Chơi tấn công, thua vẫn còn hay hơn

Thứ Hai, 18/04/2011, 12:49
Sân Lạch Tray trong trận đấu sớm vòng 11 giữa Hải Phòng với HN.T&T (diễn ra chiều thứ bảy vừa rồi) vẫn đông và vẫn "sôi" như thường lệ. Và chủ sân Hải Phòng vẫn vào trận với khí thế tấn công như thường lệ. Nhưng nếu cái thường lệ đầu tiên diễn tả một sức mạnh khán đài đáng tự hào thì cái thường lệ thứ hai lại giống như một "âm mưu hù dọa" mà HLV Vương Tiến Dũng buộc phải dùng đến trong cảnh cùng đường. Khổ nỗi, "âm mưu hù dọa" ấy lại khiến Hải Phòng khóc hận.

Chỉ một năm về trước thôi, vẫn với thứ bóng đá tấn công vốn đã trở thành "thương hiệu Vương Tiến Dũng", đội chủ sân Lạch Tray có thể biến mọi đội khách trở thành những gã hề. Thế nên dẫu lì lợm như SHB.Đà Nẵng hay máu lửa như Sông Lam Nghệ An cũng đều rất sợ thi đấu ở Lạch Tray. Hồi ấy, người ta bảo Hải Phòng có thể tấn công như vũ bão, và có thể dễ dàng ép đối thủ vào cảnh cùng đường là vì sống giữa chảo lửa Lạch Tray, các cầu thủ khách chưa vào sân đã… nơm nớp sợ.

Nhưng thật ra đấy chỉ là một vế của vấn đề. Vế còn lại, quan trọng hơn nằm ở chỗ: Hải Phòng năm ngoái có những cầu thủ thật sự chất lượng trong đội hình, chẳng hạn như một Minh Đức vững vàng chỉ đạo hàng phòng ngự, một Ngọc Thanh luôn có thể bùng nổ trên hàng công, và đặc biệt là một Leandro quái kiệt, luôn có thể tung ra những đường chuyền "chết nước" từ khu trung tuyến.

Minh Châu (số 6) điển hình cho lối chơi bạo lực của một bộ phận cầu thủ Hải Phòng. Ảnh: Quang Minh.

Nhưng đến năm nay, khi những cá nhân xuất sắc ấy không còn nữa thì vẫn ở Lạch Tray, vẫn nhận được sự tiếp lửa dữ dội từ bốn phía khán đài, những pha tấn công của Hải Phòng chỉ để lại "ấn tượng" về sự nhạt nhòa mà thôi.

Và chẳng có gì khó hiểu khi Hải Phòng bị HN.T&T dễ dàng đánh bại đến 3-1, để rồi sau đó liên tục bị khán giả nhà la ó. 

Tan trận, người viết chia sẻ với HLV Vương Tiến Dũng: "Sở hữu một cái nền lực lượng kém như vậy, ông quyết định chơi đôi công với HN.T&T thì có khác gì tự sát?". Ông Dũng cay đắng thừa nhận: "Tôi biết đá tấn công là quá mạo hiểm. Nhưng ở một số trận đấu khác, chẳng hạn như trận gặp Sông Lam, tôi đã xếp hàng phòng ngự 5 người, đá phòng ngự co cụm - khi ấy chúng tôi còn thua dễ dàng hơn. Như thế chẳng thà cứ đá tấn công để tìm cơ hội sống có tốt hơn không?".

Hóa ra, vẫn là lối chơi tấn công, nhưng nếu thứ bóng đá tấn công của Hải Phòng 1,2 năm về trước mang trong nó cái khát vọng chiến thắng mãnh liệt thì bây giờ nó đơn thuần chỉ là cách để hù dọa đối phương. Bây giờ, Hải Phòng mạo hiểm tấn công vì nghĩ rằng các đội khách khi đến Lạch Tray vẫn có thói quen sợ hãi sức công phá ấy.

Khổ nỗi, những đội khách "cao cờ" như HN.T&T, và kể cả những đội khách mà hiện tại đang rối bung rối bét như Bình Dương (trận Hải Phòng - Bình Dương vòng 10) đâu có ngờ nghệch để Hải Phòng hù dọa. Thế nên lối chơi tấn công với mục đích "hù dọa đối thủ" của ông Vương Tiến Dũng đã bị phá sản, và cái gọi lại "Thánh địa Lạch Tray" lại đang tạo ra những hiệu ứng ngược với bóng đá Hải Phòng.

Không ai nghĩ một HLV giàu ý tưởng tấn công như ông Vương Tiến Dũng và một đội bóng vốn có truyền thống tấn công mạnh mẽ như Hải Phòng bây giờ lại phải chơi tấn công với mục đích hù dọa đối phương, chứ không phải vì tự tin vào bản chất của mỗi đường công ấy.

Những điều "khó nói" ở bóng đá Hải Phòng

Ai cũng nhìn rõ là Hải Phòng năm nay chết nước vì lực lượng quá thiếu và quá yếu, nhưng câu hỏi đặt ra là ai có lỗi với cái yếu này? Theo tìm hiểu của CAND thì đầu mùa giải, khi một loạt cầu thủ Hải Phòng đòi tăng lương thì cũng là khi đội bóng đang trong giai đoạn chuyển giao giữa doanh nghiệp cũ (Xi Măng Hải Phòng) với doanh nghiệp mới (Vicem). Chính vì chuyển giao như vậy, nên ông "quyền chủ tịch CLB" không dám quyết bất cứ vấn đề đại sự gì, và thế là cái yêu cầu "đòi tăng lương" khi không được đáp ứng đã dẫn tới sự ra đi hàng loạt của các cầu thủ. Trao đổi với chúng tôi ngày hôm qua, HLV Vương Tiến Dũng thẳng thắn nói rằng ở giai đoạn 2, nếu không có sự bổ sung lực lượng thì khả năng bóng đá Hải Phòng bị lún sâu trên bảng tổng sắp V.League là điều hoàn toàn có thể xảy ra.(Ngọc Anh)

Phan Đăng
.
.
.