Cầu thủ gốc Phi và “thiên đường” mang tên V-League

Thứ Tư, 09/07/2008, 15:39
Sáng cuối tuần, trời Sài Gòn bỗng nhiên oi bức lạ thường. Obode cảm thấy rất khó chịu trong người, gần như là triệu chứng suy nhược cơ thể. Nhưng mặc, anh vẫn phải thức dậy, mang giày và lốc thốc đi bộ ra khu quận 7 (TP HCM) đá bóng với các cầu thủ là người đồng hương khác kiếm vài chục ngàn sống qua ngày, rồi hy vọng sẽ lọt vào mắt xanh của một ông bầu đội bóng nào đó. Đơn giản, vì anh là một cầu thủ tự do đang cần việc làm.

Cầu thủ hè phố tìm đường… chuyên nghiệp

Obode sinh trưởng tại một làng quê ở đất nước thuộc vùng châu Phi, tuổi thơ anh khét nắng nơi các sân bóng đá vỉa hè. Một vài động tác kỹ thuật khéo léo, pha đánh đầu làm bàn vào khung thành đối phương, cú tắc đoạt banh rất điêu luyện... Tất cả những yếu tố ám ảnh Obode hằng đêm liền. Bên cạnh đó, các thông tin về chuyện tại Việt Nam, một đất nước xa xôi thuộc khu vực Đông Nam Á, luôn trọng dụng các cầu thủ gốc châu Phi tham gia giải bóng đá địa phương có tên V-League với mức lương từ 2.000 đến trên 5.000 USD/tháng khiến Obode càng khát khao hơn với giấc mơ sân cỏ chuyên nghiệp của mình.

Những thông tin về sự chiều chuộng các cầu thủ đồng hương của Obode như Amaobi, Achileful... càng làm cho Obode quyết tâm bằng mọi giá để sang Việt Nam.

Vay mượn được khoảng 3.000 USD từ gia đình, người thân và bạn bè. Cầm trong tay tấm vé máy bay một chiều đến sân bay Tân Sơn Nhất (Việt Nam), Obode hưng phấn tột độ, cứ như là lên máy bay, ngủ một giấc, mở mắt dậy là sẽ thành cầu thủ chuyên nghiệp tại V-League.

Đến TP HCM, sau cảm giác ngỡ ngàng ban đầu vì Obode chưa bao giờ nghĩ rằng TP HCM lại sầm uất và náo nhiệt như thế. Theo chỉ dẫn của bạn bè, anh tìm đến khu vực Phạm Ngũ Lão (quận 1), nơi được gọi là “phố Tây”, để nghỉ ngơi cũng như hy vọng tìm gặp đồng hương. Tại đây, Obode gặp nhiều cầu thủ tự do gốc Phi đang nằm chờ cơ hội thử chân tại V-League. Đồng bệnh tương lân, Obode nhanh chóng nhập hội với những người trên, tìm nhà trọ, chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt câu lạc bộ.

những cầu thủ tự do tập trung rất nhiều tại phố Tây. Ảnh: Viettimes.

Một nhóm người gốc châu Phi đến TP HCM trước Obode khi thấy anh vừa đến, nghe anh nói nguyên nhân có mặt tại nơi này, đã vội vã xin anh ít tiền lẻ để đi ăn cơm. Obode tỏ ra ngạc nhiên khi trực tiếp chứng kiến cảnh tượng cầu thủ tự do đang... đói này.

Vài ngày ở TP HCM, Obode phần nào đã quen với khí hậu và môi trường nơi đây. Anh bắt đầu hành trình đi tìm việc làm của mình. Vài cầu thủ có kinh nghiệm thử việc chỉ cho anh cách gõ cửa xin đầu quân một đội bóng đang tham gia giải đấu V-League là như thế nào. Câu lạc bộ đầu tiên Obode xin thử việc là câu lạc bộ hạng trung ở V-League. Vị huấn luyện viên tỏ ra rất hồ hởi khi Obode xin thử việc, điều này càng làm cho anh cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, sau vài pha tâng bóng, thực hiện các động tác kỹ thuật, phối hợp chồng biên với một cầu thủ nội địa, Obode nhận được cái nhíu mày của vị huấn luyện viên vui vẻ kia.

Sợ hãi vì có thể bị từ chối, Obode lập tức ra dấu tỏ vẻ mình vừa đến TP HCM, còn mệt mỏi nên có thể hôm nay đá không tốt lắm và xin thử lại vào ngày hôm sau. Vị huấn luyện viên bằng lòng và cho anh 50 nghìn tiền di chuyển đến đội. Lúc này, Obode đã cảm thấy lo ngại cho tương lai của mình. Tối hôm đó, Obode đi ngủ sớm để lấy sức cho lần ra mắt thứ hai vào sáng mai. Nhưng, lần này cũng vậy, cái nhíu mày của huấn luyện viên đội bóng đã tiễn anh ra xe ôm về thẳng khách sạn.

Không hợp đồng, không thương thảo, ước mơ thu nhập mỗi tháng vài nghìn USD của Obode gần như đã tan biến. Các đồng hương của anh khuyên Obode rằng không tuyệt vọng, cứ đi thử tiếp ở một vài câu lạc bộ khác. Ở Việt Nam có rất nhiều câu lạc bộ bóng đá cần cầu thủ ngoại, lời an ủi khiến Obode phần nào an tâm.

Lần thử việc thứ hai tại câu lạc bộ ngoài TP HCM với Obode càng tệ hơn, vị huấn luyện viên từ chối ngay khi anh vừa thực hiện xong bài sút bóng cầu môn. Các lần thử việc khác đều tương tự như thế. Câu lạc bộ nào tốt, sẽ cho Obode vài chục ngàn tiền đi xe ôm. Có câu lạc bộ, đi không rồi về không. Chẳng còn cơ hội đá cho các câu lạc bộ đang tham dự V-League, Obode tìm đến các câu lạc bộ hạng nhất. Vẫn bị từ chối vì kỹ thuật, thể lực của Obode đều không đáp ứng được tiêu chí mà câu lạc bộ đề ra.

Lúc này, số tiền Obode đem theo đã cạn dần. Mệt mỏi, thất vọng, chán nản, Obode bám vào cứu cánh duy nhất của mình là mỗi cuối tuần, theo bạn bè kéo xuống khu vực quận 7 đá quần quật với nhau để hy vọng lọt vào mắt xanh của một ông bầu nào đấy. Nhưng, hy vọng đã không tìm tới chàng trai trẻ đến từ đất nước xa xôi này.

Tiền hết, đồng nghĩa với việc Obode phải chuyển từ khách sạn xuống nhà trọ, từ cơm nhà hàng xuống cơm bụi, từ đi xe ôm xuống đi bộ...

Hội đồng hương... tị nạn

Cảm nhận được sự bế tắc của Obode, nhiều đồng hương của anh cũng là những cầu thủ tự do chưa tìm được câu lạc bộ rủ anh về ở chung nhằm giảm bớt chi phí. Hơn 10 người cùng sinh hoạt trong căn phòng rộng chưa đến 10m2, gần như là không có chỗ nằm cho thẳng chân, chứ đừng nói đến những nhu cầu khác. Để giảm bớt “mật độ” người đang có mặt tại căn phòng trọ, các cầu thủ tự do này cứ thống nhất với nhau rằng hễ có người này ở nhà thì người kia ra phố.

Mơ ước của các cầu thủ gốc Phi.

Ngay khu “phố Tây”, có Công viên 23-9 xanh rười rượi, các cầu thủ bị đuổi ra khỏi nhà bất đắc dĩ cứ tranh thủ những khoảng không này mà nghỉ. Còn ăn uống, gặp gì ăn nấy, càng rẻ càng tốt. Cốt sao duy trì được chuyện ở Việt Nam được thêm ngày nào, thì còn cố gắng bấu víu vào cơ hội được chơi tại V-League ngày đó.

 Đôi lúc, cả đám bạn lẫn Obode duy trì sự sống bằng cách tìm đến các câu lạc bộ V-League tìm gặp các cầu thủ đồng hương đang chơi tại đây để xin một ít tiền tiêu vặt. Nhưng, điều đó vẫn không khủng hoảng bằng nỗi lo sợ lớn nhất của họ: hết hạn visa.

Giấy mời làm việc của các cán bộ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh là một phen lo âu mới của nhiều cầu thủ tự do tìm chưa ra việc làm như Obode. Cái lệnh buộc xuất khi visa đã hết hạn như là một đòn đánh gục các cầu thủ này. Nhằm thoát khỏi sự buộc xuất cảnh này, các cầu thủ gốc Phi bèn nghĩ ra cách mang hộ chiếu lẫn visa đem... giấu hoặc khai báo thất lạc đâu đó để có thể kéo dài thêm được nhiều ngày chờ làm hồ sơ khác mà không phải bị buộc xuất cảnh.

Giả dụ, nếu có lệnh buộc xuất cảnh thì các cầu thủ phải nhanh chóng tìm mọi cách để vào lại Việt Nam. Có thể là tạm xuất cảnh sang Campuchia hay Thái Lan, rồi sau đó theo đường bộ hoặc đường hàng không xin nhập cảnh lại, hoàn toàn hợp lệ.

Cuối cùng thì cả hội của Obode cũng hết tiền, lại phải chuyển nhà trọ. Một vài anh nhờ xin được tiền của các cầu thủ chuyên nghiệp đồng hương, gom góp lại nên đủ để cưu mang cho cả hội. Nhóm Obode kiếm được căn phòng trọ, chính xác là căn phòng dùng để ngủ vì không có toilet. Trong căn phòng tồi tàn ấy, họ chỉ có thể ngồi dựa lưng tường mà ngủ. Ban ngày, tất cả dạt ra ngoài đường để tránh nóng hoặc nằm vật vạ đâu đó ở công viên. Tối mới mò về nhà trọ để ngủ chờ trời sáng.

Còn việc giải quyết những nhu cầu vệ sinh tối thiểu khá đơn giản, một anh trong bọn ra quán cà phê ngồi, gọi một thức uống bất kỳ, sau đó đi vệ sinh ngay tại quán. Các anh khác đứng canh me, thấy anh bạn kia vừa rời khỏi ghế là lập tức nhảy vào ngồi để chờ... đi vệ sinh ké. Cứ vậy, ly nước uống kéo dài cho đến người cuối cùng trong hội. Không chỉ có thế, cả nhóm còn thường xuyên săn lùng các địa chỉ ăn uống giá rẻ, nơi “bùng” khi có những đợt kiểm tra đột xuất...

Chứng kiến và sống trong những ngày u ám này, Obode quyết định gọi điện thoại về nhà, nhờ người thân vay mượn tiền gửi sang Việt Nam để anh làm lộ phí trở về quê nhà. Chắc chắn rằng, về lại đất nước mình, Obode sẽ phải trần lưng ra làm việc để trả nợ số tiền mà anh đã mượn để sang Việt Nam nuôi mộng làm cầu thủ hạng sang. Tuy nhiên, những người quyết định về như Obode là rất ít. Số cầu thủ tự do còn lại, vẫn cố sống cố chết bám lấy mảnh đất TP HCM, dẫu có thể, họ không biết sẽ làm gì trong tương lai để kiếm sống(?!)

(Còn nữa)

T. Thiên - K. Hữu
.
.
.