này mà người Thái có thể dễ dàng phát hiện tài năng, tuyển chọn đào tạo tài năng trên diện rộng. Nhưng ở ta, bóng đá học đường gần như là một khoảng trắng, và chừng nào Tổng cục TDTT và Bộ Giáo dục & Đào tạo không bắt tay giải quyết vấn đề này thì chúng ta vẫn không thể có một chân đế rộng khắp để hy vọng một ngày cất cánh".

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.