Cầu thủ Than Quảng Ninh trong cái “đói”

Thứ Bảy, 03/04/2021, 07:25
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang chứng kiến cái “đói”, cái “túng” đến từ những cầu thủ Than Quảng Ninh. Một điều nghịch lý so với thứ hạng hiện tại của họ trên bảng xếp hạng V.League 2021.


Trước khi vòng đấu thứ 7 của V.League 2021 diễn ra, Than Quảng Ninh đứng ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng. Họ chỉ xếp sau đội đầu bảng Hoàng Anh Gia Lai đúng 1 điểm. Nhìn vào đây, tưởng như đội bóng đất Mỏ đang có sự ổn định và về mặt chuyên môn lẫn trong phòng thay đồ.

Nhưng không, cơn sóng ngầm ở Than Quảng Ninh đã thực sự nổi lên vào chiều 31/3. Trong buổi tập chuẩn bị cho trận đấu với Bình Dương ở vòng 7, các cầu thủ của Than quảng Ninh như: Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Nguyễn Hải Huy và nhiều trụ cột khác đã cùng nhau bỏ tập để phản ứng đội bóng. Họ đã bị nợ lương đến 8 tháng và nhiều cầu thủ đã rơi vào cảnh “túng thiếu”.  Đó là điều bất đắc dĩ mà chính những người trong cuộc cùng không muốn.

Nhiều cầu thủ đã hết tiền một cách đúng nghĩa. Họ phải “ăn bám” gia đình nhiều tháng qua. Dương Văn Khoa không có tiền đóng học cho con, Hải Huy phải tiêu tiền của mẹ vợ, Mạc Hồng Quân cũng sống bằng tiền của vợ suốt thời gian qua. Cầu thủ trẻ Bùi Ngọc Long thậm chí hết tiền mua  nhu yếu phẩm cho bản thân. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Long cùng nhiều đồng đội khác không dám về nhà vì hết tiền.

Các cầu thủ Than Quảng Ninh bỏ tập vì bị nợ lương. Ảnh: KĐ

Kỳ Hân – vợ tiền vệ Mạc Hồng Quân chia sẻ trên mạng xã hội: “Mỗi cầu thủ đều là đàn ông và là trụ cột của gia đình, thế mà bây giờ họ phải xòe tay xin tiền vợ, thậm chí tiền mẹ vợ... làm cho họ cảm thấy có phần mủi lòng và xấu hổ với gia đình. Bóng đá là đam mê, cơ mà đam mê cũng phải cơm áo gạo tiền nữa, chứ 2 chữ đam mê không nuôi nổi 1 gia đình. Còn có những anh em cầu thủ phải đi vay lãi để sống qua ngày tháng thế mới khổ chứ lị”.

Trước trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Bình Dương 1 ngày, các thành viên của Hội cổ động viên đội bóng đất Mỏ đã lên tiếng kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các cầu thủ. Những người ở lại và thi đấu hết mình với đội bóng đến thời điểm này đã là một sự hy sinh. Họ chịu ơn cái tình của “bầu” Hùng và cả những gì Than Quảng Ninh đã cưu mang khi các cầu thủ gặp khó. Từ sau mùa giải 2020, một cuộc “tháo chạy” đã diễn ra ở Than Quảng Ninh. Nhưng cũng kể từ đó, câu chuyện “đá bóng vì đam mê” là có thật. 8 tháng nợ lương nhưng đội bóng vẫn có thành tích ấn tượng đến kỳ lạ thì chỉ có đam mê mới mang đến kết quả như thế với cái bụng “đói”.

Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng là người cuối cùng chia tay đội bóng sau khi không tìm được tiếng nói chung với lãnh đạo câu lạc bộ trước khi mùa giải 2021 bắt đầu. Thật trùng hợp, ông lại có lần trở về Than Quảng Ninh gặp lại đội bóng cũ trên cương vị huấn luyện viên trưởng của Bình Dương. Ông trở về để chứng kiến cảnh tượng không thể buồn hơn của những người từng là học trò “ruột”.

Trong cái cảnh thắng cũng dở, thua cũng chẳng xong, không biết ông Phan Thanh Hùng sẽ nghĩ gì? Nhưng dẫu sao, bóng đá vẫn là bóng đá. Khi ra sân tất cả vẫn phải tôn trọng cuộc chơi chuyên nghiệp. Ông chính là người đã khuyên nhiều học trò của mình ra đi khi không thể tìm được tương lai ở đất Mỏ trong cơn khủng hoảng. Bởi ông biết, các cầu thủ còn gia đình, vợ con và sự nghiệp. Họ cần  phải sống. Còn ông vẫn muốn ở lại, nhưng rốt cuộc cái thịnh tình ấy không được toại nguyện. Cuộc chia tay diễn ra mà người đi lại tiếc nuối cho người ở lại.

Các cầu thủ Than Quảng Ninh giờ đang trong cái “đói” thực sự. Tình trạng này đã kéo dài từ mùa giải 2019 khi đội có lương mà không có thưởng. Đến mùa 2020 thì cơn khủng hoảng chính thức bắt đầu. Tất cả những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại chỉ là giọt nước làm tràn ly. Đó là điều thật buồn cho một vùng đất có phong trào bóng đá lên cao, có những cổ động viên là niềm mơ ước của biết bao địa phương.

Tình cảnh của Than Quảng Ninh đang phơi bày thực trạng buồn của một đội bóng. Nhưng đáng nói hơn, nó còn kéo theo hệ lụy của nền bóng đá chuyên nghiệp vẫn chưa bao giờ thoát khỏi cảnh “ăn đong”.

Chiều nay (3-4), các cầu thủ Than Quảng Ninh chắc chắn vẫn ra sân. Đó chắc chắn là một trận đấu mà họ chẳng có gì ngoài đam mê, niềm tin và vì cả ông thầy bên kia chiến tuyến.

Thầy Park sẽ tiêm vaccine COVID-19

Ông Park Hang-seo là 1 trong 22 thành viên thuộc đợt tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng ngành thể thao Việt Nam dành cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và thực hiện tại ngày 5/4 ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Ngoài ông Park Hang-seo, các huấn luyện viên Hàn Quốc Lee Young-jin, Park Sung-gyun, Choi Ju-young, Ahn Su-young, Cho Sung-wan, Kim Han-yoon, Kim Huyn-tae đang làm việc ở các đội tuyển quốc gia cũng được tham gia tiêm vaccine COVID-19 cùng thời gian trên.

Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cũng nằm trong danh sách được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Sau danh sách trên, lần lượt các cầu thủ sẽ nằm trong danh sách tiêm tiếp theo.

Chương trình tiêm vaccine COVID-19 dành cho thành viên các đội bóng đá dự kiến được thực hiện trong các ngày 5/4, 8/4, 9/4 và 13/4, tuy nhiên vẫn phải dựa trên tình hình thực tế về thi đấu để có điều chỉnh phù hợp nhất.

Các thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, trong đó có đội tuyển bóng đá nam quốc gia, nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là để chuẩn bị cho những giải đấu quốc tế quan trọng mà chúng ta tham dự. 

Trước đó, đợt 1 có khoảng 180 vận động viên và huấn luyện viên được tiêm vaccine, đều là những thành viên của các môn tham dự vòng loại Olympic.

Giai đoạn sau, các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam tham dự vòng loại World Cup 2022 và các câu lạc bộ Hà Nội, Viettel, Sài Gòn tham dự Cúp Châu Á sẽ tiếp tục được tiêm. Dự kiến, số lượng cầu thủ, huấn luyện viên, trợ lý... đợt tiêm lần 2 là gần 200 người. Đây là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và các bộ, ban, ngành... tạo điều kiện cho vận động viên tham gia làm nhiệm vụ quốc tế cho thể thao Việt Nam trong thời gian tới. (H.H.)

Hưng Hà
.
.
.