Câu chuyện bóng đá: Triết lý tập thể của thầy Miura

Thứ Bảy, 08/11/2014, 12:36
HLV trưởng ĐTVN Toshiya Miura cho biết, ĐTVN dưới trướng của ông sẽ đi theo triết lý tập thể và với triết lý ấy, ông hy vọng có thể sẽ đoạt được cúp vàng AFF Suzuki Cup 2014.

Ở  góc độ chuyên môn, ông Miura thẳng thắn đánh giá bóng đá Việt Nam hiện tại không có một cầu thủ vượt trội ở khu trung tuyến, để có thể dẫn dắt lối chơi toàn đội. Nhưng ông cũng không cho đấy là một điểm yếu, vì: "Hai mươi năm trước, bóng đá thế giới luôn cần một cầu thủ dẫn dắt, nhưng bây giờ bóng đá hiện đại đã rất khác rồi". Trong rất nhiều các cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi, ông Miura luôn nhấn đi nhấn lại việc trong bóng đá hiện đại, tất cả các cầu thủ đều phải di chuyển, phải lao động đến cật lực và chính nhờ cái khối di chuyển ấy (chứ không phải nhờ tài năng của một hai cầu thủ dẫn dắt nào đó) mà một đội bóng sẽ được vận hành trơn tru.

Không khó thấy rằng các bài tập rất nặng của ông Miura cùng người trợ lý thể lực vốn cũng là đồng hương của ông, là để hướng tới việc nâng nền thể lực cho các cầu thủ - yếu tố căn bản nhất và quan trọng nhất để thực hiện một lối chơi tập thể, di chuyển nhiều như ông mong muốn. Trong các buổi tập, rất nhiều lần ông thầy người Nhật cắt còi, khi thấy học trò cầm bóng quá 3 chạm. Và trong những buổi giao hữu vừa qua, đặc biệt là trận đấu với U.23 Bahrain, ông cũng phê phán một số vị trí vẫn chưa thể bỏ được thói quen cầm bóng rườm rà. Rõ ràng là triết lý tập thể đã được ông quán triệt một cách sâu sắc và như nhận xét của PCT chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn thì triết lý ấy đang dần dần thấm vào tư duy cầu thủ.

HLV trưởng Miura muốn các tuyển thủ Việt Nam phải phát huy triết lý tập thể. Ảnh: H.M.

Ngoài những vấn đề chuyên môn như đã phân tích, có thể thấy rằng triết lý tập thể chỉ được duy trì khi tất cả các cầu thủ trong một tập thể đều mang tư tưởng chiến đấu đến cùng cho một tập thể. Thời Calisto còn cầm ĐTVN thì một tư tưởng chiến đấu như vậy - cái tư tưởng được ông "Tô" gói trong một chữ "fighting" luôn được đề cao. Thời ấy các tuyển thủ không chỉ "fighting" trong các trận đấu chính thức mà còn phải fighting ngay trong những buổi tập nội bộ, đá đối kháng với nhau.

Đến thời thầy nội Phan Thanh Hùng - một người gần gũi với Calisto và theo đúng trường phái Calisto thì triết lý này tiếp tục được đề cao. Nhưng về mặt chủ quan, ông Hùng không tạo được một cái uy lớn như ông "Tô". Về mặt khách quan, thời ông Hùng cầm ĐT dự AFF Suzuki Cup 2012 có rất nhiều tuyển thủ đang rơi vào cảnh chênh vênh, chưa biết đi đâu về đâu ở cấp độ CLB. Chúng tôi nhớ là sau một buổi tập của ĐTVN ở Bangkok (Thái Lan) ngày ấy, cánh chim đầu đàn của ĐT - tiền đạo Lê Công Vinh đã ưu tư rất nhiều khi CLB Bóng đá Hà Nội của Công Vinh bị giải thể, khiến Vinh đứng trước nguy cơ không thể đầu quân cho bất cứ CLB nào trước thềm mùa giải mới. Chính từ những yếu tố chủ quan, khách quan như vậy thì tinh thần tập thể của ĐTVN ở AFF Cup 2012 đã không được thể hiện. Nói như  PCT VFF Nguyễn Lân Trung và TTK VFF Ngô Lê Bằng lúc ấy thì thậm chí: "Có những người không đá hết mình vì màu cờ sắc áo quốc gia". Trong cuộc họp mổ xẻ thất bại của kỳ AFF Cup ấy, PCT VFF Lê Hùng Dũng (giờ đã là Chủ tịch VFF) còn bảo: "Những người không hết mình vì màu cờ sắc áo QG sẽ vĩnh viễn không được gọi lại ĐTQG".

Ở thời điểm hiện nay, phần lớn các tuyển thủ Việt Nam đều đã được các CLB của mình ký kết hợp đồng ổn định. Bản thân HLV trưởng ĐT Toshiya Miura tuy là HLV mới nhưng bước đầu cũng tạo thiện cảm lớn về sự chuyên nghiệp, kỷ cương. Mong là những đặc điểm tích cực đó sẽ giúp cho triết lý tập thể (hiểu theo cả góc độ chuyên môn lẫn góc độ tinh thần, tư tưởng của ĐT) được đảm bảo.

Và nếu quả tình nó được đảm bảo thì cái mơ mộng của ông Miura về việc "chúng ta có khả năng đoạt cúp vàng" không phải là vô cớ!

Diệp Xưa
.
.
.