Chữa "bệnh tư tưởng"

Thứ Bảy, 04/10/2014, 10:03
Trở về Việt Nam sau một kỳ Asiad thành công ngoài mong đợi, HLV trưởng ĐT bóng đá nữ Việt Nam Mai Đức Chung chia sẻ với báo chí: "Theo tôi, sự khác biệt lớn nhất của ĐT ở giải đầu này, đó là chúng ta đã vào trận bằng một tư tưởng mới".

Cái mới mà ông Chung đề cập nằm ở việc khi phải thi đấu với những đối thủ đồng cân đồng lạng như tuyển nữ Thái Lan, cầu thủ Việt Nam đã không rụt rè đặt mình ở thế "cửa dưới" như trước nữa, mà có niềm tin lớn vào việc có thể áp đặt đối phương và giành chiến thắng từ sự áp đặt đó. Ông Chung nói rằng dưới thời HLV Trần Vân Phát trước đây, tuyển nữ thường đá sơ đồ 5-3-2 nghiêng nhiều về phòng ngự, nhưng kể từ khi "nhiếp chính" thì ông đã xoay sơ đồ 5-3-2 sang 4-5-1 mang tính cơ động cao hơn, giúp cho các cầu thủ có thể đá tấn công nhiều hơn với số lượng con người cho mặt trận tấn công đông đảo hơn. Và chính nhờ kiểu đá cùng tư thế đá ngang ngửa đó (thay vì đá kiểu "cửa dưới" như ở chung kết SEA Games năm 2013 và trận Play Off tranh vé đi dự VCK World Cup hồi tháng 5 năm 2014 - hai trận đấu toàn thua) mà tại tứ kết Asiad năm nay, nữ Việt Nam đã thắng ngược nữ Thái Lan 2-1.

Theo ông Chung thì ngoài cái được về mặt tỷ số và thành tích, chiến thắng này còn tạo nên những cái được quan trọng khác về mặt tinh thần tư tưởng, để từ nay về sau, mỗi khi "đụng" Thái Lan, các cô gái Việt Nam sẽ có được niềm tin chiến thắng, và dám hướng đến việc tấn công giành chiến thắng, thay vì cứ mãi rụt rè với bài phòng ngự số đông.

HLV Mai Đức Chung (phải) đã tạo ra một tinh thần, tư tưởng mới cho ĐT nữ Việt Nam. Ảnh: H.M.

Vẫn liên quan đến chuyện tinh thần, tư tưởng, cựu HLV trưởng ĐTVN Phan Thanh Hùng mới đây cho hay những gì mà các cầu thủ Olympic Việt Nam làm được ở kỳ Asaid này cũng sẽ tạo nên những tác động tích cực đối với các đàn anh ở ĐTQG. Ông Hùng nhấn mạnh vào hai điểm mà theo ông là then chốt nhất: "Một, khi đá với những đối thủ to cao, có đẳng cấp trên mình như Olympic Iran hay Olympic UAE, cầu thủ Việt Nam có thể thắng, có thể thua nhưng cái chính là đã tự tin cầm bóng phối hợp, chứ không sợ hãi như trước nữa. Hai, khi đá những trận chỉ còn ý nghĩa thủ tục như trận gặp Olympic Kyrgyzstan ở lượt cuối vòng đấu bảng, chúng ta vẫn chơi hết mình như thể đấy là một trận đấu cần phải thắng".

Thực tế thì ai cũng thấy bệnh nghiêm trọng ở ĐTVN trong những năm gần đây nằm ở việc khi đá với những đối thủ mạnh, các cầu thủ thường không duy trì được sự vững vàng về tâm lý, còn khi đá với những đối thủ yếu  hoặc những trận đấu chỉ có tính chất thủ tục thì vẫn những con người ấy, những cái đầu ấy lại nảy sinh tâm lý chủ quan. Vấn đề này thậm chí đã diễn ra ngay trong một trận đấu, mà ví dụ rõ nhất là trận ra quân của U.23 Việt Nam (gặp U.23 Brunei) tại SEA Games năm ngoái. Trận đấu ấy, khi dồn ép đối phương mà không ghi được bàn thắng, nhiều cầu thủ rơi vào trạng thái luống cuống, nhưng sau khi có một bàn, hai bàn rồi ba bàn thì những người mà chỉ chục phút trước còn "luống cuống" đã lập tức "diễn" và "giễu" đối phương. Các đời HLV trưởng ĐTVN Việt Nam thường rất dị ứng với căn bệnh này, nhưng không phải HLV nào cũng có thể đưa ra "thuốc chữa" thành công.

Hiện tại ĐTVN dưới sự dẫn dắt của ông thầy Nhật Bản Toshyia Miura đang có chuyến tập huấn dài ngày tại Nhật. Trong số này có không ít các cầu thủ vừa trở về từ ĐT Olympic. Những tuyển thủ còn lại chắc chắn cũng đã theo dõi sát sao màn trình diễn với "tư tưởng mới" của ĐT Olympic tại Asiad năm nay. Và trong mắt của một nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm như HLV Phan Thanh Hùng thì có thể nhìn vào những yếu tố này để hy vọng ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2014 sẽ có một diện mạo hoàn toàn khác.

Rõ ràng là đã có những thay đổi lớn về mặt tư tưởng ở cả ĐT nữ lẫn ĐT nam, và bước đầu thì đấy đều là những thay đổi đầy tích cực. Hy vọng là những thay đổi ấy sẽ giúp chúng ta chữa được "bệnh tư tưởng" vốn cứ ám lấy mình suốt nhiều năm qua!

Hiếu Hà
.
.
.