Các đội thể thao trong mùa dịch COVID-19: Thích nghi để giữ phong độ

Thứ Ba, 07/04/2020, 07:28
Khi Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 1-4 cũng là lúc các đội thể thao cũng như chính vận động viên (VĐV) phải có những giải pháp ứng phó linh hoạt. Tất cả cũng nhằm ít nhất giữ được nền tảng thể lực hoặc tốt hơn là giữ phong độ, để khi hết dịch có thể sớm bắt nhịp với guồng quay mới.


Tập ở nhà như ở đội

Ngày Thể thao Việt Nam 27-3 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng tâm sự rằng, VĐV thể thao thành tích cao không thể nghỉ tập luyện dài ngày. Đặc biệt, ở những môn đòi hỏi sức mạnh, tốc độ thì việc tập luyện liên tục càng trở nên cần thiết.

Chỉ cần nghỉ vài ngày là VĐV sẽ phải tập cật lực trong 2-3 tuần sau đó mới lấy lại phong độ. Thế nhưng, duy trì tập luyện thế nào trong giai đoạn dịch COVID-19 cũng là bài toán khó với những nhà chuyên môn.

Câu chuyện giữa chúng tôi và ông Đào Quốc Thắng diễn ra vào lúc tình hình dịch COVID-19 đã diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Ngay lúc ấy, các đội thể thao tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội (Tổng cục TDTT) hay tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đã phải đưa ra các biện pháp phòng dịch tối đa, chưa từng có.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tập luyện tại nhà trong thời gian cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Buổi sáng hôm đó, HLV Đào Xuân Cường, nội dung cự ly 110m rào, của bộ môn điền kinh Hà Nội đã kể rằng đã duy trì tập luyện cho VĐV bằng cách không tập theo nhóm đông mà chỉ theo nhóm 1-2 người, chia theo các khung giờ khác nhau để bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch.

Còn VĐV Nguyễn Ngọc Quang (Hà Nội), nhà vô địch cự ly 110m rào toàn quốc, cũng cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng phần nào tới nếp sinh hoạt, ăn nghỉ của VĐV. "Dịch ảnh hưởng tới việc thi đấu của chúng em rất nhiều. Có những giải phải lùi lại hoặc hủy. Giáo án tập luyện phải điều chỉnh rất nhiều. Dù vậy, các HLV cũng linh hoạt khi đề ra giáo án cho chúng em, có hôm tập 2 buổi, có hôm chỉ tập một buổi để duy trì được thể lực tốt nhất” – Ngọc Quang chia sẻ.

Trong khi đó, ở đội bi sắt Hà Nội, từ nhiều năm nay, nhiều VĐV đã quen với việc đeo khẩu trang cả trong tập luyện và thi đấu. Việc này bắt nguồn từ lúc hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu của bi sắt Hà Nội hoàn toàn ở ngoài trời.

Nhiều khi trời nắng như đổ lửa nên các VĐV phải đeo khẩu trang để tránh nóng, giữ da. Lâu riết thành quen, đến khi tập luyện và thi đấu trong sân tập có mái che thì nhiều VĐV vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang.

Điển hình nhất trong số này là VĐV kỳ cựu Nguyễn Thị Hiền, từng vô địch SEA Games và Đại hội thể thao trong nhà châu Á. Như lý giải của cô thì đã quá quen với việc đeo khẩu trang khi tập luyện, thi đấu từ khoảng 15 năm nay. Cho nên, khi có quy định đeo khẩu trang, đứng cách nhau 2m thì cô thấy bình thường. Ngoài ra, bi sắt không phải là môn thi đấu đối kháng nên cũng giúp Ban huấn luyện có thể dễ dàng áp dụng các giải pháp phòng dịch hơn.

Theo Trưởng bộ môn bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui, theo đúng khuyến cáo của ngành Y tế và chỉ đạo cụ thể từ Ban Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, đội được chia thành nhiều nhóm nhỏ, tập luyện ở các khung giờ khác nhau. Việc này nhằm bảo đảm không có quá nhiều người trên sân tập đáp ứng đúng yêu cầu phòng chống dịch hiện nay.

Các thành viên đội thể dục nghệ thuật Hà Nội điểm danh trước buổi tập trực tuyến với HLV Nguyễn Thu Hà 

Nhưng đấy là câu chuyện trong ngày Thể thao Việt Nam 27-3. Còn từ đầu tháng 4 này, khi công tác phòng, chống dịch được tăng cường trong đó có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lập tức các đội phải điều chỉnh. Đa số các đội đã tạo điều kiện để VĐV tập luyện tại nhà ít nhất đến 15-4 để phòng, chống dịch.

Như ở đội tuyển vật quốc gia, một số VĐV của Hà Nội cũng đã về nhà để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Chỉ những VĐV ở tỉnh xa vẫn tập trung tại Trung tâm. Yêu cầu đặt ra vẫn là tự VĐV phải nghiêm túc tập luyện như khi tập trung tại đội tuyển. Ngoài ra, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, các HLV cũng phải tăng cường giám sát VĐV thông qua các phần mềm trực tuyến.

Thích nghi với hoàn cảnh mới

Từ đầu tháng 4 cho đến 15-4 là khoảng “thời gian vàng” trong phòng, chống dịch COVID-19. Cũng vì vậy, kể cả khi VĐV tập luyện ở nhà theo giáo án của Ban huấn luyện thì yếu tố tự giác của VĐV vẫn được đề cao.

Theo Trưởng bộ môn Bi sắt Hà Nội Đặng Xuân Vui, các HLV trong đội liên tục nhắc nhở VĐV về việc không ra khỏi nhà trong thời gian tập ở nhà. Bên cạnh đó còn là nhắc nhở về việc không đưa ra những ý kiến bình luận, không dẫn lại những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội để góp phần giúp công tác phòng, chống dịch COVID-19 của toàn xã hội diễn ra thành công. Riêng về chuyên môn, HLV chỉ đưa ra các bài tập thể lực. VĐV cũng không phải tập các bài về kỹ thuật bởi nếu không có sự giám sát tại chỗ của HLV thì rất dễ dẫn đến tập sai kỹ thuật. Đến khi tập trung trở lại sẽ mất nhiều thời gian chỉnh sửa.

Tương tự, đội vật Hà Nội cũng cho VĐV tập luyện tại nhà với các bài tập chú trọng về thể lực, sức mạnh. Đội Điền kinh Hà Nội cũng giao các bài tập thể lực cho VĐV trong đó các HLV phải giám sát quá trình tập luyện của VĐV thông qua các phần mềm trực tuyến…

Ở đội Thể dục nghệ thuật, các VĐV, chủ yếu là VĐV nhỏ tuổi, dù được tập luyện tại gia đình cũng vẫn phải duy trì 1-2 buổi mỗi ngày. Việc giám sát, hướng dẫn các VĐV của đội được HLV Nguyễn Thu Hà thực hiện qua phần mềm trực tuyến.

Theo HLV Nguyễn Thu Hà, việc huấn luyện trực tuyến đương nhiên không thể như huấn luyện trực tiếp nhưng như vậy cũng còn tốt hơn là cô trò không có hoạt động huấn luyện – tập luyện. Đặc biệt, VĐV Thể dục nghệ thuật phải chú trọng từng ly từng tý trong gìn giữ hình thể. Cho nên việc huấn luyện trực tuyến cũng giúp HLV nắm được cụ thể tình hình của VĐV.

Ngay như nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh cũng không quên tập luyện các bài bổ trợ thể lực trong thời gian tập luyện tại nhà. Theo Hoàng Xuân Vinh, ngoài tập luyện các động tác kỹ thuật, anh cũng chú trọng đến các bài tập thể lực để duy trì trạng thái vận động. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho anh khi trở lại tập luyện sau dịch.

Riêng ở đội cờ Hà Nội, từ nhiều năm nay, các VĐV đã quen với cách dạy trực tuyến. Vì thế, từ khi xảy ra dịch COVID-19 tại Hà Nội cho đến khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thầy trò trong đội đều thoải mái với cách dạy trực tuyến. HLV Bùi Vinh của đội cờ Hà Nội kể rằng, nhiều VĐV hàng đầu của Việt Nam như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn hay Trần Tuấn Minh của Hà Nội đã quá quen cách dạy trực tuyến từ các chuyên gia cờ nước ngoài. Vì thế, việc tập luyện tại nhà qua hình thức trực tuyến hoàn toàn không gây khó khăn cho các kỳ thủ.

Nhiều HLV và VĐV đều công nhận quãng thời gian tập luyện tại nhà trong khoảng từ ngày 1 đến 15-4 thực sự là thử thách về sự chuyên nghiệp, ý thức tự giác của mỗi VĐV. Kết quả sẽ được trả lời ngay khi họ tập luyện trở lại. Họ đang phải đối mặt với tình huống chưa từng có tiền lệ nên sẽ càng phải nâng cao ý thức chuyên nghiệp. Chỉ như vậy mới không bỏ lỡ những cơ hội thi đấu, giành huy chương trước mắt.

Phải điều chỉnh giáo án

Sau khi hàng loạt giải đấu tranh vé tham dự môn vật tại Olympic 2020 bị hoãn vô thời hạn, đội tuyển vật quốc gia đã phải điều chỉnh giáo án huấn luyện. Theo đó, các VĐV chỉ tập trung vào các bài tập sức mạnh, tốc độ. Đây cũng là tình trạng ở nhiều đội tuyển khác chuẩn bị tham dự các giải đấu thuộc vòng loại Olympic 2020. Đến khi có lịch thi đấu chính thức thì các đội mới đưa ra các bài tập để VĐV đạt điểm rơi phong độ khi giải diễn ra. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.