Bóng đá Việt Nam: Những chấm phá đầu tiên dưới triều đại Miura

Chủ Nhật, 28/09/2014, 10:28
Asiad 17 là giải đấu chính thức đầu tiên của bóng đá Việt Nam dưới triều đại HLV Nhật Bản Toshya Miura. Giải đấu mà chúng ta toàn thắng ở vòng bảng trước những đối thủ Tây Á và Trung Á được đánh giá là nhỉnh hơn, nhưng vào đến vòng 1/8 lại thua Olympic UAE trong thể được đá hơn người trong 30 phút cuối. Giải đấu đầu tiên dưới triều đại Miura gợi nên những nét chấm phá gì?

Trước hết phải thấy là ông Miura khởi đầu triều đại của mình trong bối cảnh thuận lợi đặc biệt - những cái thuận mà những người tiền nhiệm của ông chưa chắc có. Đầu tiên là việc ĐT U.19 đã tạo nên một cơn sốt trong lòng người hâm mộ cả nước qua một loạt trận đấu tưng bừng, và chỉ cần nhìn vào những gì "đàn em" U.19 làm được và gặt được là các học trò của Miura ở ĐT Olympic đã có thể vào trận bừng bừng sinh khí. Thứ hai, Miura nhiếp chính trong bối cảnh mà những vụ án bóng đá ở Ninh Bình, Đồng Nai vừa được đưa ra ánh sáng, và những người hiểu bóng đá Việt Nam nhận thấy đấy là cái bối cảnh mà các tuyển thủ chắc chắn sẽ không dám vừa đá vừa... tính toán cho mình.

Với bối cảnh thuận lợi ấy, Miura có thể trơn tru áp triết lý của mình lên các học trò, và các học trò cũng đón nhận triết lý ấy một cách đầy tích cực. Từ người đồng hương Tanaka Koji - trưởng BTC V.League 2014, Miura thấy rõ sự yếu kém về thể lực của những cầu thủ chỉ chạy bình quân mỗi trận 5,7km (trong khi chỉ số này ở các cầu thủ châu Á là 10km) nên muốn thực hiện một cuộc cách mạng về thể lực. Những bài tập chạy, tập di chuyển với cường độ cao xen kẽ những buổi "thả lỏng" ngâm mình trong bể đá đã giúp các học trò Miura quả nhiên cải thiện được vấn đề nan giải này. Ngoại trừ khoảng 10 phút cuối trận gặp UAE, phần còn lại của Asiad năm nay Olympic Việt Nam đá mạnh mẽ một cách bất ngờ.

HLV Miura đã có khởi đầu ấn tượng với bóng đá Việt Nam. Ảnh: H.M.

Miura đã ngồi khắp các khán đài V.League và giải hạng Nhất tuyển quân, và đã dễ dàng "ngửi" ra cái tư duy chơi bóng rườm rà, ham rê dắt của cầu thủ Việt Nam. Thế là ngay trong những buổi tập đầu tiên ông đã "ép" các cầu thủ chỉ được đá nhiều nhất là 2,3 chạm, và từ đó xây dựng một lối chơi ít chạm mang màu sắc điển hình của bóng đá hiện đại châu Âu. Những gì các cầu thủ Olympic thể hiện trong 3 trận đấu tại Asiad 17 đã thể hiện rõ tư tưởng chơi bóng đó. Phải thấy là ĐTVN qua các đời thầy ngoại thường có những kiểu chơi bóng khác nhau, đó có thể là những bài đánh biên được cho là sở trường của Alfred Riedl, là lối chơi kĩ thuật dựa trên những pha ban chuyền ngắn được cho là đặc sản của Calisto, và mỗi kiểu chơi đều để lại những mặt tích cực, tiêu cực riêng của nó. Còn phải chờ thêm thời gian kiểm chứng lối chơi mà Miura xây dựng liệu có thể phát huy tác dụng tối đa hay không, nhưng rõ ràng ở vạch xuất phát này thì nó hứa hẹn sẽ là một cách chơi phù hợp.

Ngoại trừ những vấn đề chuyên môn, đội bóng của Miura còn là một đội bóng nhiệt huyết, quyết tâm ở góc độ tinh thần. Một đội bóng mà trong cả những trận đấu còn mục tiêu hay đã hết mục tiêu, trong cả những thời điểm còn cơ hội hay đã hết cơ hội giành chiến thắng thì các vị trí trên sân đều thi đấu với ý chí, quyết tâm cao nhất của mình. Liệu đây có phải là sự ảnh hưởng tích cực của "tính cách Nhật" - "tinh thần Nhật" vào một đội bóng mà trong truyền thống luôn đi chênh vênh trên hai sợi dây phi thường và bất thường? Nếu câu trả lời là "có" thì hy vọng là sự tích cực này sẽ được phát huy, và nhân rộng từ ĐT Olympic đến ĐTQG.

Như đã nói, vẫn là quá sớm để kết luận về sự thành công của Miura ở bóng đá Việt Nam, vì thực tiễn cho thấy cũng đã có những thầy ngoại đến Việt Nam và cùng ĐTVN khởi đầu như mơ, nhưng sau đó lại thất bại thảm hại, mà trường hợp của "thầy điên" Tavares năm 2004 là một dẫn chứng điển hình.

Nhưng ít ra từ những nét chấm phá đầu tiên dưới vương triều Miura, người ta có quyền hy vọng vào tương lai phía trước!

Phan Đăng
.
.
.