Cầu thủ Việt đương thời -Tình và tiền

Thứ Bảy, 15/01/2011, 12:15
VFF đã tuyên án phạt "treo giò" 18 tháng và phạt 2,4 tỷ với hành vi phá vỡ hợp đồng của tài năng trẻ Danh Ngọc. Nhưng điều cần bàn là phía sau bản án này là những vấn đề gì cần suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh đồng tiền đang làm đảo lộn nhiều thứ giá trị trong bóng đá Việt Nam?

Hoàng Danh Ngọc nằng nặc đòi bỏ Nam Định cho dù hợp đồng đã ký của anh với CLB có thời hạn tới năm 2016. Kết quả là Danh Ngọc đã phải nhận án từ "bản tòa" VFF: bị cấm thi đấu 18 tháng và phải đền bù CLB chủ quản 2,4 tỷ đồng. Phía sau bản án này và câu chuyện này là những vấn đề gì cần suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh đồng tiền đang làm đảo lộn nhiều thứ giá trị trong bóng đá Việt Nam?

Hoàng Danh Ngọc là một người gốc Thái Bình nhưng lại được nuôi nấng và trưởng thành bởi lò đào tạo trẻ Nam Định. Vì thế cái tình của Danh Ngọc với bóng đá Nam Định nói chung, và những "người thầy Nam Định" nói riêng là rất lớn. Đấy là đứng ở góc độ tình cảm, còn nếu đứng ở góc độ luật lý thì hợp đồng của Danh Ngọc với Nam Định kéo dài tới 6 năm nữa, cho nên việc Danh Ngọc nhất nhất đòi ra đi, trong đó không ngại việc lôi cả luật sư vào cuộc, rõ ràng không phải là những hành động hay ho.

Thế nhưng nhìn ở góc độ khác, lại phải thấy rằng Nam Định sau khi xuống hạng đang thực sự khủng hoảng ở nhiều mặt, từ mặt tài chính, tham vọng cho tới lực lượng. Thế nên nếu ở lại Nam Định, sự nghiệp của một tài năng trẻ triển vọng như Danh Ngọc nhiều khả năng sẽ không được phát triển như khi anh về đầu quân cho một đội bóng khác tiếng tăm.

Đấy là còn chưa nói, hiện tại có không dưới 2 đại gia sẵn sàng chi tiền tỷ lót tay cho Danh Ngọc để nhận được chữ ký của anh. Những khoản tiền tỉ cao hơn gấp 2 thậm chí là gấp 3 lần so với con số 2,4 tỷ đồng mà Danh Ngọc buộc phải đền bù Nam Định theo đúng phán quyết mới đây của VFF.

Hoàng Danh Ngọc sẽ rời khỏi Nam Định sau những tranh chấp căng thẳng. Ảnh: Quang Minh.

Như vậy rõ ràng Danh Ngọc đã phải đứng trước một sự lựa chọn đầy giằng xé giữa một bên là tình cảm và luật lý với một bên là tiền bạc và sự nghiệp. Và cuối cùng Danh Ngọc đã chọn vế thứ hai.

Đấy không phải là một sự lựa chọn bất ngờ, bởi trước Danh Ngọc cả chục năm, một cầu thủ của Hàng Không Việt Nam (tiền thân của HN.ACB bây giờ) là Phạm Minh Đức cũng phải đứng trước một lựa chọn như thế. Cái lựa chọn mà với nó, nếu ở lại HKVN Đức sẽ có dịp trả ơn đối với một đội bóng đã cưu mang mình, nhưng nếu rời khỏi HKVN để về Hoàng Anh Gia Lai - một đại gia mới nổi thời kỳ ấy, thì Đức sẽ lại nhận được một khoản thu nhập trong mơ.

Cuối cùng Đức cũng đã chọn điều thứ hai. Và trong câu chuyện này có một chi tiết bất hủ cần nhắc lại, đó là ông Hoàng Vĩnh Giang  - Giám đốc Sở TDTT Hà Nội khi ấy đã nhất quyết đòi bầu Đức của HAGL trả mình 500 đồng với quan niệm rằng: "Bất cứ những cầu thủ nào bỏ bóng đá Hà Nội ra đi thì giá trị cũng chỉ xứng đáng là 500 đồng mà thôi".

Ngồi nói chuyện với người viết quanh vụ việc này, ông Hoàng Vĩnh Giang phân tích rằng, ông đồng ý trong cơ chế chuyên nghiệp, cầu thủ có quyền chạy theo đồng tiền, song nếu bất chấp tất cả để chạy theo nó thì họ sẽ không bao giờ là một cầu thủ lớn.

Ông Giang nói nguyên văn: "Trong môi trường thể thao chuyên nghiệp nói riêng và xã hội hiện đại nói chung thì giá trị về sự chung thủy càng cần phải được đề cao. Tiếc là các cầu thủ của ta lại thiếu một nền tảng văn hóa đủ dày để nhận thức về giá trị đó".

Từ câu chuyện của Phạm Minh Đức ngày trước cho tới câu chuyện của Hoàng Danh Ngọc hiện nay, cùng hàng loạt những câu chuyện tương tự khác trong giới cầu thủ, người ta buộc lòng phải đặt ra một loạt câu hỏi: Phải chăng trong thời kỳ lên ngôi của đồng tiền, thì hàng loạt những thứ giá trị trong bóng đá đều có thể dễ dàng bị xô đổ? Phải chăng, trong thời kỳ lên ngôi của đồng tiền, các cầu thủ sẵn sàng từ bỏ những nơi nuôi nấng mình để chạy về những nơi sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu vật chất của mình?

Thật ra thì chạy theo vật chất cũng chẳng có gì xấu. Vấn đề là khi đong cái vật chất ấy với cái vật chất mình đang có ở CLB sở tại, cộng thêm cái tình mà CLB sở tại đã dành cho mình, cầu thủ cần phải có một sự chọn lựa tỉnh táo.

Ở chỗ này thì câu nói của Nguyễn Huy Hoàng - một cầu thủ trụ cột của SLNA và đã ở lại SLNA bất chấp mọi lời chèo kéo rất đáng được tham khảo: Nếu một đội khác trả tôi 7 còn đội bóng quê hương trả tôi 4 thì tôi vẫn ở lại quê hương. Nhưng nếu đội khác trả 7, còn đội bóng quê hương chỉ trả được 1 thì tôi sẽ ra đi. 

Có lẽ, hơn lúc nào hết, để nâng cao nhận thức của các cầu thủ, VFF - cơ quan điều hành nền bóng đá nước nhà cần tổ chức một cuộc hội thảo quy mô và nghiêm túc quanh vấn đề này

Theo rất nhiều nguồn tin thì sau khi rời Nam Định, rất có thể Danh Ngọc sẽ đầu quân cho V.Ninh Bình với một mức lót tay lên tới 6 tỷ đồng. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là trong bối cảnh "vụ Danh Ngọc" đang làm phía Nam Định và Ninh Bình phải đau đầu thì chiều nay, trong khuôn khổ vòng 1/8 Cúp QG, Nam Định và Ninh Bình sẽ đối đầu với nhau trên sân Thiên Trường - Nam Định. Cuộc đối đầu mà dân thạo tin nói rằng ở trong nó chứa đựng rất nhiều nguy cơ… bùng nổ.

Chiều nay, hãy nhìn về Thiên Trường, và hãy cứ nín thở chờ xem!

Trịnh Phan Phan
.
.
.