Bóng đá Việt Nam còn thiếu những giám sát có tài

Chủ Nhật, 14/08/2011, 10:53
Bao giờ cũng thế, những vòng đấu cuối mùa, bóng đá Việt Nam (BĐVN) thường rộ lên nhiều trận đấu đáng ngờ của các cầu thủ và nhiều tiếng còi đáng ngờ của các trọng tài. Như một hệ lụy tất yếu, sau những cái đáng ngờ hệ thống ấy, cầu thủ bị đưa lên "bàn mổ", trọng tài bị đưa lên "bàn mổ", và ngay cả những nhân vật chóp bu trong BTC giải cũng bị đưa lên "bàn mổ".

Thế nhưng có một đối tượng dù là một phần (thậm chí là phần quan trọng của cuộc chơi) lại nghiễm nhiên ung dung ngồi nhìn cuộc thế, đối tượng ấy là ai, và vì sao lại có một nghịch lý lạ lùng như vậy?

Câu chuyện thứ nhất: Khi giám sát "tát" ông chủ tịch

Xung quanh trận Hải Phòng - Hòa Phát.Hà Nội với tiếng còi kỳ lạ của của ông trọng tài Trần Công Trọng, có một chi tiết rất ít người được biết, đó là ngay sau trận đấu, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã lao từ ghế VIP xuống sân, tiến về phía trọng tài. Ông Hỷ hỏi thẳng ông Trọng là có rất nhiều tình huống cầu thủ nằm sân ăn vạ, tại sao trọng tài lại không bắt ra ngoài sân, hoặc rút thẻ vàng cảnh cáo. Sau này, trong những cuộc trò chuyện với báo chí, ông Hỷ cũng không ngại ngần nói thẳng là trọng tài trận ấy bắt không chuẩn.

Thế nhưng thật kỳ lạ là trong một trận đấu mà ông Chủ tịch VFF nói rõ "trọng tài bắt không chuẩn" thì ông giám sát trọng tài Nguyễn Trọng Thảo lại vẫn ghi vào biên bản của mình là "trọng tài bắt tốt". Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Thảo còn cho ông Trọng điểm 8, và điểm 8 ấy rõ ràng là một "lá bùa hộ mệnh" không thể tốt hơn đối với một trọng tài. Câu hỏi đặt ra: Cùng ngồi trên ghế VIP xem một trận đấu, vì sao lại có chuyện ông chủ tịch Liên đoàn nói một đằng, còn ông giám sát trọng tài phê một nẻo?

Vì ông Hỷ vốn là dân bóng rổ, không có những kiến thức chuyên sâu về bóng đá, còn ông Thảo vốn là một cựu trọng tài bóng đá, nên có cách xem bóng đá cùng những phân tích chuyên môn bóng đá chuẩn hơn ông Hỷ? Chắc chắn là không phải như vậy rồi, bởi sau này, khi BTC giải mổ băng trận đấu, và khi tiếng còi của trọng tài Trần Công Trọng bị kết luận là "còi méo" thì hai năm rõ mười tất cả: nhận định của một người đi lên từ bóng rổ như ông Hỷ là chính xác, còn nhận định của một người lọc lõi với bóng đá như ông Thảo hóa ra lại sai lè.

Hay vì ông Hỷ là người to nhất trong ngôi nhà BĐVN, nên ông có đủ bản lĩnh để đưa ra những nhận định và những phát ngôn của mình, còn ông Thảo chỉ là một giám sát nhỏ bé, nên ông phải nghĩ, phải nói và phải phê bút làm sao để không "mếch lòng" cấp trên, ít ra là "mếch lòng" trong cách nghĩ của ông? Điều này thì ngoại trừ ông Hỷ và ông Thảo, không ai có thể trả lời chính xác. Nhưng với bất cứ lý do thực sự nào chăng nữa thì cái kiểu "ông giám sát tát ông chủ tịch" trên sân Lạch Tray cũng đã tạo ra một câu chuyện hết sức nực cười.

Nhưng đấy mới chỉ là sự nực cười cấp 1. Còn có cả  sự nực cười cấp 2 khi mà sau này, nếu như trọng tài Trần Công Trọng với tiếng còi "méo xệch" của mình đã bị treo còi 2 trận thì ông giám sát Nguyễn Trọng Thảo - người trước đó đã phê theo kiểu "trọng tài không méo" lại không bị kỷ luật, xử lý hay khiển trách gì (?). Thế nên sau vụ này, đã có người hóm hỉnh nói rằng, đúng là "Chúa" chết, "Trạng" chẳng băng hà!

Câu chuyện thứ hai: Làm giám sát sướng hay khổ?

Vòng 24 V.League, vẫn trong một trận đấu của Hải Phòng, nhưng là trận Hải Phòng - Bình Dương trên sân Gò Đậu, khi trọng tài Nguyễn Văn Quyết bỏ qua một quả phạt đền mười mươi cho các cầu thủ Bình Dương thì rất nhiều người phẫn nộ.

Hôm ấy, khi Chủ tịch Hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi cũng đồng thời đóng vai trò "giám sát trọng tài" thì ông Mùi đã không ngại ngần phán thẳng: Trọng tài Nguyễn Văn Quyết đã sai. Đấy là một nhận định hết sức rõ ràng, khách quan của một ông giám sát.

Thế nhưng thật buồn khi đó chỉ là một lần hiếm hoi các giám sát dám thể hiện chính kiến một cách rõ ràng như vậy. Ở một loạt trận đấu bất thường khác, từ trận đấu Thanh Hóa thua Sông Lam ngay trên sân nhà, đến trận đấu Navibank Sài Gòn dẫn Hà Nội.T&T 2-0 nhưng lại thua ngược 2-4 đầy khó hiểu, hay trận Khánh Hòa thắng Đồng Tháp 4-1 trong tình cảnh cầu thủ Đồng Tháp đá như "mở toang khung thành", tất cả các giám sát trận đấu đều phê theo kiểu… không có vấn đề gì nghiêm trọng.

Có thật là "không có vấn đề gì nghiêm trọng" hay không? Nếu đúng là "không có gì nghiêm trọng", hà cớ gì khán giả Thanh Hóa lại ầm ầm phản ứng, thậm chí chửi thẳng đội nhà "bán độ"? Nếu đúng là "không có gì nghiêm trọng" hà cớ gì rất nhiều khán giả Đồng Tháp đã quay lưng với đội nhà, vì nghi ngờ đội mình sau khi đủ điểm trụ hạng đã liên tục ra tay nghĩa hiệp?

Có một sự thật là sau những trận đấu khả nghi như thế này, trọng tài không ít thì nhiều cũng bị soi xét, các cầu thủ hai đội không ít thì nhiều cũng đánh mất đi niềm tin của người hâm mộ, còn những nhà làm giải không ít thì nhiều cũng bị nhìn nhận là thiếu dũng cảm trong việc giải quyết sự cố. Riêng có lực lượng giám sát - những người vốn được nhìn nhận như "cánh tay nối dài" của BTC giải ở mỗi trận đấu, mỗi SVĐ lại vẫn… bình yên vô sự.

Có lần tôi hỏi thẳng ông trưởng giải Dương Nghiệp khôi: "Có phải các giám sát giống như những người ngồi mát ăn bát vàng hay không?". Ông Khôi lập tức cự lại với lý do rằng giám sát trận đấu là người đại diện cho quyền lực BTC giải ở một trận đấu. Họ phải làm việc với đầy đủ trách nhiệm và sự trung thực lớn nhất của mình để bảo vệ hình ảnh của BTC giải. Thế nên không thể gọi là "ngồi mát ăn bát vàng" được. Tuy nhiên, với thực tiễn các giám sát như vừa phân tích, thử hỏi những điều ông Khôi đề cập có đúng và có trúng hay không?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi giám sát trọng tài và giám sát trận đấu ở V.League nhận được 2 triệu đồng/người/trận. Riêng tiền di chuyển, đi lại, ăn ở được BTC đài thọ hết. Đấy là còn chưa nói các giám sát khi đến các địa phương đều được các địa phương hỏi thăm, đón tiếp cực kỳ chu đáo. Nó khiến cho một giám sát nếu làm đủ 4 trận/tháng chắc chắn cũng có được một khoản thu nhập không hề nhỏ so với mặt bằng thu nhập bình quân trong xã hội hiện nay. Đấy có phải là lý do khiến dư luận đồn đoán rằng có rất nhiều người sau khi giã từ nghiệp trọng tài hoặc nghiệp HLV đã gõ đủ cửa để được VFF gọi đi làm… giám sát?

Khán giả phản ứng đội nhà đá cuội, cầu thủ phản ứng trọng tài bắt láo, thế mà các giám sát vẫn phê "bình thường"?! Ảnh: Quang Minh.

Câu chuyện thứ ba: Hãy cho tôi làm giám sát

Chúng tôi đã đặt "vấn nạn giám sát" ở sân chơi V.League hiện nay cho chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh, và thật bất ngờ khi nghe ông Vinh kể lại một câu chuyện như sau: "Hồi còn bóng đá bao cấp, tôi từng được VFF mời đi làm giám sát một mùa giải. Mùa năm đó, sau trận Sông Bé - Khánh Hòa, tôi đã phê thẳng là cầu thủ hai đội chơi bóng bất thường, thậm chí là có biểu hiện tiêu cực…".

Với một nhận định thẳng thắn, trung thực như vậy, ông Nguyễn Văn Vinh những tưởng mình sẽ được hoan nghênh. Nhưng theo ông sự thực sau đó diễn ra hoàn toàn khác khi nhận định của ông bị cho là đã "làm khó" BTC giải. Chẳng là BTC giải hồi ấy có những quan hệ phức tạp với các đội bóng, vậy nên họ luôn muốn mọi chuyện diễn ra theo kiểu "tròn vo", thay vì lúc nào cũng phải đè đội bóng ra mà xử. Vẫn theo lời ông Vinh, với việc bày tỏ chính kiến một cách rõ ràng như vậy, mùa giải sau ông đã không được BTC giải mời làm giám sát nữa.

Nếu như chuyện của ông Vinh diễn ra quá xa xôi thì có thể nhắc đến một câu chuyện ngay trong hiện tại của cựu còi vàng Việt Nam Dương Mạnh Hùng. Bức xúc với hàng loạt tiếng còi méo xuất hiện ở hàng loạt các trận đấu V.League những năm gần đây, ông Hùng đã nộp đơn lên VFF để tự ứng cử vào vị trí… giám sát trọng tài.

Ông Hùng nỏi thẳng với kinh nghiệm cầu thủ và kinh nghiệm cầm còi lâu năm của mình, nếu được làm giám sát trọng tài, chắc chắn ông sẽ "ngửi" ra những tiếng còi có vấn đề. Thật ra thì về chuyên môn của ông Hùng, những nhà làm giải cũng chẳng có gì mà lấn cấn. Nhưng sự lấn cấn nằm ở chỗ, ông Hùng với biệt danh Hùng "hâm" xưa nay nổi tiếng là người sống thật và nói thật. Ông thật đến nỗi, một lần lên cao nguyên làm nhiệm vụ, được lãnh đạo một đội bóng gí phong bì vào tay thì ông đã mang phong bì trả lại VFF. Cái phong bì mà sau đó chính lãnh đạo VFF hỏi ngược lại ông là "nên xử lý như thế nào?", khiến ông bức xúc độp ngay lại: "Em nộp cho anh, anh lại hỏi ngược em như thế thì em biết trả lời sao bây giờ".

Tuy nhiên, có một thực tế là cửa làm giám sát trọng tài của ông Dương Mạnh Hùng gần như không có, bởi theo lý giải của người trong cuộc thì ông… chưa có bằng đại học. Ô hô, bằng cấp là vật bảo chứng cho trình độ con người, nhưng với một con người mà trình độ vốn đã được khẳng định thì việc cứ phải vin vào bằng cấp liệu có máy móc quá hay không? Hay đấy chính là cách "làm khó" nhau để loại một con người thẳng thắn khỏi một cuộc chơi phức tạp?

Kết luận

Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường xưa nay luôn bảo "án tại hồ sơ". Mà đối tượng làm hồ sơ đương nhiên là BTC giải, với những căn cứ chủ yếu từ biên bản của các giám sát sau mỗi trận đấu. Thế nhưng với thực tiễn làm việc của các giám sát hiện nay, đòi hỏi họ bày tỏ chính kiến một cách khách quan, sòng phẳng xem chừng quá khó. Ở một khía cạnh khác, khi mà người ta luôn chỉ nói tới việc kỷ luật cầu thủ, kỷ luật đội bóng, kỷ luật trọng tài mà gần như quên hẳn tới  việc "kỷ luật giám sát" thì gần như không thể nâng cao chất lượng làm việc của đội ngũ này.

Đến đây, buộc phải hỏi một câu hỏi tế nhị: Những nhà làm giải có thực sự muốn nâng cao chất lượng của những ông giám sát hay không?

Phan Đăng
.
.
.