Câu chuyện ngày Chủ nhật: Bán vé cả mùa

Chủ Nhật, 21/12/2014, 11:04
CLB Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành CLB Việt Nam đầu tiên thực hiện chính sách bán vé cả mùa, và những thông tin từ phố núi cho hay, công việc này đã nhận được rất nhiều tín hiệu lạc quan.

Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai "bán trọn bộ" tất cả các vé khán đài A (riêng các khán đài còn lại vẫn bán theo từng trận), và chỉ với khoảng 1 triệu đồng, người hâm mộ có thể xem 13 trận đấu trên sân Pleiku ở mùa giải năm nay. Hình thức bán vé được triển khai bằng cả hai phương án: bán qua mạng Internet và bán trực tiếp tại quầy. Có hai câu hỏi nhất thiết phải đặt ra: 1/Việc "bán cả mùa" mang nặng tính thí điểm này liệu còn tồn tại ở những mùa giải tiếp sau? 2/Một khi Hoàng Anh Gia Lai đã bán được thì tại sao các CLB còn lại không làm theo?

Muốn trả lời câu hỏi thứ nhất phải đợi tới khi trái bóng V.League chính thức lăn, và xem cái cách cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai thể hiện. Sự thể hiện ở đây không đơn thuần nằm ở những kết quả thắng - thua, mà nằm ở văn hoá chơi bóng, phong cách chơi bóng của một thế hệ cầu thủ U.19 đầy triển vọng.

Ai cũng biết, khi khoác áo ĐT U.19 quốc gia, những Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều... đã thể hiện một bộ mặt thật sự tươi tắn, và dù thắng hay thua, thành hay bại (trong đó có những lần đại bại, như trận thua Hàn Quốc 0-6 ở VCK U.19 châu Á cách đây chưa lâu) thì bộ mặt ấy cũng khiến những người hâm mộ bóng đá toàn quốc tin yêu. Chính bộ mặt đầy hứa hẹn ấy đã tạo nên những cơn sốt vé liên tiếp từ TP HCM đến Hà Nội, Cần Thơ, và cũng chính bộ mặt hứa hẹn ấy đã được những nhà lãnh đạo nền bóng đá xem như một "liều thuốc niềm tin" trong bối cảnh niềm tin luôn là một thứ xa xỉ của nền bóng đá nước nhà.

Với một thế hệ U.19 tài năng. HA.GL đi tiên phong trong việc “bán vé cả mùa” ở sân chơi V.League Ảnh: H.M.

Tuy nhiên, từ đấu trường trẻ đến đấu trường V.League khốc liệt lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Không phải vô cớ mà HLV trưởng Guillaume Graechen đã đấu tranh dữ dội với ông bầu Đoàn Nguyên Đức, đòi bổ sung "hàng ngoại chất lượng cao" cho đội bóng, và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia bóng đá cảnh báo những mặt trái mà Hoàng Anh Gia Lai sẽ phải đón nhận khi ồ ạt đôn cả một lứa U.19 lên đội một thay vì xen kẽ một, hai cầu thủ U.19 với một chủ lực quân dạn dày chinh chiến như cách làm xưa nay.

Thế nên cứ phải chờ xem rốt cuộc thì "cuộc cách mạng nhân sự" của Hoàng Anh gắn liền với một thế hệ cầu thủ được đào tạo bài bản, lớp lang theo chuẩn mực châu Âu, rồi sẽ thi thố ra sao ở một đấu trường mang tính cạnh tranh cao độ. Nếu các cầu thủ tiếp tục thể hiện được bộ mặt tươi tắn của mình thì cái kế hoạch "bán vé cả mùa" chắc chắn sẽ được tiếp nối. Nhưng nếu không may họ bị thui chột thì không loại trừ khả năng kế hoạch ấy sẽ gãy đổ giữa chừng.

Giờ bàn đến vấn đề thứ hai, các CLB còn lại ở V.League có dám thực hiện kế hoạch bán vé cả mùa giống Hoàng Anh Gia Lai hay không? Công bằng mà nói thì một số CLB V.League hiện nay như ĐKVĐ Bình Dương hay đại diện Thủ đô HN.T&T luôn rất chú trọng vào việc phát triển hình ảnh. Và nhìn từ khía cạnh chất lượng chuyên môn cho đến hình ảnh, tác phong thi đấu thì họ cũng là một trong những CLB có thể... ngẩng cao đầu.

Vấn đề nằm ở chỗ, những cầu thủ tinh hoa nhất của hai CLB này vẫn chỉ là những con người sinh ra, lớn lên theo đúng mô hình đào tạo Việt Nam cũ kĩ, chứ không phải là một mô hình mang tính đột biến, khai phá kiểu như lò đào tạo trẻ JMG ở Hoàng Anh. Và trong quá trình lao động nghề nghiệp từ trước tới nay, không ai trong nhóm tinh hoa này khuyết nhiều để lại tỳ vết, khiến người hâm mộ không còn tin yêu tuyệt đối.

Nói một cách hình ảnh: trong khi nhiều đại gia V.League có "hàng tinh" thì riêng Hoàng Anh Gia Lai có "hàng độc", và với thứ "hàng độc" ấy mà Hoàng Anh mới trở thành CLB tiên phong thực hiện việc bán vé cả mùa.

Chờ những cuộc đấu dự đoán là nảy lửa giữa "hàng độc" với "hàng tinh" để xem cái việc tiên phong ấy rồi sẽ có đoạn kế tiếp như thế nào!?

Diệp Xưa
.
.
.