Xây dựng thương hiệu cho vận động viên:

Cần một chiến lược bài bản

Thứ Ba, 02/10/2018, 08:43
Thể thao Việt Nam sở hữu không ít ngôi sao sáng giá có thể truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Nhưng để các ngôi sao có thể tận dụng những thành công của mình để tạo nên thương hiệu cá nhân, qua đó có thêm nguồn thu nhập lại là câu chuyện khác.


Tiềm năng nhiều, khai thác ít

Từ vài năm nay, ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân trong làng thể thao Việt Nam đã dần manh nha. Câu chuyện cựu tiền đạo nổi tiếng Lê Công Vinh gắn với biệt danh “CV 9” hay tiền đạo Công Phượng gắn với chữ viết tắt “CP 10” cũng phần nào gắn với quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân của họ.

Trang mạng xã hội của họ được chăm chút kỹ lưỡng với những thông tin cập nhật liên tục về họ cả trên sân đấu cũng như đời thường. Một ngôi sao khác của thể thao Việt Nam là Nguyễn Tiến Minh ở môn cầu lông cũng chịu khó chăm chút cho trang mạng xã hội của mình.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng đang là thương hiệu lớn trong làng thể thao Việt Nam.

Nhờ vậy, dù đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ nhưng Nguyễn Tiến Minh luôn có một lượng người theo dõi vào hàng “khủng” so với nhiều ngôi sao thể thao khác. Đó cũng là điểm cộng rất lớn của Nguyễn Tiến Minh trong mắt các doanh nghiệp muốn hợp tác với anh. Cũng không ngẫu nhiên mà vào lúc này, Nguyễn Tiến Minh vẫn có nhà tài trợ cá nhân.

Gần đây nhất, thủ môn đội tuyển U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng trở thành ngôi sao sáng nhất trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân. Trở về từ vòng chung kết giải U23 châu Á 2018, thủ môn này lập tức trở thành cái tên sáng giá, được nhiều nhà tài trợ săn đón.

Bùi Tiến Dũng đã được một công ty truyền thông đồng hành trong việc xây dựng hình ảnh. Trang cá nhân trên mạng xã hội của anh cũng có lượng người theo dõi vào hàng đông nhất trong các ngôi sao thể thao Việt Nam hiện tại. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau vòng chung kết giải U23 châu Á 2018, trang cá nhân của thủ môn này đã có gần 3 triệu người theo dõi.

Tuy nhiên, không hẳn những ngôi sao thể thao nổi tiếng ở Việt Nam đều biết cách khai thác hình ảnh của mình. Cuộc Hội thảo “Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân dành cho các VĐV thể thao đỉnh cao Việt Nam” mới được tổ chức tại Hà Nội đã làm rõ điều này. Trong báo cáo tại hội thảo này, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hương đã chỉ ra rằng, nhiều ngôi sao thể thao Việt Nam có thể khai thác hình ảnh của chính mình rất tốt để thu hút sự đầu tư cho chính họ cũng như có thêm nguồn thu nhập.

Thế nhưng, việc không được tiếp sức từ những chiến lược xây dựng hình ảnh đã khiến nhiều VĐV bỏ lỡ cơ hội. Nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh từng là mục tiêu số 1 của nhiều doanh nghiệp nhưng rồi sau đó, anh cũng chưa thể tận dụng được những lợi thế đang có. Dù vậy, Hoàng Xuân Vinh ở một môi trường đặc thù nên việc xây dựng hình ảnh sẽ phải được cân nhắc kỹ.

Gần đây nhất, nhà vô địch ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo dù mang về thành tích vẻ vang cho thể thao Việt Nam, nhưng cũng chủ yếu sử dụng mạng xã hội để giao lưu. Tất cả để thấy rằng, sự đánh giá về xây dựng hình ảnh cá nhân trong làng thể thao Việt Nam luôn có sự khác nhau. Thậm chí, trường hợp kình ngư Ánh Viên còn không có trạng cá nhân trên mạng xã hội vì cô muốn hoàn toàn tập trung vào tập luyện và thi đấu.

Phải làm cho dù khó khăn

Nghiên cứu trên cũng chỉ rõ rằng các ngôi sao thể thao thế giới đều có chiến lược xây dựng hình ảnh cá nhân riêng. Quan trọng là họ tận dụng tối đa việc này để tạo thêm nguồn thu nhập một cách hợp pháp, chính đáng. Họ thừa hiểu rằng, mức độ nổi tiếng trên nhiều kênh khác nhau như mạng xã hội, YouTube sẽ mang đến nhiều cơ hội cho chính họ. Thậm chí một dòng trạng thái về một sản phẩm nào đó của họ cũng có thể mang đến cơ hội thu nhập cả trăm nghìn USD.

Vì vậy, chính Giáo sư Lê Quý Phượng, Chủ tịch Hội Khoa học TDTT Việt Nam cũng chỉ ra rằng, dù có nhiều thành tích quốc tế ấn tượng nhưng các VĐV Việt Nam vẫn chưa biết cách khai thác hình ảnh cá nhân hiệu quả.

Thực tế, để VĐV tự xây dựng hình ảnh cho mình là câu chuyện đầy khó khăn. Cho nên, phải có những người đồng hành với họ. Có thể là nhà quản lý, có thể là công ty truyền thông nào đó... để giúp hình ảnh của họ được lan tỏa đúng với những đóng góp của họ cho thể thao Việt Nam. Điều này chỉ tốt cho VĐV, nhất là khi xu hướng chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa thể thao đang ngày càng phát triển trong làng thể thao Việt Nam. VĐV hoàn toàn có thể nghĩ đến những khoản thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng cũng như từ những nguồn đầu tư khác thông qua việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân cho mình.

Tất nhiên, không dễ để thực hiện được điều này. Ngay câu chuyện xác định ai là người có quyền xây dựng, khai thác thương hiệu cho VĐV cũng là vấn đề. Thực tế, rất nhiều VĐV đang thuộc các đơn vị quản lý thể thao Nhà nước nên để có thể xây dựng hình ảnh trên trang mạng xã hội hay các kênh truyền thông khác cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị chủ quản. Kể cả khi họ có một đội ngũ quản lý thì cũng phải “nhìn trước, ngó sau”. Ngay trường hợp VĐV tập trung ở đội tuyển quốc gia thì khi có một đơn vị muốn tài trợ cũng không biết đầu mối liên hệ là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT hay Liên đoàn Thể thao quốc gia.

Cho nên, ngay từ lúc này phải có một chiến lược bài bản cho các VĐV trong việc xây dựng thương hiệu. Tất nhiên, việc quan trọng nhất với họ vẫn là phải duy trì được thành tích tốt cũng như có những hành động đẹp để tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng. Nếu không, việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân của họ cũng chẳng đi đến đâu.

Thương hiệu cá nhân đem lại hiệu ứng cho thể thao quốc gia

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đã kể rằng, tấm HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh đã tác động rất mạnh đến việc nâng tầm thương hiệu thể thao quốc gia cũng như cá nhân Hoàng Xuân Vinh. Điều đó thể hiện qua việc Hoàng Xuân Vinh được nhiều người biết đến hơn và thể thao Việt Nam nhận được sự đánh giá cao trong làng thể thao thế giới. Thương hiệu cá nhân dù là khái niệm mới mẻ trong làng thể thao Việt Nam nhưng cần được chú ý nghiên cứu để phát huy tốt nhất những thành công của VĐV.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.