Chết ở “bẫy việt vị”!

Thứ Ba, 24/06/2014, 20:24
Suarez là một chuyên gia phá bẫy việt vị, anh có xu hướng di chuyển ngang mặt với trung vệ đối phương rồi đột ngột tăng tốc.

Sau hai lượt trận đầu tiên của vòng bảng World Cup 2014, Italia và Uruguay cho thấy họ có chung phương thức tiếp cận khung thành đối phương: Các tiền vệ có xu hướng tìm khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ biên để thực hiện những đường chọc khe cho tiền đạo phá bẫy việt vị rồi dứt điểm.

Đến lúc này, Italia bị bắt việt vị tới 18 lần sau 180 phút tranh tài tại World Cup 2014. Con số của Uruguay là 9, và họ là hai đội bóng bị bắt việt vị nhiều nhất. Thống kê này chứng tỏ, ngay cả khi bị bắt bài thì Italia và Uruguay vẫn giữ nguyên sợi chỉ đỏ trong việc triển khai tấn công: Luôn cố gắng phá bẫy việt vị để đặt tiền đạo cắm vào tư thế ghi bàn thuận lợi.

Trong bóng đá hiện đại, quy tắc cơ bản để đánh sập bẫy việt vị do đối phương bày ra là tuyến giữa phải giữ bóng thật lâu và chuyền bóng thật nhiều, qua đó khiến hàng phòng ngự đối thủ mệt mỏi và dễ rời bỏ vị trí. Nếu cứ tuân theo nguyên lý này thì Italia gần như chắc chắn sẽ tìm cách xé lưới Muslera bằng cách phá bẫy việt vị, bởi chỉ tính riêng Daniele De Rossi, một tiền vệ phòng ngự đã thực hiện tới 212 đường chuyền tại World Cup 2014.

Uruguay thậm chí còn lột tả chính xác hơn chiến thuật “phá bẫy việt vị". Cuốn sách “Spread Formation Football” từng nhận định: “Phá bẫy việt vị” dù khó nhưng là cách đến gần khung gỗ đội bạn nhanh và chính xác nhất”. Trong 3 tình huống dàn xếp thành bàn của Uruguay, hai tiền đạo của đội là Cavani và Suarez đều có xu hướng di chuyển ngang mặt với trung vệ đối phương rồi đột ngột tăng tốc.

Ở một trận đấu có ý nghĩa sống còn cho chiếc vé vào vòng 16 đội, sẽ không có chuyện hai đội chơi phóng khoáng và cởi mở. Lúc đó, khoảnh khắc lơ là của hàng thủ có thể làm thay đổi số phận mỗi đội, vì Italia và Uruguay đều sở hữu những chuyên gia phá bẫy việt vị hàng đầu

Huyền Linh
.
.
.