Bao giờ "quên" được người Thái?

Thứ Sáu, 26/09/2008, 09:50
Cái thua của U.21 Việt Nam trước lứa trẻ người Thái tại sân chơi U.21 quốc tế hôm rồi, lại thêm một lần nữa buộc bóng đá Việt phải nhớ đến Thái Lan trong nỗi buồn thất bại…

Có tiền thưởng treo cao (500 USD cho một bàn thắng vào lưới Thái Lan), có rất nhiều lời hô hào động viên không sợ Thái và sẽ thắng Thái để rộng đường vào chung kết, có sự ủng hộ của khán giả nhà, thậm chí vào trận còn có được bàn mở tỷ số từ rất sớm, U.21 Việt Nam có khá nhiều thứ để tìm được chiến thắng trước những cầu thủ 18-19 tuổi Thái Lan khoác áo đội tuyển U.21.

Ấy vậy mà kết cục lại vẫn chỉ là một câu chuyện cũ của bóng đá Việt trong những cuộc đọ sức với người Thái: Thất bại!

Tất nhiên, trong trận thua đó cũng có ít nhiều nuối tiếc dành cho các cầu thủ chủ nhà. Nuối tiếc vì không tận dụng được lợi thế dẫn bàn. Nuối tiếc vì những sai lầm của một hàng phòng ngự mong manh, khiến U.21 Việt Nam rơi vào cảnh công làm, thủ phá.

Nuối tiếc vì những tình huống dứt điểm thiếu chính xác và cả may mắn của các chân sút Việt trước cầu môn Thái. Nuối tiếc bởi nếu đội U.21 có thời gian ăn, tập lâu hơn, thay vì chỉ lắp ghép đội hình trong 5 ngày, thì biết đâu sẽ tránh được thất bại.

Thế nhưng, không thể phủ nhận thực tế: lứa trẻ người Thái đã thắng xứng đáng bởi họ hơn chủ nhà toàn diện từ lối chơi chững chạc, bài bản, đến kỹ, chiến thuật và thể lực, cũng như bản lĩnh.

Cũng bởi thua tâm phục, khẩu phục như thế nên dù chỉ là thất bại ở sân chơi trẻ, nhưng cả làng bóng đá Việt thêm một lần bị ám ảnh và nghĩ về người Thái như một "chướng ngại vật" không thể vượt qua được.

Nhiều người bảo muốn thắng Thái phải học cách quên Thái. Nhiều người cũng bảo muốn tiến bộ phải tập quên Thái, chứ đứng lấy họ làm đích để học, để đuổi và để… hụt hơi.

Nhưng xem ra, chuyện quên Thái với bóng đá Việt cũng khó như chuyện… thắng Thái.

Gần một tháng trước, làng bóng Việt thở phào khi lá thăm đưa chúng ta vào chung bảng với người Thái ở AFF Cup, cũng đồng nghĩa với việc tránh được họ ở trận knock-out bán kết. Tuy nhiên, người Thái vẫn là nỗi ám ảnh bởi ai cũng hiểu muốn đăng quang tại giải đấu này, thầy trò ông Calisto trước sau gì cũng phải gặp và phải thắng người Thái.

Nửa tháng trước, cái tin người Thái đưa cựu tuyển thủ Anh, Peter Riedl về làm HLV trưởng với mức lương cao gấp 10 lần lương ông Calisto của tuyển Việt, cũng chiếm dung lượng không ít trong đầu người làng bóng mình.

Gần một tuần trước việc lãnh đạo LĐBĐ Thái Lan, xác nhận sẽ cử đội tuyển QG tham dự VFF Cup 2008, làm không ít quan chức Liên đoàn mình thở phào bởi yêu cầu của nhà tài trợ là phải có tuyển Thái mới bắt tay làm giải. Giờ thì gần tháng nữa, người ta lại chờ đợi tuyển Việt Nam của Calisto sẽ đá như thế nào trước người Thái ở giải đấu này?

Dù chỉ là một giải đấu tập huấn chuẩn bị cho AFF Cup 2008, nhưng xem ra kết quả cuộc so giày với người Thái, có ý nghĩa khá quan trọng. Chí ít từ đó người ta cũng sẽ có một cơ sở để gửi gắm hay không niềm tin của mình vào cuộc đi săn vàng của thầy trò ông Calisto tại sân chơi khu vực.

Thế đó, người ta bảo phải quên Thái, làng bóng Việt muốn quên Thái, nhưng đâu phải muốn là được.

Có chăng muốn tẩy sạch cái tên Thái trong bộ nhớ, bóng đá Việt phải thắng họ! Cầm bằng, bóng đá mình cứ có "anh bạn thân" tên "buồn" sau mỗi cuộc đọ sức với Thái, thì có lẽ còn lâu mới quên được người Thái.

Hoặc giả tập vô cảm, đừng cay cú, đừng tiếc nuối, đừng buồn đau, đừng phiền muộn sau mỗi lần thua Thái, cứ xác định trình độ mình thấp họ cao, thua là đương nhiên, cũng là một cách tập "quên" người Thái. Nhưng thế liệu có còn là… bóng đá?

Bảo Hân
.
.
.